Doanh nghiệp trong cuộc nói gì?
Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình là một trong những doanh nghiệp sản xuất phân urê lớn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, với sản lượng cung ứng ra thị trường hằng năm khoảng trên 300 nghìn tấn.
Công nhân đang vận chuyển phân bón trong kho tại Nhà máy Đạm Cà Mau |
Theo lãnh đạo công ty, từ khi thực hiện Luật Thuế 71 đến nay, doanh nghiệp không được khấu trừ gần 1.000 tỉ đồng tiền thuế nguyên vật liệu dùng cho sản xuất. Hệ quả là giá thành sản phẩm tăng lên 500 – 700 nghìn đồng/tấn. Điều này khiến doanh nghiệp khó thu được lợi nhuận nên ảnh hưởng đến đầu tư công nghệ sản xuất. Nếu muốn có công nghệ sản xuất hiện đại thì mức đầu tư sẽ phải tăng lên. Nhưng cũng theo đó mà giá thành sản phẩm cao hơn, đầu ra khó khăn hơn. Điều này khiến cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này hầu như không mặn mà với việc đầu tư công nghệ mới.
Còn theo đại diện Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, vì không được khấu trừ thuế đầu vào, công ty bị thiệt hại trung bình trên dưới 100 tỉ đồng/năm. Con số này đã lên đến hơn 1.000 tỉ đồng trong gần 10 năm qua. Điều này làm cho giá thành sản phẩm tăng lên 6 - 7% và bắt buộc phải tính vào giá bán, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của bà con nông dân.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, ước tính khi thực hiện Luật Thuế 71, giá thành phân đạm tăng 7,2-7,6%; phân DAP tăng 7,3-7,8%; phân supe lân tăng 6,5-6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng 5,2-6,1%.
Cũng ngay sau khi Luật Thuế 71 có hiệu lực thì năm 2015 sản lượng phân bón tồn kho cuối tăng mạnh so với cùng kỳ, tồn kho phân đạm urê tăng 2,4 lần, tồn kho phân DAP tăng xấp xỉ 2 lần (trong đó tồn kho của hai doanh nghiệp sản xuất trong nước tăng 23 lần).
Được biết, phân bón nhập khẩu từ các nước như Indonesia, Malaysia, Philippines, Nga, Trung Đông và đặc biệt là Trung Quốc phần lớn có thuế nhập khẩu bằng 0% và hầu hết các nước này có chi phí nguyên liệu sản xuất phân bón rất thấp. Do đó, phân bón ngoại được dịp “tung hoành”, ép giá khiến phân bón nội “ngộp thở”.
Góc nhìn mới của các Đại biểu Quốc hội
Tại buổi tọa đàm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho phân bón - Vì lợi ích của nông dân và sự phát triển của ngành phân bón trong nước do Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức ngày 10/11, hai vị Đại biểu Quốc hội đã có quan điểm mới thay cho cái nhìn trước đó về nên hay không áp thuế VAT đối với mặt hàng phân bón.
Báo NTNN/Điện tử Dân Việt tổ chức Tọa đàm Thuế VAT cho phân bón – Vì lợi ích của nông dân và sự phát triển ngành phân bón trong nước. (Ảnh: Phạm Hưng) |
Đại biểu Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội cho hay, quan điểm của ông đã thay đổi từ kỳ họp Quốc hội thứ 7 so với kỳ họp Quốc hội thứ 8. Khẳng định, việc đưa mặt hàng phân bón từ diện không chịu thuế VAT sang mặt hàng phải chịu thuế VAT là một quyết định đúng đắn.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, việc đã đưa vào diện chịu thuế rồi thì câu hỏi đặt ra là mức thuế VAT áp dụng với phân bón là bao nhiêu. Và hiện có hai kịch bản để lựa chọn khi áp dụng thuế VAT là 0% hay 5%, đây là hai kịch bản được nhiều người có ý kiến. Như vậy, chúng ta phải phân biệt hai phương án.
“Mỗi một kịch bản đều có điểm lợi và điểm bất lợi khác nhau. Không có một kịch bản nào là toàn diện và phải nói là rất khó để so sánh. Chúng ta chỉ quyết định chọn được phương án nào nếu như đưa ra được câu trả lời là lấy đối tượng nào làm trọng tâm: đó là Nhà nước, doanh nghiệp hay người tiêu dùng (ở đây là người nông dân). Đây là câu chuyện cần phải bàn kỹ”, ông Hiếu nói.
Đại biểu Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội. (Ảnh: Phạm Hưng) |
Với kịch bản áp thuế VAT 0%, theo ông Hiếu, sẽ có ba đối tượng bị tác động là Nhà nước, doanh nghiệp sản xuất phân bón và người tiêu dùng phân bón. Thứ nhất là Nhà nước không thu được lại khoản gì cả, như vậy là chắc chắn là bị tác động về ngân sách. Thứ 2, là doanh nghiệp trong nước, chi phí sản xuất sẽ được giảm do được hoàn thuế đầu vào trong một số vật tư, hàng hóa ban đầu và có lợi ích tốt hơn. Nhưng đối với người tiêu dùng thì sao? Doanh nghiệp có thể có được chi phí sản xuất tốt hơn, nhưng việc họ có sẵn sàng giảm giá bán cho nông dân hay không là hai câu chuyện hoàn toàn khác.
“Xin nhấn mạnh lại, không đương nhiên doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất thì họ giảm giá bán bởi đó là câu chuyện cạnh tranh, do chiến lược dài hạn và lòng tốt của doanh nghiệp", Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu đặt vấn đề. Với người tiêu dùng, theo ông Hiếu, việc áp thuế VAT 0% thì ít nhất giá phân bón sẽ không tăng.
Với kịch bản áp thuế VAT 5%, doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế đầu vào, có điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước, gia tăng cạnh tranh. Trong cả hai kịch bản này thì doanh nghiệp đều có lợi ích như nhau, đây là cơ hội giảm chi phí.
Sản xuất trong nước sẽ lợi hơn nhập khẩu vì sản phẩm nhập khẩu cộng thêm 5%, sản xuất trong nước sẽ được gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Nhưng ở góc độ người tiêu dùng, với giá bán không đổi thì họ phải trả thêm 5% (thuế VAT đánh vào người tiêu dùng cuối cùng). Doanh nghiệp có giảm giá bán (mà giảm dưới 5%) thì cộng với thuế VAT 5% thì giá mua của người tiêu dùng vẫn cứ tăng. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp có sẵn sàng giảm giá bán hay không mới chỉ là kỳ vọng? Việc giảm giá bán là do thị trường và nhiều yếu tố khác nữa quyết định.
Ông Hiếu nêu quan điểm bản thân nhìn ở góc độ người tiêu dùng, đại diện cho cử tri, ông đứng về phương án thuế VAT 0%. Đồng thời đề xuất Quốc hội nên lấy ý kiến riêng về vấn đề này, trước khi trình biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo Luật Thuế VAT.
Kịch bản tác động của việc áp thuế VAT với mặt hàng phân bón của Đại biểu Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội. (Ảnh: Nguyễn Hạnh) |
Cũng có những thay đổi trong quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa – Uỷ viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho hay, trước đây đại biểu cho rằng nếu áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón thì nông dân sẽ là người thiệt thòi. Tuy nhiên, qua giải trình của Thường vụ Quốc hội, ông Hòa nhận thấy thuế VAT đối với phân bón được sửa đổi năm 2014 và chuyển từ việc chịu thuế suất 5% sang không chịu thuế, chính sách này đã gây ảnh hưởng, bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước suốt thời gian qua.
Vì thuế VAT đầu vào của các doanh nghiệp này không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí, bao gồm cả thuế đầu vào. Nếu không áp thuế VAT, doanh nghiệp sản xuất phân bón không chỉ mất lợi thế cạnh tranh riêng trong ngành hàng, mà cả các mặt hàng khác liên quan đến các yếu tố đầu vào. Về lâu dài, lo ngại sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành phân bón. Vì không áp thuế VAT là chúng ta bảo hộ cho mặt hàng của nước ngoài, hàng nhập khẩu.
"Quan điểm của tôi là đồng tình với giải trình của Thường vụ Quốc hội. Đó là phải áp thuế suất VAT 5% đối với mặt hàng phân bón. Phân bón hiện nay là loại hàng hóa trong diện bình ổn giá. Nhà nước sẽ điều tiết để đảm bảo phân bón không tăng cao", ông Hòa nêu quan điểm.
Dù vậy, ông Hòa cũng nhìn nhận: nếu áp thuế VAT 5%, sẽ làm tăng giá bán đến tay người nông dân. Vì vậy, cần bàn tay điều tiết của Chính phủ để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tăng giá phân bón đến người nông dân.
“Phân bón hiện là mặt hàng bình ổn giá, do đó cần kiểm tra sát sao việc phân phối, kinh doanh hàng nhập khẩu không để tư thương "té nước theo thuế VAT". Đồng thời, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước khi giảm được chi phí sản xuất cũng phải có trách nhiệm giảm giá thành sản phẩm cho người nông dân”, ông Hòa nói.
Doanh nghiệp phân bón phải rõ trách nhiệm với nông dân
Trở về từ chuyến đi thực tế một số vùng trồng trọng điểm trái cây, lúa tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng như lắng nghe tiếng nói từ người nông dân, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh chia sẻ: “Nông dân họ không biết thuế là thế nào, điều họ cần nhất là giá vật tư nông nghiệp ổn định và thấp, để họ có thể có mức chi phí giá thành phù hợp và sản xuất có lãi”.
Việc áp thuế VAT với mặt hàng phân bón sẽ tác động ngay lập tức đến người nông dân. (Ảnh: Nguyễn Hạnh) |
Làm nông nghiệp rất vất vả, do đó, những thay đổi chính sách, thì sự tính toán kỹ đến đối tượng chịu thuế là người nông dân là việc cần phải làm.
Nói về quan điểm có nên đưa phân bón từ diện không chịu thuế vào diện chịu thuế VAT hay không và khi đã đưa vào rồi thì quyết định mức thuế VAT là bao nhiêu, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng: cần thiết phải chuyển từ trạng không đánh thuế sang trạng thái đánh thuế VAT với vật tư nông nghiệp nói chung và phân bón nói riêng. Bởi tất cả các mặt hàng sản xuất ra đều đóng góp chung (nộp thuế VAT) cho nền kinh tế quốc dân, vì vậy, đề xuất là phù hợp.
Câu hỏi đặt ra là mức thuế VAT nào đối với mặt hàng phân bón là phù hợp? Theo ông Thịnh, nguyên tắc của thuế VAT đó là khấu trừ thuế VAT đầu vào, điều này đồng nghĩa chúng ta lấy thuế VAT đầu ra trừ đi thuế VAT đầu vào, lúc đó, nếu không có thuế VAT thì doanh nghiệp không được khấu trừ nhưng nếu thuế VAT bằng 0 thì doanh nghiệp cũng không được khấu trừ (đầu ra bằng 0 nên doanh nghiệp không có thuế VAT để khấu trừ). Do đó, dẫn đến thiệt đơn, thiệt kép cho doanh nghiệp trong nước, trong khi doanh nghiệp nước ngoài được ưu đãi của Chính phủ nước họ.
"Cũng có ý kiến đề xuất mức thuế 10%, 7%, đây là mức khá cao. Lúc đầu, chúng tôi cho rằng, mức 7% là phù hợp, nhưng sau đó, chúng tôi tính toán lại một cách tương đối cụ thể, lấy số liệu từ các nhà máy phân bón khác nhau, thì mức đầu vào chịu thuế VAT đâu đó khoảng 3,8%, vì vậy, chúng tôi đề xuất mức thuế 5%, mức thuế này chúng ta có thể đáp ứng được tất cả các doanh nghiệp và người nông dân cũng chấp nhận được"- ông Thịnh phân tích.
Theo TS. Đinh Trọng Thịnh, với mức 5% thuế VAT với mặt hàng phân bón, doanh nghiệp trong nước sẽ tiết kiệm được chi phí sản xuất do được khấu trừ thuế VAT đầu vào, giá thành sản xuất thấp hơn thì giá bán sẽ giảm, hoặc không giảm mà vẫn như giá hiện nay thì doanh nghiệp có thêm lợi nhuận đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ mới, sản phẩm mới,…. Đồng thời, đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp nhập khẩu.
Với nông dân, về nguyên tắc có thể giá cao hơn nhưng không đáng kể hoặc giá vẫn ổn định vì mức khấu trừ đầu vào trên 3,8% như đã nói ở trên. Và với cơ quan quản lý nhà nước, sẽ đảm bảo công bằng hơn đối với sản xuất trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài.
Số liệu của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy, nhu cầu sử dụng phân bón trong nước từ 10,5 triệu tấn đến 11 triệu tấn/năm. Sản xuất trong nước hiện 9 triệu tấn/năm, xuất khẩu hơn 1,8 triệu tấn/năm còn nhập khẩu 3,3 triệu tấn/năm. Con số 3,3 triệu tấn/năm này, nếu chúng ta đánh thuế VAT thì ngân sách nhà nước thu được khoản 2 nghìn tỷ đồng. Đây là con số không hề nhỏ. Với nguồn thu này, nhà nước có thể triển khai các giải pháp hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đường xá giao thông, trạm điện, giống cây con… từ đó, hỗ trợ bà con nông dân và nông nghiệp hội nhập hiện nay.
Ở góc độ doanh nghiệp, việc giá thành sản xuất giảm sẽ giúp doanh nghiệp có lợi nhuận, từ đó nâng cao hiệu suất của sản phẩm, tạo cơ hội để giảm giá bán hoặc khuyến mãi, hậu mãi cho nông dân. Để làm được việc này, Hiệp hội phân bón phải vào cuộc. Cơ quan chức năng sẽ giám sát để giá phân bón trong nước bán ra ổn định hoặc giảm khi áp thuế VAT phân bón do giá thành giảm.
Liên quan đến nội dung thuế VAT phân bón, phát biểu tại Quốc hội ngày 29/10/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc lý giải, giá phân bón không chỉ phụ thuộc vào vấn đề thuế tăng hay giảm mà giá phân bón phụ thuộc vào giá thành sản xuất, phụ thuộc vào thị trường, cung cầu. Vì vậy, nếu cố định tất cả các loại chi phí thì thuế sẽ đảm bảo giá phân bón tăng hay giảm. Nhưng, thực ra giá thành sản xuất phụ thuộc vào khoa học công nghệ, hiện đại hóa, năng suất lao động, các yếu tố khác. Khi không thu thuế đối với mặt hàng này, giai đoạn 2018-2022 giá phân đạm ure vẫn tăng 19,71% đến 43,6% điều đó có nghĩa giá phụ thuộc cơ bản về thị trường, tức là về cung cầu. Nhưng năm 2023 thì giá đạm ure lại tăng lên 6,29 - 6,4% là vì chiến tranh của Nga - Ukraine, vì cầu cao mà cung ít, cho nên phụ thuộc chủ yếu vào cung cầu. Cũng theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc tăng giá VAT phân bón sẽ áp cả cho hàng nhập khẩu và sản xuất trong nước. Vì vậy, khi giá nhập khẩu tăng lên thì doanh nghiệp trong nước sẽ có điều kiện để cạnh tranh. Theo tính toán, doanh nghiệp của nước ngoài phải nộp 1.500 tỷ đồng vì hàng hóa nhập vào nhiều, doanh nghiệp trong nước chỉ phải nộp tăng thêm 200 tỷ đồng, để các đại biểu thấy rằng lợi ích cho doanh nghiệp trong nước và tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước cải tiến kỹ thuật và áp dụng công nghệ hiện đại, giảm giá thành phần sản phẩm. Như vậy, sẽ giảm được giá bán cho người nông dân và chúng ta làm chủ được vấn đề phân bón. "Tôi mong các Đại biểu Quốc hội ủng hộ phương án thuế VAT với phân bón là 5%", Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh sau khi đã giải trình. |
Thuế VAT với mặt hàng phân bón: Bài 3 – Cần hài hòa lợi ích