Chuyên gia lý giải việc giá lúa tăng cao, giá gạo lại giảm nhẹ

Giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long đang tăng cao, trong khi giá gạo giảm nhẹ, sự đối lập này phản ánh sự bất ổn trong cung cầu và thách thức cho thị trường.

Thị trường lúa gạo trong nước đang ghi nhận những biến động đáng chú ý với giá lúa tăng cao, trong khi giá gạo lại giảm nhẹ. Sự trái ngược này đặt ra nhiều câu hỏi về nguyên nhân và tác động của nó đối với nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Ghi nhận tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm sản xuất lúa gạo lớn nhất cả nước, giá lúa hiện đang giữ ở mức cao. Giá lúa ngày 20/8/2024, lúa IR 50404 dao động quanh mức 7.800 - 8.000 đồng/kg, lúa Đài thơm 8 đạt 8.400 - 8.500 đồng/kg, trong khi lúa OM 5451 có giá từ 8.000 - 8.200 đồng/kg. Những con số này cho thấy sự ổn định và tăng nhẹ so với ngày hôm qua.

Trong khi đó, thị trường gạo lại ghi nhận sự giảm giá nhẹ từ 50 đến 100 đồng/kg đối với một số loại gạo như gạo nguyên liệu IR 504 Hè Thu, giảm xuống còn 11.700 - 11.800 đồng/kg. Gạo thành phẩm IR 504 cũng giảm xuống còn 13.800 - 13.900 đồng/kg. Điều này đặc biệt rõ nét ở các địa phương như An Cư (Sóc Trăng) và Sa Đéc (Đồng Tháp), nơi giao dịch diễn ra chậm chạp và lượng gạo mua bán không nhiều.

Chuyên gia lý giải việc giá lúa tăng cao, giá gạo lại giảm nhẹ
Giá lúa tăng cao, giá gạo giảm nhẹ (Ảnh minh họa).

Theo một số chuyên gia, giá lúa tăng là do nhu cầu tăng cao, đặc biệt là từ các thương lái và doanh nghiệp xuất khẩu. Điều này khiến giá lúa được neo ở mức cao. Tại Cần Thơ, Kiên Giang, và các tỉnh khác, dù giao dịch chậm nhưng giá lúa vẫn cao do sự gia tăng trong việc thu mua từ các thương lái, chủ yếu là để chuẩn bị cho các hợp đồng xuất khẩu lớn vào cuối năm.

Việc giá gạo giảm nhẹ trong bối cảnh giá lúa tăng cao có thể xuất phát từ tình trạng thị trường tiêu thụ nội địa gặp khó khăn. Mặc dù lượng hàng về ít, nhưng nhu cầu tiêu thụ tại các kho lương thực và chợ truyền thống không tăng, dẫn đến việc giảm giá để đẩy mạnh tiêu thụ.

Trả lời phóng viên Báo Công Thương, ông Huỳnh Bảo Trọng, Tổng Giám đốc Gạo Thuận Minh cho biết, sự trái ngược giữa giá lúa và giá gạo hiện nay phản ánh nhiều yếu tố phức tạp của thị trường. “Giá lúa tăng là do nhu cầu từ các nhà xuất khẩu, khi họ cố gắng tích trữ để đảm bảo nguồn cung cho các hợp đồng xuất khẩu lớn sắp tới, đặc biệt là với các thị trường quan trọng như Philippines và Trung Quốc".

“Giá gạo giảm nhẹ có thể là do áp lực cạnh tranh trong nước, khi các kho lương thực và nhà máy phải điều chỉnh giá để phù hợp với sức mua của thị trường nội địa. Đồng thời, việc xuất khẩu gạo hiện nay chủ yếu tập trung vào các đơn hàng đã được ký kết từ trước, dẫn đến lượng gạo tiêu thụ trong nước không tăng đáng kể”. Ông Trọng cũng cho biết thêm.

Ghi nhận, hiện nay, thị trường xuất khẩu, gạo Việt Nam đang giữ vị trí dẫn đầu về giá cả. Gạo tiêu chuẩn 5% tấm ngày 20/8 hiện đang được giao dịch ở mức 575 USD/tấn, cao hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan và Pakistan. Tương tự, gạo 25% tấm cũng đạt 539 USD/tấn, vượt qua Thái Lan và Pakistan, gạo 100% tấm ở mức 440 USD/tấn. Điều này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của gạo Việt Nam sau những biến động thị trường trước đây.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành cho biết, nhu cầu nhập khẩu gạo từ các quốc gia đang tăng cao, đặc biệt là từ Philippines và Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc giá lúa trong nước có thể tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới, khi các doanh nghiệp nỗ lực đảm bảo nguồn cung cho các hợp đồng xuất khẩu lớn.

Sự tăng giá của lúa và giảm giá của gạo hiện nay phản ánh những thay đổi trong cơ cấu cung cầu của thị trường. Sự tác động của thị trường xuất khẩu cũng như sức ép cạnh tranh trong nước đã và đang định hình xu hướng giá cả của lúa gạo trong thời gian tới.

Đối với nông dân, việc giá lúa neo ở mức cao là một tín hiệu tích cực, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu cần tiếp tục theo dõi và điều chỉnh chiến lược để duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

 
Lượt xem: 0
Tác giả: Yến Thư