Giá vàng tăng 'dựng đứng', chuyên gia khuyên hãy cẩn trọng

Phóng viên Báo Công Thương đã trao đổi với chuyên gia kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh xung quanh những yếu tố đang tác động tới giá vàng trong thời gian qua.

Từ đầu tháng 10 đến nay, giá vàng miếng SJC tăng 4 triệu đồng/lượng, lên tới 89 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng nhẫn cũng lập đỉnh mới, tăng tới 1,4 triệu/ đồnglượng. Theo ông, nguyên nhân tăng do đâu?

Trong ngày 21-22/10, giá vàng thế giới đã lên mức 2.732 USD/oz. Quy đổi theo Việt Nam đồng khoảng 83,3 triệu đồng/lượng. Vì giá vàng trong nước phụ thuộc hoàn toàn vào giá vàng thế giới, do vậy, giá vàng trong nước, giá vàng miếng, giá vàng nhẫn tăng theo giá vàng thế giới là điều dễ hiểu.

Giá vàng tăng dựng đứng, chuyên gia khuyên “hãy cẩn trọng”
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh.

Giá vàng thế giới tăng do một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất là do xung đột giữa Nga và Ukraine. Đây là một trong những vấn đề rất quan trọng vì xung đột này làm đứt gãy chuỗi cung ứng của thế giới, làm giá nguyên vật liệu sản xuất kinh doanh tăng. Khi sản xuất khó khăn, người ta lại mua và dự trữ nhiều vàng.

Bên cạnh đó, xung đột giữa hai quốc gia này còn làm nguồn cung vàng giảm đáng kể do Nga là quốc gia sản xuất vàng lớn của thế giới. Khi xung đột xảy ra, Nga bị bao vây, cấm vận, việc bán vàng ra thế giới gặp khó khăn và nguồn cung giảm là điều tất yếu.

Thứ hai, khi giá trị của đồng USD đi xuống sau động thái tăng 0,5 điểm % lãi suất điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng giúp giá vàng tăng lên. Trong thời gian qua, lạm phát giảm nên chính phủ Mỹ và nhiều nước trên thế giới thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất đồng tiền của mình. Khi nâng lãi suất, có nghĩa là đồng tiền bị mất giá so với đồng tiền khác và đặc biệt bị mất giá so với vàng. Việc tăng lãi suất khiến các nhà đầu cơ, nhà đầu tư kỳ vọng vàng tăng giá hơn so với đồng USD.

Qua nghiên cứu trước đó, tôi thấy có 3 lần lãi suất đồng USD tăng lên khiến kỳ vọng vàng tăng giá rất mạnh so với đồng USD, ít nhất làm tăng đến 22%. Lần cao nhất, giá vàng tăng 32% so với đồng USD. Tại thời điểm này, kỳ vọng tăng giá vàng còn lớn hơn nữa. Đặc biệt trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, các nước phương Tây phong toả kinh tế Nga, không cho Nga tham gia vào SWIFT. Do đó, nhiều nước trên thế giới, bao gồm Nga nhận thấy rằng việc nắm giữ đồng USD nói riêng và các đồng tiền mạnh trên thế giới như bảng Anh, Euro mang tính rủi ro cao. Chính vì thế, ngân hàng trung ương nhiều quốc gia trên thế giới thay vì dự trữ hối đoái bằng USD lại quay sang dự trữ vàng. Điều này làm nhu cầu vàng tăng, kéo giá vàng tăng theo.

Trong khoảng thời gian từ năm ngoái đến năm nay, người dân châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam đều tăng cường mua vàng (kể cả vàng miếng và vàng nhẫn). Điều này cũng làm giá vàng thế giới tăng.

Thứ ba, một trong những yếu tố gần đây là cuộc xung đột giữa Israel với Iran và các lực lượng uỷ nhiệm ở Trung Đông cũng khiến các nhà đầu tư lo lắng và tìm đến vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.

Tất cả các yếu tố trên đã thúc đẩy vàng tăng giá rất mạnh. Từ đầu năm 2023 đến nay, giá vàng thế giới đã tăng hơn 20%. Vì thế, khi giá vàng thế giới tăng, vàng trong nước không thể đứng yên được bởi sản xuất vàng trong nước không đáng kể, chủ yếu nhập từ thế giới.

Một số chuyên gia quốc tế cho rằng, tâm lý “sợ bỏ lỡ” FOMO ngày càng gia tăng trên thị trường vàng có thể là dấu hiệu “bong bóng”. Theo ông, giá vàng nhẫn có thể tạo "bong bóng" giống giá vàng miếng trước đây không?

Hiện nay, khoảng cách giữa giá vàng miếng hay giá vàng nhẫn với giá vàng thế giới ngắn, tầm 3-4 triệu đồng/lượng. Như vậy là bình thường

Thực tế, đây không phải tình trạng bong bóng bởi nó vẫn theo sát giá vàng thế giới. Đà tăng của vàng mới bắt đầu và các nhà đầu tư bán lẻ vẫn chưa tham gia nhiều vào thị trường. Tôi cho rằng, FOMO sẽ xuất hiện khi giá đến gần mốc 3.000 USD/ounce.

Với diễn biến vàng đang tăng như hiện nay, theo ông, người dân và các nhà đầu tư có nên xuống tiền đầu tư vàng không?

Theo dự báo, giá vàng tiếp tục tăng trong thời gian tới do chính phủ Mỹ tăng lãi suất. Như vậy, kỳ vọng đồng USD mất giá so với giá vàng vẫn xảy ra, chưa kể đến sự bùng phát của những cuộc xung đột trên toàn cầu và khả năng vàng tăng giá vẫn rất lớn.

Giá vàng tăng dựng đứng, chuyên gia khuyên “hãy cẩn trọng”
Người dân nên cẩn trọng trước khi mua bán vàng. Ảnh: Phương Cúc

Giá vàng có thể tiếp tục tăng và mức tăng này có thể kéo dài từ nay đến hết năm 2024 có thể nằm ở mốc 2.800 USD/oz, thậm chí là 2.850 USD/oz.

Do đó, câu chuyện mua hay nắm giữ vàng là vấn đề phụ thuộc vào dự báo, năng lực tài chính và nhu cầu của mỗi người.

Đối với những nhà đầu tư nhanh nhạy, linh hoạt, và mua để “lướt sóng” trong thời điểm xáo trộn như thế này càng thấy lời nhiều. Tuy nhiên, giá vàng hiện nay đang rất cao và biến động khó lường. Do đó, nếu người dân không có đủ kiến thức, kinh nghiệm để đầu tư lớn nên cẩn trọng, suy nghĩ kĩ trước khi thực hiện các hành vi mua bán vàng.

Mặt khác, trong tình hình kinh tế Việt Nam phát triển tương đối tốt, khả năng đầu tư vào các lĩnh vực khác cũng rất tốt, đặc biệt là đầu tư trên thị trường chứng khoán, bởi khi sản xuất tăng trưởng, cổ phiếu tăng, đồng tiền Việt ổn định… Do đó, các nhà đầu tư nên so sánh, xem xét đầu tư các lĩnh vực khác nhau để đem lại hiệu quả cao nhất trong đầu tư.

Lượt xem: 2
Tác giả: Phương Cúc
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật