Chuyên gia nói gì về quy định chuyển đổi xe buýt điện của TP. Hồ Chí Minh?

Đến năm 2030, TP. Hồ Chí Minh sẽ đầu tư gần 3.000 xe buýt điện, với mục tiêu thay thế dần các xe buýt chạy bằng dầu diesel và CNG hiện có.

Theo kế hoạch mới nhất của Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, việc chuyển đổi xe buýt sẽ được thực hiện từ năm 2025 và kết thúc vào năm 2030. Trong giai đoạn này, thành phố sẽ đầu tư gần 3.000 xe buýt điện, với mục tiêu thay thế dần các xe buýt chạy bằng dầu diesel và CNG hiện có.

Chuyên gia nói gì về quy định chuyển đổi xe buýt điện của TP. Hồ Chí Minh?
Việc chuyển đổi xe buýt điện của TP. Hồ Chí Minh với mục tiêu thay thế dần các xe buýt chạy bằng dầu diesel và CNG hiện có. Ảnh: Hà Tuấn

Để khuyến khích các doanh nghiệp vận tải tham gia vào quá trình chuyển đổi này, ngành giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đề ra nhiều chính sách hỗ trợ tài chính như: Doanh nghiệp đầu tư xe buýt điện sẽ được phép vay vốn lên tới 85% tổng mức đầu tư dự án (tối đa 300 tỷ đồng/dự án), với lãi suất vay cố định 3%; được miễn phí trước bạ đối với xe mới; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt trong 5 năm đầu; hỗ trợ 100% tiền thuế nhập khẩu các thiết bị, phụ tùng; trợ giá trực tiếp một phần phương tiện khi mua xe mới,...

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, Nghị quyết 98 của Quốc hội đã trao cho thành phố nhiều công cụ để thực hiện mục tiêu chuyển đổi xe xăng sang xe điện. Do đó, việc xây dựng, ban hành kế hoạch chuyến đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên là phù hợp về mặt thực tiễn và pháp luật.

Ông Lâm kỳ vọng với những chính sách mang tính bước ngoặt sẽ góp phần thực hiện thành công lộ trình “phủ sóng” xe buýt điện trong tương lai gần.

Ở góc độ chuyên gia, theo PGS.TS Nguyễn Bá Hoàng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh, đây là bước đi phù hợp lộ trình phát triển xe buýt điện. Tuy nhiên, để giúp các doanh nghiệp tự tin mạnh gian chuyển đổi và đầu tư phương tiện công cộng “xanh” này, thành phố có thể hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn 100%, lãi suất vay cố định bằng 0% trong những năm đầu thực hiện hoặc xét kỹ về năng lực tài chính, quy mô của từng doanh nghiệp để từ đó đưa ra khung chính sách hỗ trợ tài chính sát sườn hơn.

Ông tin tưởng, nếu có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa của TP. Hồ Chí Minh, lộ trình phủ sóng xe buýt điện của thành phố đề ra hoàn toàn thực hiện được. Từ đó, góp phần kích cầu và phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp sản xuất, phân phối xe điện trong nước.

Trong khi đó, Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia giao thông cho rằng, hạ tầng phục vụ phát triển xe buýt điện cần phải bàn tới. Đầu tiên, thành phố cần bố trí quỹ đất đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng trạm sạc; kết nối đồng bộ xe buýt điện với tuyến metro để hệ thống giao thông công cộng thực sự hoàn chỉnh, góp phần thực hiện lộ trình “kéo” hành khách tham gia vận tải công cộng ngày càng nhiều hơn.

Liên quan đến hệ thống trạm sạc, theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP. Hồ Chí Minh Lê Trung Tính, nhà nước cần sớm công bố các quy chuẩn về xây dựng cũng như quỹ đất dành cho xây dựng trạm sạc, bến bãi đậu đỗ xe; xây dựng công bố mẫu số chung về chi phí đơn giá, định mức cho từng nhóm xe lớn nhỏ,... để đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ thống trạm sạc.

PGS.TS Nguyễn Bá Hoàng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đề xuất: Doanh nghiệp quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế có thể hỗ trợ vay vốn 100%, lãi suất vay cố định bằng 0% trong giai đoạn đầu từ 3 - 5 năm. Ngược lại, những doanh nghiệp lớn, có năng lực tài chính có thể áp dụng chính sách trên của thành phố đưa ra.

Theo ông, nếu xét tổng mức đầu tư tối đa 300 tỷ đồng cho 1 dự án, đối với 15% còn lại doanh nghiệp cũng phải bỏ ra đến 45 tỷ đồng, một số tiền không hề nhỏ để đầu tư xe buýt điện, trong khi chuyện thu hồi vốn chưa biết thế nào. Ngoài ra, về thời gian hỗ trợ vay có thể kéo dài hơn.

 
Lượt xem: 4
Tác giả: Minh Khuê
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật