“Bức tranh” chăn nuôi cuối năm 2024: Tăng trưởng trong thách thức
Những tháng cuối năm 2024, chăn nuôi Việt Nam được dự báo sẽ khả quan hơn so với năm ngoái dù còn nhiều thách thức.
Giá heo hơi ở mức cao, người chăn nuôi phấn khởi vì có lãi (Ảnh: Vũ Sinh)
Chăn nuôi 6 tháng đầu năm: Cơ bản ổn định!
Theo Tổng cục Thống kê, đàn heo có xu hướng tăng mạnh trở lại do chăn nuôi nông hộ chuyển mạnh sang bán công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp; chăn nuôi trang trại theo chuỗi kết hợp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và ứng dụng công nghệ tiên tiến và giá thịt heo hơi ở mức cao. Trong 6 tháng đầu năm, giá thịt heo hơi có xu hướng tăng khá khiến tâm lý người chăn nuôi lạc quan hơn. Chỉ số giá sản phẩm chăn nuôi heo của người sản xuất (PPI) 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước, quý II năm 2024 tăng 8,39% so với cùng kỳ năm trước.
Giá thịt heo hơi cả nước dao động trong khoảng 63.000-68.000 đồng/kg, thay đổi tùy từng địa phương, ở mức giá này người chăn nuôi có lãi và yên tâm sản xuất. Khu vực doanh nghiệp và chuỗi liên kết sản xuất có xu hướng ổn định và mở rộng sản xuất khi giá sản phẩm đầu ra tăng. Ước tính tổng số heo của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 6/2024 tăng khoảng 2,9% so với cùng thời điểm năm 2023; sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước đạt 2535,8 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước (quý II ước đạt 1241,9 nghìn tấn, tăng 5,6%).
Với chăn nuôi gia cầm, nhìn chung đàn gia cầm cả nước phát triển ổn định trong 6 tháng đầu năm, khu vực doanh nghiệp phát triển tốt; dịch bệnh được kiểm soát tốt, chỉ phát sinh một số ổ dịch nhỏ lẻ. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng Sáu năm 2024 tăng khoảng 2,3% so với cùng thời điểm năm 2023; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước đạt 1.212,1 nghìn tấn, tăng 4,9% (quý II ước đạt 615,5 nghìn tấn, tăng 4,2%); sản lượng trứng gia cầm ước đạt gần 10,1 tỷ quả, tăng 5,1% (quý II ước đạt 5,0 tỷ quả, tăng 5,0%).
Theo đánh giá của Hội Chăn nuôi Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, tình hình chăn nuôi cơ bản ổn định. Năm 2024, giá heo hơi trong nước sẽ cao hơn giá bình quân của năm 2023 khoảng 12%. Với giá bình quân khoảng 62 ngàn đồng/kg heo hơi, người chăn nuôi đạt lợi nhuận từ 1,5-2 triệu đồng/con heo khi bán ra thị trường. Nguyên nhân giá heo hơi tăng là do nguồn cung sụt giảm chứ không phải vì nhu cầu tiêu thụ của thị trường tăng lên. Theo đó, dự báo, nhập khẩu heo sẽ tăng khá mạnh trong những tháng cuối năm. Ngành chăn nuôi trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Bà Trần Ngọc Yến, Công ty Agromonitor trong báo cáo “Triển vọng ngành chăn nuôi Việt Nam 2024” đưa ra một số thông tin như sau: Dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp khiến tổng đàn heo nái sụt giảm 11%, trong đó các công ty giảm khoảng 5-7%, heo dân giảm 12-15%. Tổng hoà của việc đàn nái giảm, heo bán chạy dịch từ biểu nhỏ, hao hụt từ heo con tới xuất chuồng cao hơn khiến sản lượng thịt heo xuất bán của Việt Nam giảm trên dưới 20%, đẩy giá heo hơi tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Các trại vốn bị dịch tả trước đó tranh thủ lúc giá heo nái loại cao thì đẩy bán hết heo và bắt đầu vào lại từ giữa/cuối quý II/2024. Giá heo hơi cao mang lại lợi nhuận lớn cho người chăn nuôi nhưng do ảnh hưởng của Dịch tả heo châu Phi (ASF) nên nhiều trại bỏ nuôi nái, chuyển sang nuôi heo gột để giảm rủi ro.
Những thách thức lâu dài…
Dịch bệnh vẫn là thách thức lớn nhất của ngành chăn nuôi, đặc biệt là Dịch tả heo châu Phi. Theo Cục Thú y, từ đầu năm đến ngày 10/7/2024, cả nước đã xảy ra 645 ổ dịch tại 44 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 41.742 con heo, tăng 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2023. ASF xảy ra trầm trọng và đang diễn biến phức tạp và nặng nề nhất ở hai tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn, tiếp đến là các tỉnh Quảng Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Nam và Long An.
Cùng với đó, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam tiếp tục tăng trong quý II/2024. Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, quý II/2024, Việt Nam nhập khẩu 202,27 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 393,85 triệu USD, tăng 17,9% về lượng và tăng 14% về trị giá so với quý I/2024; So với quý II/2023 tăng 22,5% về lượng và tăng 20,5% về trị giá. Trong quý II/2024, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nga, Ba Lan và Brazil là 5 thị trường cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam. Trừ Ấn Độ, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ các thị trường còn lại đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam với 35,7 nghìn tấn, trị giá 121,39 triệu USD, tăng 24,7% về lượng và tăng 39,1% về trị giá so với quý II/2023.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công nhận xét, Đồng Nai đang đẩy mạnh hoạt động kiểm tra về môi trường, di dời các trang trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư khiến nhiều trang trại phải tạm ngừng hoặc ngưng chăn nuôi. Điều này ảnh hưởng đến tổng đàn, khiến nguồn cung thịt giảm. Theo đó, giá các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là giá heo hơi tăng lên. Bên cạnh đó, người chăn nuôi vẫn gặp khó khăn là giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao do phụ thuộc nhập khẩu. Việt Nam có đường biên giới quá dài, tình trạng nhập lậu sản phẩm chăn nuôi từ các nước vẫn khó kiểm soát, khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh trong ngành chăn nuôi lớn. Để đảm bảo cho ngành chăn nuôi trong nước phát triển, việc cần làm ngay là xây dựng hàng rào thương mại, đặc biệt là tăng cường kiểm soát thịt nhập khẩu, nhất là thịt không rõ nguồn gốc, kém chất chất lượng với giá rất rẻ.
Có nhiều “điểm sáng”
Cũng theo bà Trần Ngọc Yến, Giám đốc Agromonitor, đối với chăn nuôi trâu, bò, nhập khẩu thịt trâu từ Ấn Độ tiếp tục tăng mạnh, cùng việc Trung Quốc xiết các giao dịch biên mậu nên chăn nuôi trâu, bò thịt năm 2024 không thuận lợi, riêng đàn bò sữa tăng nhẹ theo nhu cầu thị trường.
Với chăn nuôi heo, ASF làm giảm đàn nái, làm giảm hiệu suất sinh sản, làm tăng lượng heo bán chạy dịch biểu nhỏ ra thị trường khiến tổng nguồn cung thịt heo nội địa sụt giảm khá mạnh. Nhập khẩu thịt heo dự kiến tăng mạnh trong nửa cuối năm.
Nuôi gà lấy thịt sẽ tăng trưởng trong năm 2024 do giá thịt heo cao, sự hồi phục của bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, di dân từ nông thôn trở lại các thành phố lớn do xuất khẩu thuận lợi hơn. Nuôi gà lấy trứng cũng có sự tăng trưởng tốt trong năm 2024 do giá trứng ở mức có lời và giá thức ăn chăn nuôi giảm.
Nuôi vịt lấy thịt và lấy trứng cũng có được tăng trưởng trong năm 2024 khi một số công ty có xu hướng mở rộng đàn vịt trong bối cảnh giá vịt thịt tốt và giá cám giảm.
Chỉ ra cơ hội và giải pháp tăng lợi thế cạnh tranh cho ngành chăn nuôi trong thời gian tới, Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Quốc Đạt so sánh, Việt Nam gần như đứng đầu Đông Nam Á về chăn nuôi heo, chăn nuôi thủy cầm. Với hơn 100 triệu dân và đông đảo khách du lịch đến Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ thịt ở thị trường trong nước còn rất lớn. Vài năm trở lại đây, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, góp phần vào sự ổn định của thị trường tiêu thụ.
Để phát triển ngành chăn nuôi bền vững, điều quan trọng đầu tiên là phải có quỹ đất dành riêng cho chăn nuôi. Ngành chăn nuôi cũng cần tổ chức lại khâu sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ và có sự liên kết với các hộ chăn nuôi. Một tín hiệu đáng mừng về con giống là Việt Nam đã nhập về những bộ giống tốt nhất trên thế giới. Chăn nuôi trong nước cũng đã ứng dụng những công nghệ hiện đại trong các khâu, từ đầu tư trang trại đến quy trình chăn nuôi.
Tuy nhiên, hiện việc phân phối, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi còn trải qua quá nhiều khâu trung gian. Vì thế, phải quản lý được hệ thống giết mổ, chế biến, rút ngắn các khâu trung gian. Như vậy sẽ tăng lợi nhuận cho ngành chăn nuôi. Nếu ứng dụng đồng bộ về công nghệ hiện đại trong chăn nuôi, tăng nội địa hóa trong sản xuất thức ăn chăn nuôi thì Việt Nam sẽ từng bước tăng được năng suất tiệm cận với các nước hiện đại. Các nước ở châu Á tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi rất lớn. Khi an toàn dịch bệnh được đảm bảo, giá thành chăn nuôi cạnh tranh, đầu tư chế biến sâu thì Việt Nam sẽ đẩy mạnh được xuất khẩu để chăn nuôi phát triển bền vững hơn.
Tâm An – L.Quyên
Người tiêu dùng Việt Nam có đang ăn thịt heo “nhập khẩu tại chỗ”?
Chia sẻ với PV, đại diện một doanh nghiệp trong ngành thuốc thú y cho biết, sau khi Dịch tả heo châu Phi vào Việt Nam, thị trường chăn nuôi đã thay đổi nhanh chóng. An toàn sinh học hiện vẫn là cách phổ biến nhất để phòng ASF, nhưng lại là điểm yếu của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ, khiến cho khu vực này giảm sút trầm trọng. Các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là FDI thì phát triển mạnh mẽ, chi phối ngành chăn nuôi heo. Chăn nuôi nhỏ lẻ còn quá ít, các doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, giống của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, bởi chỉ có thể bán hàng cho khu vực này. Còn khu vực chăn nuôi FDI thì họ tự nhập khẩu và sử dụng. Người tiêu dùng Việt Nam hiện đang ăn thịt heo “nhập khẩu tại chỗ”, bởi các đầu vào như nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vắc xin, thiết bị chăn nuôi phần lớn là nhập khẩu và còn được chăn nuôi bởi doanh nghiệp nước ngoài đang ngày càng mở rộng. Ngành chăn nuôi Việt Nam đang thua ngay trên sân nhà!
Đại diện doanh nghiệp này cũng khẩn thiết đề nghị các Hội/Hiệp hội ngành chăn nuôi nỗ lực phản biện chính sách để chăn nuôi nói chung và khu vực doanh nghiệp trong nước có nhiều điều kiện phát triển bền vững. Bởi, chăn nuôi không chỉ là an ninh thực phẩm, mà còn là sinh kế của hàng triệu người dân Việt Nam.
P.V (ghi)