Sử dụng thức ăn hợp lý để bò cho nhiều sữa, tiết kiệm chi phí chăn nuôi

Thức ăn cho bò sữa rất đa dạng và phong phú. Khi sử dụng thức ăn để nuôi bò sữa, ta cần phải biết rõ đặc tính và đặc điểm dinh dưỡng của từng loại thức ăn để lựa chọn và phối hợp khẩu phần cho phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của từng thời kỳ và tiềm năng sản xuất của từng con.

Trại b sữa Ngọc Lan (Đức Trọng, Lâm Đồng)

 

Bò mẹ thuần giống Holstein Frisian đẻ lứa thứ 5, bê con sơ sinh gần 50 kg, năng suất sữa tháng cao điểm 40 kg/bò/ngày. Trại có khoảng 100 bò cái với dưới 0,5 ha đất trồng cỏ nhưng vẫn đạt sản lượng và chất lượng sữa ở mức cao nhờ tự xây dựng khẩu phần ăn đầy đủ về số lượng và dưỡng chất cho bò, dựa trên khai thác các nguyên liệu sẵn có quanh khu vực Lâm Đồng.

 

Một bò cái khai thác sữa, mỗi ngày thu được 20 kg sữa * 15.000 đồng/kg sữa = 300.000 đồng, cần được ăn khoảng 200.000 đồng tiền thức ăn trong ngày, tức là chi phí thức ăn chiếm hơn 70% chi phí sản xuất. Thức ăn để nuôi bò có đặc thù là không thể chỉ dựa toàn bộ vào thức ăn hỗn hợp được sản xuất từ nhà máy thức ăn theo công thức cố định, mà vẫn phải dựa vào việc khai thác các nguyên liệu nhiều xơ, giá rẻ để cung cấp đầy đủ dưỡng chất và phù hợp sinh lý tiêu hóa thì bò mới sinh sản và tạo sữa tốt cả về số lượng lẫn chất lượng.

 

Vậy, các loại nguyên liệu thức ăn nào và phối trộn ra sao để người nuôi có thể sử dụng thuận lợi và đạt được hiệu quả chăn nuôi và thu được lợi nhuận đúng mức?

 

Bò sữa cần được cho ăn khẩu phần với các nhóm nguyên liệu thức ăn như sau:

 

  • Nhóm nguyên liệu thức ăn chứa nhiều năng lượng và chất xơ (đặc biệt là loại chất xơ trung tính (neutral detergent fiber – viết tắt là NDF)): Bao gồm các loại cỏ trồng; thân cây bắp tươi; thân cây bắp ủ chua.

 

Các loại nguyên liệu thức ăn này dễ trồng, có sản lượng lớn nhưng chứa rất nhiều nước nên có ít các dưỡng chất khác như chất đạm hay các khoáng đa, vi lượng. Cũng vì chứa nhiều nước nên nếu chỉ cho ăn bằng cỏ tươi hoặc thân cây bắp tươi hay ủ chua thì bò có ăn hết mức khối lượng có thể trong ngày (khoảng 5-6% khối lượng cơ thể) cũng không thể nào lấy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho việc duy trì cơ thể và tạo ra được lượng lớn sữa như mong muốn. Khẩu phần ăn thiếu chất xơ trung tính sẽ làm hàm lượng chất béo trong sữa giảm thấp.

 

Hạn chế khác của các nguyên liệu thô xanh này là tốn nhiều diện tích đất trồng. Ví dụ: 1 ha đất trồng tốt, thu hoạch được khoảng 400 tấn cỏ voi/năm, chia đều cho 365 ngày thì mỗi ngày có được 1.095 kg cỏ. Mỗi con bò sữa cần khoảng 30 kg cỏ thì số cỏ từ một ha đất này nuôi được 36 con bò. Nếu một trại có 100 bò cái cùng với khoảng 40 bê, bò tơ sẽ cần ít nhất 4 ha trồng cỏ, đây là điều không khả thi ở hầu hết vùng nuôi bò sữa hiện nay, chưa tính đến việc cỏ phải cắt theo lứa và năng suất cỏ tăng/giảm theo mùa, người nuôi phải chia nhỏ diện tích đất có được theo nhiều ô và quản lý sao cho có thể có đủ lượng cỏ theo ngày.

 

Hướng giải quyết chung cho nhóm nguyên liệu thức ăn thô xanh này là chỉ cần cung cấp mức tối thiểu các loại cỏ/cây bắp có thể tự trồng hoặc mua được gần trại, phần thiếu hụt sẽ được giải quyết bằng rơm lúa và một phần nữa bằng nhiều loại phụ phẩm nông nghiệp theo mùa. Tại khu vực Lâm Đồng và các tỉnh lân cận, nguồn phụ phẩm thay thế bớt cho nhu cầu về cỏ, thân cây bắp có thể kể đến như thân dây lá và củ khoai lang phế phẩm; thân dây lá cây nho (chủ yếu ở Ninh Thuận) mỗi lần vườn tỉa cành; các loại phụ phẩm từ rau ăn (cần đảm bảo rau không bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật); bã khoai mì tươi hoặc khô; chuối trái; vỏ quả chanh dây hoặc vỏ, xơ mít và các loại phụ phẩm tương tự từ các điểm sơ chế trái cây xuất khẩu. Người nuôi còn có thể tìm đến các nguyên liệu giàu xơ, nhiều năng lượng (cho bò), ít nước (nên dễ dự trữ dài ngày) vốn đã quen dùng trong nhà máy thức ăn chăn nuôi như vỏ mày đậu xanh; vỏ đậu nành (vỏ đậu tương); hay khô dầu cọ (palm oil meal). (Lưu ý: vỏ trấu của hạt lúa có thành phần chính là các chất xơ – silic, thuộc loại không thể tiêu hóa được với bất kỳ loại động vật nào nên không phải là nguyên liệu thức ăn dùng cho bò).

 

  • Nhóm nguyên liệu thức ăn cung đạm: Loại nguyên liệu cung đạm phổ biến nhất dùng trong thức ăn chăn nuôi trên toàn thế giới là khô dầu đậu nành (đậu tương) nhưng hạn chế là giá cao.

 

Một thuận lợi là ở bò có thể dùng urê làm nguồn cung protein giá rẻ (tính theo hàm lượng protein), nhưng urê lại có hạn chế là chỉ chứa nitơ chứ không có giá trị năng lượng nên người dùng cần biết tính toán số lượng sử dụng đúng mức, tránh gây ngộ độc, có thể làm chết bò. Hiện tại, ở Việt Nam có một nguồn nguyên liệu cung đạm giá rẻ cho bò, có tên chung là các loại đạm đơn bào.

 

Điển hình cho nhóm này có thể kể đến như nguyên liệu có tên thương mại là Procell Plus (dạng bột, 65% đạm) hay FML (dạng lỏng, 25% đạm). Hai nguyên liệu này đều có mức giá khá thấp tính trên hàm lượng đạm, đây là đạm thật chứ không phải đạm ảo như ở urê nên khi sử dụng không lo khả năng bò bị ngộ độc. Tùy theo giá cả từng lúc, từng nơi mà người chăn nuôi có thể dùng thêm một số loại phụ phẩm cung đạm với giá vừa phải như corn gluten (đạm bắp – 60% đạm); DDGS (còn được gọi là là “bắp lên men” vì đây là loại bắp đã được cho lên men sản xuất cồn sinh học; hàm lượng đạm 24-27%). Hoàn toàn không cần thiết phụ thuộc vào các nguyên liệu cung đạm truyền thống như khô dầu đậu nành (khô đỗ tương).

 

Liên quan đến chất đạm, ở những động vật dạ dày đơn như lợn, gia cầm, người ta còn phải tính đến cả các axít amin kèm theo. Tuy nhiên, với đặc điểm dạ dày bốn túi ở bò, trâu, dê, thức ăn cung cấp chỉ cần xem có chứa hàm lượng đạm thô mà không cần tính đến các axít amin. Ngoại trừ trường hợp của một xít amin tên methionin. Ở bò sữa và cả bò thịt năng suất cao, bò rất cần được bổ sung thêm methionin và phải là dạng methionin đặc biệt – gọi là “methionin by-pass”, sao cho có thể bảo toàn được cấu trúc riêng và hấp thu nguyên dạng vào cơ thể bò. Thị trường đã có bán loại methionin by-pass này với tên thương mại là Mepron, và chỉ cần dùng với liều 10-12 g/bò/ngày là giúp cải thiện đáng kể năng suất và cả chất lượng sữa bò.

 

  • Nhóm nguyên liệu cung khoáng, vitamin và thức ăn bổ sung:

 

Nguyên liệu thức ăn cho bò hầu như thuần túy là thực vật nên bò dễ bị thiếu các chất khoáng như calci, magnesium, natri và các chất khoáng vi lượng (sắt, đồng, kẽm, mangan, iod, selen, cobalt). Calci được cung cấp từ bột đá vôi với lượng khoảng 15 g/bò/ngày; natri cung cấp từ muối ăn khoảng 5-7 g/bò/ngày; riêng magnesium và các khoáng vi lượng nếu mua đúng loại premix phù hợp cho bò là đã có cung cấp đủ trong premix rồi, người nuôi ít khi phải bổ sung thêm. (Lưu ý: không nên lấy loại premix sản xuất cho heo thịt đem dùng cho bò vì trong các loại premix cho heo, có khi cả cho gà, vịt thường có chứa hàm lượng đồng khá cao, tuy phù hợp cho heo, gà nhưng lại gây ngộ độc với bò, dê và các thú ăn cỏ khác).

 

Có thể cung cấp các khoáng vi lượng cho bò bằng cách dùng những khối đá liếm treo rải rác trong chuồng nuôi. Khi nào bò có nhu cầu sẽ tự biết đến liếm để nhận các khoáng vi lượng này. Nếu hàng ngày bò ăn khẩu phần có chứa ít nhất 1/3 khối lượng là cỏ, lá xanh thì không cần phải lo bổ sung vitamin cho bò.

Ảnh: Khối đá liếm

 

Về thức ăn bổ sung cho bò, ngoài việc cung cấp Mepron như đã nêu ở trên, trong chăn nuôi bò chỉ cần thêm một loại thức ăn bổ sung khác được dùng với mục đích điều tiết hệ vi sinh vật dạ cỏ bò hoạt động khai thác thức ăn hiệu quả hơn. Nhiều năm trước đây, các nước phương Tây hay dùng loại thuốc ngừa Cầu trùng có tên thương mại là Monensin, còn hiện nay theo xu hướng cấm dùng kháng sinh, hoá dược trong thức ăn chăn nuôi thì có thể dùng chế phẩm chứa hợp chất poly-phenols, tên thương mại là Silvafeed, phục vụ cho mục đích này rất hiệu quả. Lượng Silvafeed sử dụng chỉ cần khoảng 10 g/bò/ngày là đủ, mặc dù không sợ hiện tượng quá liều gây ngộ độc như khi dùng các loại hóa dược.

Dĩ nhiên, một khi đã có đủ các nguyên liệu thức ăn, người nuôi cần biết về thành phần các dưỡng chất chứa trong các nguyên liệu thức ăn sẽ dùng; nhu cầu dưỡng chất cho bò sữa đang nuôi, dựa trên cân nặng và sản lượng sữa thu được hàng ngày để xây dựng một khẩu phần ăn phù hợp và linh hoạt cho bò tùy theo những nguyên liệu sẵn có trong tay ở mỗi thời điểm cần thiết. Đây là một việc khó cho số đông người chăn nuôi bò, thậm chí cả với một số cán bộ kỹ thuật ở trại bò vốn không chuyên về công tác dinh dưỡng, thức ăn cho bò.

 

Trong trường hợp đó người nuôi có thể liên hệ với tác giả bài viết để nhận file bảng tính Excel (Hình minh họa kèm theo). Trong bảng tính này đã liệt kê thành phần dưỡng chất của hơn 30 loại nguyên liệu thức ăn có thể có ở nhiều vùng chăn nuôi khác nhau. Phía dưới bảng là một dòng liệt kê nhu cầu dưỡng chất của bò sữa mức trung bình khá (bò nặng 600kg; 25kg sữa/ngày). Khi người sử dụng tự điền vào các con số trong cột D như minh họa trong hình kèm theo, các công thức lập sẵn trong bảng sẽ thể hiện hàm lượng dưỡng chất của khẩu phần giả định đó để so sánh với nhu cầu của bò cho phù hợp.

 

Với người nuôi có thể tham khảo thêm thông tin cần thiết về nhu cầu dưỡng chất cho bò sữa ở trang web https://nap.edu và thông tin về hàm lượng dưỡng chất trong các nguyên liệu thức ăn thông thường ở trang web https://feedipedia.org rồi tự lập cho mình bảng tính tương tự để sử dụng hàng ngày, linh hoạt mà không cần đến sự hỗ trợ của các phần mềm chuyên lập công thức thức ăn đắt tiền, khó sử dụng.

 

TS. Dương Duy Đồng

e-mail: dong.duongduy@hotmail.com

Lượt xem: 7
Nguồn:nhachannuoi.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật