Đưa chăn nuôi thành ngành hàng xuất khẩu tỷ USD
Với sự đầu tư của khối doanh nghiệp và người chăn nuôi, đến nay đàn gia súc, gia cầm đã phát triển đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và có nhiều cơ hội xuất khẩu tiềm năng.
Những lô hàng được xuất khẩu đi các thị trường quốc tế tiếp tục chứng minh cho chất lượng sản phẩm chăn nuôi Việt Nam. Nhiều nền tảng được xây dựng để đến năm 2025, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt từ 1 – 1,5 tỷ USD.
Những lô hàng được xuất khẩu đi các thị trường quốc tế tiếp tục chứng minh cho chất lượng sản phẩm chăn nuôi Việt Nam. Nhiều nền tảng được xây dựng để đến năm 2025, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt từ 1 – 1,5 tỷ USD.
Trại chăn nuôi lợn giống liên kết của gia đình anh Nguyễn Huy Hiệu ở xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
Xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi hiện còn khá khiêm tốn so với nhiều loại nông sản khác. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu nửa đầu năm 2024 đạt 240 triệu USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, chiếm phần lớn là các sản phẩm thịt chế biến, tiếp đến là thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh…
Việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chưa tương xứng với khả năng sản xuất trong nước bởi sản phẩm chăn nuôi thời kỳ hội nhập đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật rất nghiêm ngặt. Theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH), khi xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến động vật bắt buộc phải tuân thủ quy định, tiêu chí về vùng an toàn dịch bệnh. Sản phẩm chăn nuôi Việt Nam muốn hướng tới xuất khẩu trước hết phải tuân thủ các quy định này.
Ngoài quy định chung của WOAH, mỗi nước nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật cũng có quy định riêng. Chẳng hạn, EU yêu cầu nước xuất khẩu phải xây dựng chương trình giám sát các chỉ tiêu vi sinh vật, chất tồn dư độc hại theo tiêu chuẩn của EU; phải đạt yêu cầu của EU trong các chuyến thanh tra, kiểm tra thực tế đột xuất và định kỳ của chuyên gia EU…. Nhiều thị trường đòi hỏi về phúc lợi động vật.
Hay để xuất khẩu vào thị trường các nước Hồi giáo, thực phẩm Halal phải tuân theo các quy tắc Hồi giáo và tính toàn vẹn, an toàn và vệ sinh của sản phẩm được duy trì trong suốt chuỗi cung ứng chứ không đơn thuần chỉ là nguyên liệu đầu vào.
Trong khi đó, không có tiêu chuẩn Halal thống nhất trên thế giới. Tương tự như vậy, nhiều tổ chức cấp chứng nhận Halal dựa trên tiêu chí của họ và tiêu chí này có thể không khớp với tiêu chí do các tổ chức chứng nhận khác cấp.
Sau thời gian dài mở cửa thị trường, đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp phép cho 11 nhà máy của Việt Nam được xuất khẩu các loại sản phẩm sữa sang thị trường này. Sản lượng sữa và sản phẩm sữa xuất khẩu sang Trung Quốc liên tục tăng trưởng.
Sau khi ký kết Nghị định thư xuất khẩu tổ yến và sản phẩm tổ yến Việt Nam sang Trung Quốc, hiện nay, đã có 9 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép cho xuất khẩu sản phẩm vào thị trường này. Cục Thú y đang tiếp tục đàm phán xuất khẩu tổ yến thô sang Trung Quốc.
Thịt gà chế biến cũng đã được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), 5 nước thuộc Liên minh kinh tế Á-Âu và Mông Cổ.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Đơn vị đang tiếp tục đàm phán với Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc về điều kiện an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt gia cầm. Việt Nam và Hàn Quốc cũng đã thống nhất điều kiện về an toàn dịch bệnh đối với sản phẩm thịt gia cầm xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc. Năm 2024, Cục Thú y bắt đầu đàm phán với cơ quan thẩm quyền Nhật Bản về điều kiện, thủ tục để xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa sang thị trường này.
Nuôi gà đẻ theo mô hình trang trại tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí-TTXVN
Cục Thú y đang tiếp tục đàm phán để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, EU, Anh, các nước Trung Đông. Đồng thời, tăng số lượng doanh nghiệp sản xuất được phép xuất khẩu sang các thị trường đã được mở cửa, ông Nguyễn Văn Long chia sẻ.
Còn sản xuất trong nước, theo Cục Thú y, hiện nay, cả nước có 1.779 cơ sở an toàn dịch bệnh và 152 vùng an toàn dịch bệnh tại 60 tỉnh, thành phố. Để từng bước đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu, mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2025, xây dựng 11 vùng cấp huyện đối với các bệnh cúm gia cầm và Niu-cát-xơn theo quy định của WOAH tại các tỉnh Đông Nam Bộ.
Đối với gia súc, ngoài duy trì được 4 huyện của tỉnh Bình Dương an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam với các bệnh lở mồm long móng và dịch tả lợn cổ điển sẽ xây dựng 4 huyện khác của tỉnh Bình Phước và ít nhất 2 huyện của tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng. Đặc biệt, theo quy định của của WOAH, Việt Nam sẽ xây dựng thành công vùng an toàn dịch bệnh đối với gia súc 4 huyện của hai tỉnh: Bình Phước và Bình Dương.
Không chỉ các cơ quan chức năng nỗ lực đàm phán, mở cửa thị trường, nhiều doanh nghiệp cũng chung tay cùng địa phương xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chuỗi chăn nuôi gắn chế biến với công nghệ hiện đạt như Masan, C.P. Việt Nam, Koyu&Unitek, Japfa, De Heus, GreenFeed…
Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn, với mục tiêu chinh phục thị trường quốc tế đầy tiềm năng nhưng cũng đầy thử thách, De Heus và Hùng Nhơn đã đầu tư mạnh mẽ vào các nguồn lực như vốn, công nghệ, nhân sự.
Riêng tại Tây Ninh, Tập đoàn Hùng nhơn đã đầu tư 7 dự án thuộc chuỗi tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh. Các dự án này bao gồm hệ thống trang trại con giống, trang trại gà thịt xuất khẩu và nhà máy chế biến thực phẩm với tổng vốn đầu tư lên đến 2.500 tỷ đồng. Cùng với đó là tập trung nghiên cứu thị trường, xác định nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: Ngành nông nghiệp với quan điểm phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với chuỗi giá trị, kinh tế tuần hoàn, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Đây là tiền đề để chăn nuôi tiếp cận được với các thị trường lớn trên thế giới, đặc biệt như thị trường Halal.
Việc Việt Nam đã có các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu vào nhiều thị trường mở đường cho sự kết nối quốc tế, từng bước khẳng định chất lượng sản phẩm Việt Nam có đủ điều kiện để chinh phục các thị trường khắt khe, khó tính trên toàn thế giới. Việc đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, khai mở các thị trường mới còn nhiều dư địa như thị trường Halal được coi là chìa khóa đẩy mạnh xuất khẩu nói chung, sản phẩm chăn nuôi nói riêng, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá.
Bích Hồng/BNEWS/TTXVN