Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ: Sẽ sớm "cán mốc" 100 tỷ USD
Tại Diễn đàn Thúc đẩy giao thương Việt Nam - Hoa Kỳ trong hoàn cảnh mới”, diễn ra chiều ngày 16/11/2021, ông Nguyễn Thắng Vượng - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhận định, bất chấp khó khăn, tác động của đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Hoa Kỳ trong năm 2021, dự báo sẽ cán mốc 100 tỷ USD.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong hơn 25 năm (1995-2021) phát triển quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, quan hệ thương mại song phương giữa hai nước đã phát triển và tăng trưởng vượt bậc. Khi mới thiết lập quan hệ hợp tác, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước mới đạt 451 triệu USD, đến năm 2020, con số này đã đạt 90,8 tỷ USD, bình quân tăng trên 16%/năm.
Trong 10 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Hoa Kỳ đã đạt 76 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ 2020. Các mặt hàng chính của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ gồm dệt may, điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác, giày dép, đồ gỗ (mỗi mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên).
Ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ cũng đã trở thành một thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam, với kim ngạch khoảng 3,3 tỷ USD/năm, tăng trưởng bình quân trên 16%/năm. Các mặt hàng chủ yếu Việt Nam nhập khẩu từ Hoa Kỳ gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thức ăn gia súc và nguyên liệu, thủy sản, rau quả…
Một trong những lĩnh vực hợp tác về đầu tư, thương mại khác giữa hai bên đã phát triển khá mạnh, đó là lĩnh vực hàng không. Các hãng hàng không của Việt Nam đã sử dụng khá nhiều máy bay Boing của Hoa Kỳ. Đặc biệt, hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Ailines) đã trở thành đối tác hàng không Việt Nam đầu tiên được phía Hoa Kỳ chấp thuận được mở đường bay thẳng từ Việt Nam tới Hoa Kỳ. Đây là một sự kiện có ý nghĩa rất lớn góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, trong đó có hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch, giao lưu nhân dân... giữa hai nước.
Ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, nhận định: Dung lượng đường bay đến Hoa Kỳ rất lớn, không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thương, hợp tác giữa hai nước, trong đó có hơn 2 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, thị trường hàng không Hoa Kỳ cũng là thị trường khó tính nhất trên thế giới, thủ tục khắt khe, cạnh tranh lớn. Riêng đường bay từ Việt Nam đến Hoa Kỳ, đang có hơn 20 hãng hàng không cạnh tranh.
Ông Hà cho biết, Vietnam Airlines đã hoàn tất các điều kiện cần thiết, các yêu cầu cáo nhất sẵn sàng khai trương đường bay thẳng từ TP Hố Chí Minh đến San Francisco Hoa Kỳ vào ngày 28/11/2021 tới đây, với tần suất 2 chuyến/tuần. Khi thị trường hàng không 2 nước hồi phục sau đại dịch, Vietnam Airlines sẽ mở rộng khai thác tần suất bay hàng ngày. Đồng thời, sẽ tiếp tục tiếp tục nghiên cứu mở các đường bay thẳng từ Hà Nội đến các điểm khác tại Hòa Kỳ trong tương lai, nhằm góp phần thúc đẩy hơn mối quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch giữa hai nước.
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Hoa Kỳ hiện nay đã phát triển rất vững chắc, vượt bậc trên nhiều mặt, trở thành đối tác toàn diện, tin cậy của nhau, trong đó hợp tác về kinh tế, thương mại là một trụ cột quan trọng. Hai bên đang có nhiều cơ hội mới tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại, bởi 2 nền kinh tế vẫn có những điểm có thể bổ khuyết cho nhau. Việt Nam mong muốn tiếp cận thị trường Hoa Kỳ cả về hàng hóa, tài chính, kỹ năng quản trị doanh nghiệp; các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng mong muốn tiếp cận thị trường Việt Nam trên cơ sở cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn hơn.
Ông Phạm Quang Vinh - cựu Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho biết, Hoa Kỳ là đối tác quan trọng của Việt Nam, đồng thời Hoa Kỳ cũng rất coi trọng hợp tác với Việt Nam, luôn ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ, độc lập, thịnh vượng, hợp tác cùng chia sẻ lợi ích giữa hai bên trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau… Đây là những cơ sở vững chắc để thúc đẩy hơn quan hệ nhiều mặt, trong đó có hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. Hai bên có thể tham vấn lẫn nhau, xây dựng lộ trình để nâng tầm quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược, phù hợp với chủ trương và chiến lược phát triển của mỗi bên, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn giao thương giữa hai nước.
Ông Nguyễn Thắng Vượng - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), cho rằng, trong chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ hiện nay, chính quyền đương nhiệm của họ có xu hướng ưu tiên quan hệ với các đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó có Việt Nam. Mục tiêu trong chính sách của Việt Nam hiện nay, là ưu tiên duy trì đảm bảo sự ổn định quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp yên tâm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này. Đây là cơ sở vững chắc cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, hàng không, năng lượng, hạ tầng... Ông Vượng nhận định, quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ trong năm 2021, bất chấp các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, dự kiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước sẽ cán mốc 100 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo ông Vượng, thách thức trong hợp tác với thị trường Hoa Kỳ cũng lớn, bởi họ có xu hướng kế thừa, chọn lọc các chính sách của chính quyền tiền nhiệm có sự đồng thuận trong nước cao để gắn kết với chính sách thương mại và đầu tư, họ luôn tạo áp lực lớn về đàm phán thương mại với các đối tác. Hoa Kỳ có lợi thế cạnh tranh về công nghệ, thương mại dịch vụ số, nên trong quan hệ hợp tác, họ cũng luôn có xu hướng mong muốn các đối tác mở cửa thị trường lớn hơn về các lĩnh vực này.
Ngọc Quỳnh