Xây dựng và phát triển nông sản hàng hóa ở bắc giang: Đổi mới phương thức sản xuất, gia tăng giá trị
Sau ba năm thực hiện Đề án xây dựng và phát triển nông sản hàng hóa đạt tiêu chí cấp tỉnh giai đoạn 2019-2021, sản lượng tiêu thụ trung bình của các sản phẩm ở Bắc Giang tăng 70-100%,...
Cá biệt có sản phẩm tăng trên 150% như sản phẩm của HTX mỳ Chũ Xuân Trường, HTX mỳ gạo Chũ Hiền Phước...
Đề án xây dựng và phát triển nông sản hàng hóa đạt tiêu chí cấp tỉnh giai đoạn 2019-2021, do UBND tỉnh Bắc Giang quản lý, Sở Công Thương chủ trì thực hiện. Sau 3 năm triển khai, Đề án đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Thưa ông, ông có thể cho biết vài nét về Đề án xây dựng và phát triển nông sản hàng hóa đạt tiêu chí cấp tỉnh của Bắc Giang?
Mục tiêu của Đề án là từng bước sản xuất các sản phẩm nông sản có quy mô sản xuất lớn, tạo ra giá trị gia tăng cao và cạnh tranh với sản phẩm trong và nước ngoài. Có khả năng kết nối với sản phẩm cùng loại của các tỉnh trong vùng và trong nước để tham gia xuất khẩu. Cùng với đó, sản phẩm hàng hóa phải đạt chất lượng tốt, có tem nhãn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế.
Sau khi Đề án được phê duyệt, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ triển khai thực hiện Đề án, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và triển khai thực hiện các nội dung công việc đảm bảo theo đúng tiến độ.
Căn cứ hồ sơ đăng ký tham gia, Sở Công Thương (Tổ triển khai thực hiện Đề án) đã tổ chức khảo sát, họp bàn và thống nhất lựa chọn các đơn vị tham gia. Việc hỗ trợ tập trung vào đầu tư máy móc, thiết bị, nâng cấp bao bì, mẫu mã sản phẩm và tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm.
Khi thực hiện Đề án, chúng tôi thấy một số doanh nghiệp, HTX chưa nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật, ý thức trách nhiệm chưa cao và còn tư tưởng trồng chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước.
Một số địa phương chưa có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Việc tổ chức thực hiện chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực tài chính. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ và quá trình thực hiện..
Xin ông cho biết kết quả sau 3 năm thực hiện Đề án?
Căn cứ quyết định hỗ trợ hàng năm của UBND tỉnh Bắc Giang, Sở Công Thương đã phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các huyện hướng dẫn, kiểm tra và nghiệm thu công tác hỗ trợ tại các doanh nghiệp, HTX. Trong 3 năm, bằng nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, các đơn vị đã đầu tư mới 12 bộ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến mỳ Chũ, đầu tư 7,5 tấn bao bì (túi PP) đựng sản phẩm, 369.200 chiếc bao bì các loại (túi giấy, thừng catton, lọ sứ...) và 340.000 chiếc tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm với tổng kinh phí 6,110 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước 3 tỷ đồng, kinh phí đối ứng của doanh nghiệp, HTX 3,11 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2019, hỗ trợ 10 doanh nghiệp, HTX đầu tư bao bì, tem truy xuất nguồn gốc với tổng kinh phí triển khai thực hiện tại các đơn vị gần 1.723 triệu đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh là 820 triệu đồng, kinh phí đối ứng của doanh nghiệp, HTX đạt gần 903 triệu đồng.
Năm 2020, có 10 doanh nghiệp, HTX được hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị, bao bì, tem truy xuất cho sản phẩm với tổng kinh phí gần 3.378 triệu đồng, trong đó, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh là 1.680 triệu đồng, kinh phí đối ứng của doanh nghiệp, HTX đạt gần 1.698 triệu đồng.
Năm 2021, hỗ trợ 03 HTX đầu tư máy móc, thiết bị, bao bì cho sản phẩm với tổng kinh phí trên 1.009 triệu đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh là 500 triệu đồng, kinh phí đối ứng của doanh nghiệp, HTX trên 509 triệu đồng.
Ngoài những kết quả trên, việc triển khai Đề án còn đem lại điều gì, thưa ông?
Có thể thấy, các nội dung hỗ trợ của Đề án rất thiết thực, tạo động lực cho doanh nghiệp, HTX phát huy được những lợi thế để đổi mới công nghệ sản xuất, bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đáp ứng những yêu cầu của Đề án.
Sau khi tham gia Đề án, sản lượng tiêu thụ trung bình của các sản phẩm tăng 70-100%, cá biệt có sản phẩm tăng trên 150% như sản phẩm của HTX mỳ Chũ Xuân Trường, HTX mỳ gạo Chũ Hiền Phước, HTX mỳ chũ Dậu Anh, HTX nông nghiệp Hồng Xuân, HTX nhà vườn Phúc Khánh...
Việc hỗ trợ 50% kinh phí đã tạo động lực thúc đẩy các đơn vị đầu tư có trách nhiệm, huy động được nhiều nguồn kinh phí tham gia triển khai thực hiện Đề án. Nhiều đơn vị còn chủ động đầu tư, cải tạo, nâng cấp nhà xưởng, đầu tư dây truyền máy móc, đầu tư quảng bá nâng cao hình ảnh cho sản phẩm nhằm phấn đấu sản phẩm đạt tiêu chí cấp tỉnh trong các giai đoạn tiếp theo như: HTX mỳ Chũ Xuân Trường, HTX mỳ Chũ Dậu Anh, HTX mỳ Hạnh Thái, HTX mỳ Thuận Hưởng.
Khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, trách nhiệm từng chủ thể để phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa theo quy trình kỹ thuật, bảo đảm nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm đã đăng ký, vừa đảm bảo thực hiện đúng chính sách pháp luật, vừa đảm bảo nguồn cung thực phẩm ổn định, có nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bài học rút ra sau 3 năm thực hiện Đề án là gì, thưa ông?
Trên cơ sở kết quả đạt được, Sở Công Thương Bắc Giang đúc rút một số bài học kinh nghiệm và khẳng định: Sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang, các cấp, ngành; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các đơn vị có liên quan; sự đồng thuận của các chủ thể tham gia mô hình là tiền đề quan trọng quyết định thành công của Đề án.
Đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, vận động giúp nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của các chủ thể tham gia mô hình phải là việc làm thường xuyên. Việc xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ đã phần nào giải quyết được những khó khăn và khuyến khích doanh nghiệp, HTX đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng và hoạt động hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!