Xuất khẩu thủy sản giảm thiệt hại nhờ EVFTA
Nhờ bệ đỡ là các FTA, đặc biệt là EVFTA, xuất khẩu thủy sản đã giảm mức độ thiệt hại do tác động của đại dịch Covid-19. Dự báo xuất khẩu trong những tháng cuối năm phục hồi, nhưng tốc độ chậm.
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu (XK) tôm lớn của Việt Nam, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta đã tận dụng tốt lợi thế thuế quan từ EVFTA, đưa thị phần XK sang EU và Anh chiếm hơn 30%.
Năm 2021, thị phần XK của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta sang thị trường này mặc dù giảm xuống còn 27,4% (9 tháng năm 2021), nhưng chỉ là giảm tương đối, con số tuyệt đối không giảm, do doanh số của công ty vẫn tăng 12%.
Nguyên nhân giảm thị phần, thị trường này đòi hỏi hết sức khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm lẫn truy xuất thuận lợi. Tình hình lĩnh vực nuôi tôm của Việt Nam chưa thúc đẩy công tác đánh mã số cơ sở nuôi vì còn nhiều quy định chưa phù hợp thực tế và dịch bệnh thời gian qua.
Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP P.RO, XK thuỷ sản sang khối EU năm 2020 giảm 26% đạt khoảng 960 triệu USD, nguyên nhân chính là do Brexit, Anh rời khỏi thị trường. Anh là thị trường nhập khẩu lớn của khối này với kim ngạch nhập khẩu thuỷ sản từ Việt Nam từ 280 – 340 triệu USD/năm. Do vậy, nếu chỉ tính EU27 (trừ Anh) thì XK sang khối này trong năm 2020 không giảm. Trong bối cảnh Covid và thẻ vàng IUU, XK sang EU ổn định cho thấy tác động rõ rệt của hiệp định EVFTA đã thúc đẩy XK sang thị trường này.
Trong 9 tháng năm nay, XK thuỷ sản sang khối EU tăng gần 4% đạt 744 triệu USD, trong bối cảnh Covid -19 ảnh hưởng mạnh đến logistics cho thương mại, đặc biệt là chuỗi cung ứng trong quý 3/2021, cũng thể hiện xu hướng tích cực có lẽ một phần nhờ sự thúc đẩy từ thuế quan ưu đãi theo EVFTA.
Từ tháng 8/2021 đến nay, XK thủy sản giảm liên tục do Covid -19 bùng phát mạnh ở TPHCM và 19 tỉnh thành phía Nam, ảnh hưởng đến sản xuất nguyên liệu trong nước, làm giảm cơ hội tận dụng ưu đãi thuế quan.
Nhiều mặt hàng thủy sản, như: cá ngừ, mực, bạch tuộc được hưởng thuế 0% sang EU và các thị trường CPTPP nhưng thiếu nguồn nguyên liệu trong nước, doanh nghiệp phải nhập khẩu, nên không được chấp nhận xuất xứ thuần túy, không được hưởng thuế ưu đãi theo quy định.
Ngoài ra, với nguyên liệu thủy sản đánh bắt trong nước, thủ tục xác nhận và chứng nhận theo quy định IUU gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình lập chứng nhận xuất xứ, chứng nhận vệ sinh xuất khẩu sang EU.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu container, cước hàng hóa đường biển đi châu Âu tăng gấp nhiều lần khiến nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ khó duy trì XK sang thị trường này.
Trong bối cảnh hồi phục sản xuất xuất khẩu 3 tháng cuối năm còn nhiều khó khăn vì dịch Covid-19 vẫn phức tạp, nhu cầu thị trường cao nhưng doanh nghiệp thiếu nguyên liệu, thiếu lao động và chịu các chi phí đầu vào tăng... Chính vì thế, XK thuỷ sản chưa thể hồi phục nhanh 100% trong vòng 1-2 tháng tới.
Dự báo XK sang EU quý 4/2021 giảm nhẹ 2,5% và cả năm 2021 đạt khoảng 1 tỷ USD, tăng 4%; XK sang thị trường các nước CPTPP đạt khoảng 600 triệu USD, giảm 5% và cả năm 2021 sẽ đạt khoảng 2,16 tỷ USD, giảm 3%.
Theo Báo Hải quan