Sơn La tăng cường chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản

Các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân vùng đồng bào dân tộc tỉnh Sơn La đã ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh, tăng cường tiêu thụ nông sản.

 

Tăng cường tiêu thụ nông sản trên nền tảng số

Sơn La là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Hiện, tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với 84.000ha cây ăn quả các loại, sản lượng khoảng 455 nghìn tấn/năm. Phần lớn vùng trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đang được quản lý bởi các hợp tác xã (HTX), với các xã viên là người DTTS.

Sơn La tăng cường chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản
Tỉnh Sơn La có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc. (Ảnh - ST)

Theo số liệu của Liên minh HTX tỉnh Sơn La, toàn tỉnh hiện có 838 HTX dịch vụ nông nghiệp. Với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, những năm gần đây, các HTX trên địa bàn Sơn La đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa sản xuất nông nghiệp của huyện từ manh mún, nhỏ lẻ sang ứng dụng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, tỉnh Sơn La có hơn 200 HTX ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các chuỗi nông, lâm, thủy sản bền vững.

Ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh xác định, sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm là một trong những ưu tiên của tỉnh, nhất là tăng cường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, phát triển thương mại điện tử. Vì thế, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ các HTX tăng cường ứng dụng CNTT để chủ động tham gia nền kinh tế số.

Từ năm 2022 đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp tổ chức các hội nghị tập huấn cho trên 400 lượt doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh về các văn bản quy phạm pháp luật và các kiến thức cần thiết khi tham gia kinh doanh thương mại điện tử. Phối hợp với các sàn thương mại điện tử, như buudien.vn, Sendo, Voso tổ chức Chương trình “Ngày đặc sản Sơn La”, Hội chợ triển lãm trực tuyến tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP. Hướng dẫn các HTX của các huyện, Sông Mã, Mộc Châu, Yên Châu và Thành phố thực hành tạo lập gian hàng và kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử và các trang mạng xã hội.

Bên cạnh đó, tỉnh đã trực tiếp hỗ trợ 15 doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng, thiết kế các website; tư vẫn hỗ trợ xây dựng 3 phần mềm quản lý khách hàng phục vụ cho việc quảng bá, kinh doanh sản phẩm cũng như hỗ hỗ trợ quản lý khách hàng. Hỗ trợ cung cấp dịch vụ về đăng ký làm thành viên VIP của Cổng thương mại điện tử quốc gia ECVN cho 9 đơn vị; hỗ trợ xây dựng bộ thương hiệu trực tuyến 10 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử quốc tế, như Alibaba.com, EC21.com, Agrimp.com và Google Adwords...

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Liên minh HTX tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Viện Phát triển kinh tế hợp tác, Liên minh HTX Việt Nam vừa phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số cho 200 cán bộ, quản lý, thành viên các HTX và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Là một trong những HTX được hưởng lợi từ chương trình chuyển đổi số, HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn trồng gần 100 ha thanh long theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP; liên kết với hơn 100 hộ tại các huyện Mộc Châu, Yên Châu, Thuận Châu trồng 100 ha thanh long ruột đỏ, sản lượng mỗi năm đạt trên 2.500 tấn. Các thành viên HTX tích cực quảng bá, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội. Bà Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc HTX, chia sẻ: Hiện nay, các thành viên HTX thành lập nhóm Zalo, Facebook để trao đổi kỹ thuật trồng, chăm sóc và thông tin thị trường. Hằng năm, HTX xuất khẩu 600 tấn thanh long ruột đỏ sang thị trường Pháp, Anh, Nga, Hàn Quốc.

Tích cực đào tạo kỹ năng chuyển đổi số cho bà con

Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại tỉnh Sơn La đang diễn ra rất nhanh và mạnh trong các khâu, từ quá trình sản xuất, nuôi trồng đến truy xuất nguồn gốc và bán hàng, tạo thông tin minh bạch trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, đã và đang làm thay đổi cách quản lý, phương thức sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, hình thành một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Sơn La tăng cường chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản
Tận dụng nền tảng trực tuyến để kết nối tiêu thụ nông sản. (Ảnh - ST)

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La có hơn 72.800 hộ nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số và tạo tài khoản trên sàn thương mại điện tử; có 846 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử. Tỷ lệ dân số được phủ sóng 3G đạt 80,52%, phủ sóng 4G đạt 81,43%.

Thông qua mạng xã hội và các nguồn thông tin trên internet đã làm thay đổi thói quen, lối sống, tư duy sản xuất, kinh doanh truyền thống, góp phần phát triển kinh tế số và nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp. Bên cạnh việc tận dụng nền tảng trực tuyến để kết nối tiêu thụ nông sản, thì việc ứng dụng công nghệ thông tin còn giúp nông dân tiếp cận dữ liệu về khoa học-kỹ thuật mới, thay đổi quy trình sản xuất theo hướng hiện đại, tìm kiếm thị trường và quảng bá sản phẩm.

Để thích ứng với chuyển đổi số, việc tập huấn, nâng cao kỹ năng số cho nông dân là yêu cầu cấp thiết đang được tỉnh Sơn La chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Qua đó, ngoài chủ động học hỏi nâng cao vai trò của mình trong chuyển đổi số nông nghiệp, nông dân còn có thể chủ động lên sàn thương mại điện tử để giao lưu với người mua, giới thiệu những đặc tính khác biệt của sản phẩm để có giá trị cao hơn.

 
Lượt xem: 12
Tác giả: Xuyến Chi
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật