Xác định hội chợ triển lãm là kênh xúc tiến thương mại mang lại hiệu quả cao, Lạng Sơn đã và đang đẩy mạnh hoạt động này, tạo cầu nối mở rộng thị trường nông sản địa phương.
Kênh xúc tiến thương mại hiệu quả
Nhiều năm nay, trong chương trình xúc tiến thương mại hàng năm của quốc gia cũng như của tỉnh Lạng Sơn, việc tổ chức và tham gia các hội chợ triển lãm thương mại luôn là một trong những nội dung trọng tâm. Thực tế cho thấy, đến nay đây vẫn là kênh xúc tiến thương mại mang tính trực diện và hiệu quả nhất, trực tiếp rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp với khách hàng, đối tác và người tiêu dùng.
Ông Trần Anh Thuần - Trưởng phòng Phòng Xúc tiến thương mại và Khuyến công, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn - cho biết, xác định hội chợ triển lãm là kênh xúc tiến thương mại mang lại hiệu quả cao, từ năm 2022 đến nay, trung tâm đã phối hợp với các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố tổ chức và thành lập đoàn tham gia khoảng 25 hội chợ thương mại triển lãm trên địa bàn tỉnh, trong nước và quốc tế với sự tham gia của hơn 300 lượt doanh nghiệp. Trong đó, có một số hội chợ quy mô lớn như: Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung (tổ chức tại Lạng Sơn) năm 2022; Hội chợ thương mại quốc tế Trung - Việt năm 2023 (tổ chức tại Bằng Tường, Trung Quốc); Hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng 2023; Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung (Lào Cai) năm 2023; Hội chợ thương mại xuất nhập khẩu Trung Quốc-ASEAN (Bằng Tường) năm 2024.
Gian hàng giới thiệu sản phẩm của huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) tại Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt - Trung (Lạng Sơn) |
Điển hình như Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung (Lạng Sơn) năm 2022 với sự tham gia của trên 100 doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực đến từ trên 40 tỉnh, thành phố trong nước và Trung Quốc đã tạo cơ hội cho hơn 60 sản phẩm OCOP của Lạng Sơn được quảng bá, giới thiệu đến với người tiêu dùng, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước. Đặc biệt, qua hội chợ có 20 hợp đồng liên kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm của Lạng Sơn đã được ký kết như: Hợp đồng ký kết tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa Hợp tác xã Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) với Công ty TNHH MTV Hà Châu Lạng Sơn (thành phố Lạng Sơn); Hợp tác ký kết tiêu thụ các sản phẩm từ thạch đen giữa Công ty TNHH sản xuất và đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý (huyện Tràng Định) với Công ty TNHH Sinh hóa Minh Dương Việt Nam (thuộc Tập đoàn Sinh hóa Minh Dương - Nông khẩn Quảng Tây, Trung Quốc)…
Bà Phạm Thu Giang, Giám đốc Công ty TNHH chế biến và xuất khẩu nông lâm sản Lạng Sơn, chia sẻ, công ty chuyên sản xuất, chế biến và phân phối nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh như các sản phẩm tinh dầu hồi, hoa hồi khô (sản phẩm OCOP 4 sao), bánh khẩu sli quế (sản phẩm OCOP 3 sao)… Ngay từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2011, công ty đã xác định hội chợ triển lãm là kênh xúc tiến thương mại quan trọng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến khách hàng, đối tác. Đến nay, công ty đã tham gia 12 hội chợ triển lãm cấp quốc gia và quốc tế. Thông qua các hội chợ, công ty đã xác định được thị trường tiềm năng, thị trường chiến lược cho từng loại sản phẩm, kết nối được với nhiều đối tác kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại, sản phẩm của công ty đã có mặt tại các trạm dừng nghỉ ở các tỉnh như: Lào Cai, Phú Thọ, Hà Nam, Bắc Ninh… Gần đây nhất, công ty đã đưa bánh khẩu sli quế lên kệ của hệ thống siêu thị Tứ Sơn khu vực phía Nam.
“Thực tế qua mỗi hội chợ mà công ty tham gia thì doanh số bán sản phẩm lại tăng lên đáng kể, sản phẩm của công ty cũng được khách hàng chấp nhận và dần khẳng định được uy tín trên thị trường. Cũng qua đó, công ty rút ra được những kinh nghiệm để xây dựng chiến lược kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm và lấy được niềm tin của khách hàng” - chị Nguyễn Thị Phượng, Giám đốc Công ty Mái nhà xanh,chia sẻ.
Theo phân tích, đánh giá của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, hội chợ thương mại đã tạo cơ hội thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp xây dựng hình ảnh thân thiện với người tiêu dùng, tiếp xúc với các nhà phân phối sản phẩm tiềm năng, các đơn vị tư vấn quảng cáo, các showroom trưng bày sản phẩm cũng như những chuyên gia trong lĩnh vực xúc tiến thương mại… Đồng thời, tại hội chợ, doanh nghiệp có thể áp dụng nhiều chính sách xúc tiến thương mại khác như: chương trình dùng thử sản phẩm, khuyến mại, phát các video quảng cáo hoặc quảng cáo bằng âm thanh, pa nô, cờ phướn, tờ rơi… Thông qua thu thập các ý kiến góp ý tại hội chợ cũng giúp doanh nghiệp định ra một chiến lược sản phẩm và kinh doanh hợp lý trong tương lai nhằm thoả mãn nhu cầu của khách hàng tại thị trường mục tiêu.
Hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng
Theo tổng hợp của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, thông qua các hội chợ triển lãm quy mô lớn từ năm 2022 đến nay, đã có khoảng 30 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh ký kết được hợp đồng với các nhà phân phối trong và ngoài tỉnh. Qua đó, góp phần thúc đẩy kết nối giao thương, tạo dựng thương hiệu, giúp đưa nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP… của Lạng Sơn vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.
Năm 2024, trong chương trình xúc tiến thương mại được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh được giao tổ chức, tham gia 7 hội chợ thương mại. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã thành lập các đoàn tham gia gian hàng tại 3 hội chợ quy mô lớn như: Hội chợ Công Thương khu vực Tây Bắc- Điện Biên năm 2024; Hội chợ Công Thương khu vực Bắc Trung Bộ - Quảng Bình 2024 và Hội chợ Thương mại xuất nhập khẩu Trung Quốc-ASEAN (Bằng Tường) năm 2024. “Hiện trung tâm đang phối hợp xây dựng kế hoạch tổ chức Hội chợ thương mại, du lịch quốc tế Việt - Trung năm 2024 tại Lạng Sơn, đây là hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia quan trọng được nhiều doanh nghiệp quan tâm đăng ký tham gia” - ông Trần Anh Thuần nhấn mạnh.
Khách hàng tham quan, tìm hiểu sản tại gian hàng trưng bày của tỉnh Lạng Sơn tại Hội chợ Công Thương khu vực Bắc Trung Bộ – Quảng Bình 2024 |
Thực tế cho thấy hội chợ triển lãm là kênh xúc tiến thương mại hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, để hoạt động này ngày càng phát triển và đi vào thực chất, đại diện Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho rằng, cần có sự quan tâm đồng bộ từ các cấp, chính quyền địa phương. Các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xúc tiến thương mại cần nghiên cứu đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại hợp lý, dựa trên đặc điểm của địa phương cũng như từng giai đoạn nhất định và căn cứ trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Các định mức hỗ trợ cần được xây dựng hợp lý, phù hợp với giá cả và đặc điểm tình hình thị trường tại địa phương nhằm hướng tới phục vụ đại đa số doanh nghiệp với hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, tăng cường hơn nữa tổ chức các sân chơi, các sự kiện xúc tiến thương mại tập thể, tập trung đông người và doanh nghiệp tham gia.
Ông Trần Anh Thuần- cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay, bên cạnh việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại theo cách truyền thống như: Khuyến mại, quảng cáo, tổ chức các hội nghị cung cấp thông tin, ra mắt sản phẩm... thì hội chợ triển lãm là hình thức xúc tiến thương mại phổ biến nhất được các doanh nghiệp lựa chọn, bởi hình thức xúc tiến thương mại này vừa chứa đựng yếu tố hình thức tuyên truyền, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, vừa có ý nghĩa khuếch trương, quảng bá thương hiệu cho thương nhân. Do vậy, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tổ chức các hội chợ triển lãm trên địa bàn tỉnh, đồng thời gắn kết các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch để đem lại hiệu quả thiết thực nhất và cũng là dịp để các doanh nghiệp kết nối, trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường. Từ đó, đẩy mạnh quảng bá, nâng cao giá trị các sản phẩm, dịch vụ của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn đã đề ra đến năm 2025.