Bài 1: Sầu riêng - kỳ vọng mới cho kinh tế nông thôn

Sầu riêng không chỉ là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con khu vực miền Trung - Tây Nguyên mà còn là sản phẩm mang đậm thương hiệu của miền đất này.

Từ cây trồng xen canh trở thành cây trồng chính

Krông Pắc là một huyện miền núi tỉnh Đắk Lắk. Với địa hình tương đối bằng phẳng, phần lớn diện tích đất trên địa bàn huyện thuộc nhóm đất bazan nâu đỏ màu mỡ rất thuận lợi trong việc phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả lâu năm như: Cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, bơ,... trong đó, riêng diện tích trồng sầu riêng đến nay đạt hơn 8.000 ha.

Thời vụ thu hoạch tập trung từ tháng 8 đến tháng 10/2021. Ảnh: BĐL
Đắk Lắk hiện đã vươn lên vị trí dẫn đầu cả nước về diện tích sầu riêng, đạt khoảng 34.000-35.000ha, sản lượng đạt trên 300.000 tấn. Ảnh: Báo Đắk Lắk

Ông Y Djoang Niê – Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắc – cho hay, cây sầu riêng được đưa vào trồng xen trong vườn cà phê trên địa bàn huyện từ năm 2004 do Công ty cà phê Phước An triển khai thực hiện trồng tại xã Ea Yông với diện tích khoảng 400 ha.

Kết quả cho thấy, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu trên địa bàn huyện rất phù hợp để phát triển sản xuất cây sầu riêng, nên cây sầu riêng tiếp tục được người dân thực hiện trồng xen trong vườn cà phê.

Theo số liệu rà soát vào tháng 3/2023, toàn huyện Krông Pắc có 7.157 ha sầu riêng, tăng hơn 3.000 ha so với năm 2022. Trong đó, diện tích trồng thuần sầu riêng là 610 ha, diện tích trồng xen trong vườn cà phê là 6.547 ha; có hơn 3.300 ha trong thời kỳ kinh doanh, tập trung chủ yếu tại xã Ea Yông, Ea Kênh, Ea Knuếc. Giống sầu riêng chủ yếu là Dona, phần còn lại là các giống Ri6, Musang King…

Năm 2024, toàn huyện đã tăng gần 1.000 ha sầu riêng so với năm 2023; diện tích sầu riêng trong thời kỳ kinh doanh cũng tăng 695 ha; dự kiến tổng sản lượng sầu riêng toàn huyện đạt trên 92.000 tấn. Diện tích sầu riêng được cấp chứng nhận VietGAP đã đạt trên 1.200 ha.

Sầu riêng cho sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một trong những cây trồng chính, chủ lực góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế của huyện. Sản phẩm sầu riêng Krông Pắc có những ưu thế về chất lượng phẩm chất vượt trội so với các địa phương khác đã được các doanh nghiệp thương lái và người tiêu dùng đánh giá. Theo đó, sầu riêng có vị thơm, ngon, cơm vàng, có độ ngọt và béo cao đặc trưng.

Theo ông Y Djoang Niê, hiện nay cây sầu riêng có vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện, mang lại lợi nhuận và thu nhập cao cho người dân cũng như các cơ sở, đại lý thu mua sơ chế, đóng gói, tiêu thụ sầu riêng trên địa bàn.

Để đảm bảo phát triển sầu riêng theo hướng bền vững, đáp ứng các yêu cầu của thị trường về chất lượng, an toàn sản phẩm. Trong những năm gần đây huyện Krông Pắc đã đẩy mạnh đầu tư hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, người sản xuất sầu riêng áp dụng những quy trình sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn như VietGAP, sản xuất hữu cơ; xây dựng, quản lý vùng sản xuất, cơ sở đóng gói đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, khuyến khích người dân hợp tác liên kết sản xuất tiêu thụ với các HTX, tổ hợp tác, các cơ sở doanh nghiệp thu mua đóng gói xuất khẩu đã được cấp mã số theo quy định.

Đồng thời, xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu sản phẩm trái sầu riêng tươi huyện Krông Pắc đã được Cục sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận số 413207, chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu “Sầu riêng Krông Pắc” cho tập thể Hội nông dân huyện Krông Pắc theo quyết định số 16552/QĐ-STT, ngày 08/03/2022 của Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trên địa bàn huyện hiện nay có 153 cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói sản phẩm sầu riêng. Giá thu mua sầu riêng trong 2 năm gần đây tăng mạnh, người trồng sầu riêng có thêm nhiều sự lựa chọn để bán được giá hợp lý và lợi nhuận tốt hơn.

HTX Dịch vụ Nông nghiệp sạch (thôn Phước Hòa, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) hiện đang có 160 ha trồng sầu riêng, trong đó, có 146,7ha đã được cấp giấy chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP); Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “sầu riêng Krông Pắc” cho sản phẩm Sầu riêng Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk với diện tích 149,33 ha.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Quốc Dũng - Phó Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp sạch (thôn Phước Hòa, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) - thông tin, HTX có tất cả 153 thành viên, trong đó có 30 thành viên chính thức và 123 thành viên liên kết. Nhằm làm tốt dịch vụ cho các thành viên, mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho thành viên HTX.

Trong năm 2024, HTX đã đầu tư mới 2 điểm cung ứng vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đáp ứng yêu cầu thành viên HTX và nhân dân trong vùng. Hoàn thiện cơ sở vật chất cần thiết để đáp ứng yêu cầu chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chủ lực là sầu riêng quả tươi. Triển khai Dự án chuyển đổi sản xuất “hướng hữu cơ”, theo đó, cải tạo vườn sầu riêng định hướng hữu cơ gắn với liên kết theo chuỗi giá trị. Triển khai Mô hình sản xuất sầu riêng an toàn - "Hướng hữu cơ", trong đó, đã trồng mới 650 cây sầu riêng Dona; triển khai chương trình “Trải nghiệm thưởng thức sầu riêng tại vườn và tham quan cây sầu riêng cổ thụ” cho khách hàng trong và ngoài nước khi đến với Đắk Lắk. Do làm tốt khâu sản xuất và liên kết, đến nay đầu ra của HTX khá thuận lợi, sản phẩm của HTX được khách hàng đánh giá cao.

"Đơn vị liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra của HTX là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu. Các vườn liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra được đánh giá sản lượng ổn định và chất lượng sản phẩm tốt. Giá sản phẩm đầu ra được bên liên kết mua vào theo đầu giá từng thời điểm", ông Phạm Quốc Dũng cho hay.

Mang lại thu nhập tiền tỷ cho người nông dân

Cũng như nhiều gia đình ở Đắk Lắk, tại Đắk Nông, gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hằng, ở Thị trấn EaT'ling, huyện Cư Jút có hơn 2ha trồng sầu riêng giống Dona năm thứ 7. Cuối tháng 5, khi chuẩn bị vào vụ thu hoạch, chị mới tiến hành nhận đặt cọc với thương lái cho toàn bộ 300 cây trong vườn với giá 80.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với năm ngoái. Ước tính năm nay vườn sầu riêng nhà chị Hằng thu về hơn 35 tấn, gần 3 tỷ đồng đã trong tầm tay.

Tỉnh Gia Lai cũng là một trong những nơi thu hoạch sầu riêng sớm so với toàn vùng Tây Nguyên. Anh Hoàng Văn Đạt, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông có vườn sầu riêng 200 cây, giống Ri6. Vụ sầu riêng năm nay, gia đình sẽ thu được khoảng 25 tấn quả. Với giá của thương lái đang tìm mua 60.000 đồng/kg, gia đình anh sẽ thu về khoảng 1,5 tỷ đồng.

Anh Trần Thế Hoàng - người dân ở thôn Ea Ksô, xã Ea Nam, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk - cho biết, gia đình đầu tư trồng sầu riêng Dona đã được 7 năm với diện tích hơn 3 ha, năm nay sản lượng đạt khoảng 20 tấn. "Chúng tôi đã ký hợp đồng với thương lái với giá 90.000 đồng/kg, thu mua thuận lợi sẽ thu về khoảng 1,8 tỷ đồng, trừ đi khoản chi phí đầu tư ban đầu lợi nhuận đạt khoảng 1,3 tỷ đồng"- anh Trần Thế Hoàng chia sẻ.

Còn tại tỉnh Lâm Đồng với tổng diện tích trồng sầu riêng là 21.147 ha; trong đó, diện tích thu hoạch 11.554 ha và dự kiến sản lượng năm 2024 đạt 135.000 tấn. Toàn tỉnh hiện được cấp 116 mã số vùng trồng với tổng diện tích 5.597,13 ha.

Theo ghi nhận, cùng thời điểm giá thu mua sầu riêng được các doanh nghiệp và thương lái thu mua ở mức trên 70.000 đồng/kg đối với sầu riêng Dona và trên 55.000 đồng đối với loại Ri6. Đặc biệt, giá sầu riêng Dona tại vườn được thương lái thu mua với giá trên 80.000 đồng/kg.

Nhiều người dân trên địa bàn các xã Phước Lộc, xã Hà Lâm, xã Đoàn Kết… thuộc huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng (địa bàn đang thu hoạch rộ sầu riêng) khẳng định, với giá sầu riêng như hiện nay, không ít gia đình có doanh thu cao góp phần ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên làm giàu.

Bên cạnh những kết quả mà cây sầu riêng mang lại, theo các chuyên gia khuyến cáo cây trồng này cũng đang đối diện với nhiều thách thức bởi sự phát triển nóng, nhiều nơi tiếp tục mở rộng diện tích vì chạy theo giá cả thị trường dân đến những lo ngại về chất lượng.

Ông Vũ Đức Côn – Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng tỉnh Đắk Lắk – cho hay

Trong những năm gần đây, quả sầu riêng tiêu thụ thuận lợi, giá luôn ở mức cao, người trồng có lãi lớn, quy mô sản xuất sầu riêng tăng nhanh, nhất là tại các vùng tập trung Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là vùng Tây Nguyên với phương thức trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê.

Bài 2: Nỗi lo phát triển quá nóng

 
Lượt xem: 3
Tác giả: Nguyễn Hạnh
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật