Bắc Giang tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu
Qua bình xét, mỗi năm Bắc Giang có hơn 100 nghìn hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp, chiếm 82% số hộ đăng ký.
Ngày 11/10, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương tổ chức Hội nghị “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu” tỉnh Bắc Giang lần thứ III, năm 2021; tổng kết Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi, giai đoạn 2016-2021; trao giải Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông lần thứ IX.
Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi trở thành phong trào hành động cách mạng sôi nổi, rộng khắp, ảnh hưởng tích cực đến đời sống của nông dân các dân tộc trong tỉnh Bắc Giang. Tinh thần, ý thức làm chủ và trình độ, kiến thức SXKD của nông dân được nâng lên. Tư duy về kinh tế từng bước thay đổi, nông dân năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất ra sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà xuất khẩu ra nước ngoài, góp phần tạo nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.
Trong năm 2020 có hơn 107,6 nghìn hộ SXKD giỏi. Trong đó có 86.414 hộ cấp cơ sở, 17.340 hộ cấp huyện, 3.240 hộ cấp tỉnh và 614 hộ cấp Trung ương. Qua bình xét, mỗi năm Bắc Giang có hơn 100 nghìn hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp, chiếm 82% số hộ đăng ký.
Giai đoạn từ năm 2016 - 2021, hơn 56 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, các cấp Hội đã cho gần 2.000 hộ vay để thực hiện hơn 230 dự án; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội giúp hơn 68.000 hộ vay với tổng dư nợ hơn 4.800 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Nhờ đó, nhiều hộ nông dân có thu nhập từ 1 đến hơn 3 tỷ đồng/năm.
Cùng với đó, các cấp Hội còn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 102 nghìn lượt hội viên, nông dân; cung ứng 24 nghìn tấn phân bón trả chậm; xây dựng hằng trăm mô hình trình diễn, hướng dẫn thành lập 71 HTX và 191 tổ hợp tác, cùng hơn 1 nghìn tổ liên kết và chi hội nông dân nghề nghiệp… Đồng thời, tăng cường thông tin thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh, những năm qua, phong trào thi đua SXKD giỏi đã phản ánh sự năng động sáng tạo, trách nhiệm của các cấp Hội Nông dân cả nước. Những thành công của phong trào đã góp phần tích cực, hiệu quả trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đưa Bắc Giang là tỉnh đứng tốp đầu trong triển khai Chương trình; đứng thứ 3 khu vực miền núi phía Bắc trong triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Dự và phát biểu chỉ hội nghị, ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, xây dựng nông thôn mới; nắm vững, quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về chiến lược phát triển nông nghiệp đến năm 2030 tầm nhìn năm 2035.
Cùng với đó, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội, xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh làm nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Các hoạt động của Hội thường xuyên hướng về cơ sở, nắm chắc tình hình và tâm tư nguyện vọng của từng hội viên nông dân, nhất là nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Làm tốt công tác giám sát và phản biện chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tổ chức và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua nông dân SXKD giỏi gắn với các hình thức hợp tác sản xuất hiệu quả. Tăng cường ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tạo lợi thế phát triển. Đẩy nhanh việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ sản xuất nông nghiệp; áp dụng công nghệ xanh vào sản xuất; hỗ trợ nông dân bán sản phẩm trên các sàn giao dịch điện tử và xuất khẩu ra nước ngoài…
Để xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các Sở, ban, ngành của tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để tổ chức lãnh đạo, xây dựng chương trình hành động, tạo bước chuyển biến mới, hiệu quả trong nhận thức và ý thức trách nhiệm đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.