Doanh nghiệp trẻ đón đà hồi phục kinh tế
Dịch Covid-19 đang ngày càng “ngấm sâu” và bào mòn “sức khỏe” cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói chung, đặc biệt là DN trẻ, DN nhỏ và vừa. Trong bối cảnh này, ngoài việc tiếp sức và đồng hành từ Chính phủ, các Bộ ngành, Hiệp hội… bản thân các DN cần phải phát huy nội lực, chuyển đổi mô hình hoạt động, tái cấu trúc doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Hoàng - Trưởng ban Đào tạo, Phó Chủ Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HanoiBA) tại cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
Dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội, đặc biệt, cộng đồng DN. Đại diện cho tiếng nói cộng đồng các DN trẻ của Thủ đô, ông có thể chia sẻ rõ hơn những khó khăn của DN hiện nay?
Sau gần 20 thành lập, HanoiBA đã quy tụ hàng ngàn DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng thuế trên địa bàn TP. Hà Nội. Có thể nói, gần 2 năm đương đầu trước “bão Covid-19”, các DN hội viên HanoiBA gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, cá biệt có những DN lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề dẫn đến “kiệt sức”.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Trưởng ban Đào tạo, Phó Chủ Hội DN trẻ Hà Nội (HanoiBA) |
Với đặc thù là những DN trẻ, DN nhỏ và vừa, khó khăn của các hội viên chủ yếu tập trung trong việc tiếp cận các nguồn vốn và các chính sách hỗ trợ. Tác động của dịch bệnh cũng làm đứt gãy trong chuỗi cung ứng, làm tăng giá nguyên liệu, gây ảnh hưởng lớn tới tiêu thụ sản phẩm của các DN. Trong khi đó chi phí thuê mặt bằng, thuê đất cao; cùng các khoản thuế, phí, tiền đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn trong thời gian đại dịch trở thành gánh nặng với DN. Đối với DN duy trì hoạt động trong mùa dịch thì phát sinh nhiều chi phí thực hiện công tác phòng, chống dịch và giãn cách xã hội thời gian dài ngày cũng gây ra sự thiếu hụt nguồn lao động trở lại sau dịch…
Ngoài ra, việc thích ứng với bối cảnh mới cũng mang đến nhiều thách thức cho các DN trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh. Các thủ tục hành chính phức tạp, chính sách điều hành không nhất quán, phụ thuộc vào con người thay vì công nghệ tại nhiều địa phương cũng gây nhiều khó khăn cho DN.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, phục hồi sản xuất cho các DN, Chính phủ, các bộ ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Về phía mình, HanoiBA đã có những hoạt động cụ thể gì để hỗ trợ cho các hội viên, thưa ông?
Ngay sau khi dịch Covid-19 xảy ra ở Việt Nam, Chính phủ, các cấp, ngành đã kịp thời ban hành các giải pháp hỗ trợ DN về thuế, phí, lệ phí, giảm tiền hiện, các chính sách bảo đảm an sinh xã hội… đã phần nào hỗ trợ DN giảm bớt những khó khăn do dịch bệnh gây ra, động viên DN vượt khó.
Về phía hoạt động của HanoiBA đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các hội viên như: Xây dựng các nhóm ngành nghề để cách DN có thể giao lưu thông tin, cơ hội kinh doanh, giới thiệu khách hàng, bạn hàng lẫn nhau. Triển khai xây dựng trang tin điện tử cho phép hội viên, đối tác bên ngoài có thể tìm kiếm, tự động kết nối thông tin cung - cầu, các dự án phù hợp. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế cũng được Hội đẩy mạnh, nhằm chủ động tìm kiếm khách hàng mới ngoài hội, tìm kiếm các dự án, chuỗi liên kết để hội viên có thể tham gia ổn định, lâu dài. HanoiBA cũng có chương trình đầu tư tài chính, huy động các nhà đầu tư lớn, nguồn vốn nhàn rỗi trong hội để đầu tư các DN hoặc dự án tiềm năng của hội viên.
Dịch bệnh đang đặt DN vào một cuộc chiến sinh tồn mới, vì vậy, để thích ứng, DN cần phải chuyển đổi mô hình hoạt động, định hướng quản trị, phương thức thực thi kịp thời. Do đó, HanoiBA đã triển khai nhiều chương trình đào tạo CEO Exchange để chia sẻ các kiến thức, kỹ năng, xu thế kinh doanh, đặc biệt nhấn mạnh vào việc ứng dụng chuyển đổi số cho DN nhỏ và vừa. Hay, các chương trình CEO Talk, CEO Mentoring… mời các chuyên gia hàng đầu tư vấn và giải quyết trực tiếp những vướng mắc cho DN.
Sau một thời gian dài chống dịch, Chính phủ đã thay đổi quan điểm ứng phó dịch bệnh từ “Zero Covid-19” (Chiến lược dập tắt hoàn toàn dịch bệnh) sang “sống chung an toàn với Covid-19”, ông có những kiến nghị, đề xuất gì để chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho DN sớm phục hồi và vận hàng hoạt động kinh doanh?
HanoiBA đánh giá rất cao các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành, song cũng cho rằng, việc triển khai các chính sách này có lúc, có nơi còn bất cập, chưa đáp ứng được sự mong đợi của DN. HanoiBA mong muốn, Chính phủ, các bộ ngành hạ thấp những điều kiện để DN nhất là DN trẻ, DN nhỏ và vừa có thể tiếp cận được các gói hỗ trợ.
Đồng thời, Chính phủ cần đưa ra hướng dẫn thống nhất về các phương án kiểm soát dịch bệnh với các tiêu chí dễ hiểu, dễ thực hiện; tránh tình trạng mỗi địa phương hiểu và ban hành quy định theo một cách khác nhau. Hay, cho phép các DN tự xây dựng phương án phòng chống dịch cho riêng mình căn cứ trên các quy định chung tối thiểu do thành phố đề ra và có thể tiến hành kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất.
Đối với các vấn đề về thuế, phí đề xuất Chính phủ xem xét giảm từ 50 - 100% thuế thu nhập DN đối với các loại hình DN chịu ảnh hưởng của dịch theo các mức khác nhau, từ nay cho tới khi hết dịch. Hay, giảm 50% thuế giá trị gia tăng nhằm kích cầu tiêu dùng; miễn hoặc giảm 75% tiền thuê đất nhà nước cho các DN phải tạm dừng hoạt động; miễn giảm thuế xuất nhập khẩu cho đến hết quý 1 năm 2022 để duy trì sản xuất, qua đó tăng sức cạnh tranh của DN…
Đối với vấn đề vốn, đề nghị các ngân hàng thương mại giảm lãi vay với cho DN từ 3 - 5%, gia hạn thời gian trả nợ gốc, có gói biện pháp thiết thực, quyết liệt và nhanh chóng để được phê duyệt vốn vay, nâng mức cho vay từ 75 - 85% giá trị tài sản thế chấp. Đồng thời, đề xuất ngân hàng giảm lãi suất trên dư nợ hiện tại, tái cấp vốn cho vay để duy trì hoạt động, đặc biệt là khu vực sản xuất.
Ngoài ra, đề nghị các ngân hàng có gói vay tín chấp đối với các DN có phương án kinh doanh tốt, có cơ hội phát triển bởi rất nhiều DN nhỏ và vừa đã cạn kiệt tài sản có thể thế chấp sau 4 đợt dịch vừa qua.
Xin cảm ơn ông!
Thu Trang – Hoàng Lan