Kinh doanh mùa đại dịch: Doanh nghiệp ứng phó ra sao?

Trong bối cảnh dịch bệnh, kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã triển khai các giải pháp đẩy mạnh bán hàng đa kênh, nâng cao sự trải nghiệm của khách hàng, đầu tư cho chất lượng hàng hoá để duy trì tăng trưởng.

Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, trong năm 2021, số người tiêu dùng mới bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã tăng gấp đôi lên 46%. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến tổng cầu tiêu dùng. Doanh số bán lẻ trong nước đã giảm hơn 33% vào tháng 8 và 28% vào tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng bên cạnh việc đẩy mạnh khuyến mại, các doanh nghiệp bán lẻ cũng được nhiều chuyên gia khuyên phát triển hơn nữa kênh online, bởi tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến thường xuyên đã tăng gấp đôi sau đại dịch COVID-19.

Kinh doanh mùa đại dịch: Doanh nghiệp ứng phó ra sao?
Đa dạng giải pháp đưa hàng hoá đến với người tiêu dùng

Nhận thức được điều này đó, các doanh nghiệp bán lẻ đã có nhiều giải pháp kinh doanh hiệu quả. Bà Phạm Thùy Linh - Giám đốc Đối ngoại và Đầu tư, Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, trong suốt thời gian qua, kể cả lúc cao điểm về khó khăn vận chuyển, hệ thống siêu thị của Tập đoàn vẫn luôn duy trì được sự đầy đủ và đa dạng của hàng hóa với 90% tỷ lệ hàng việt trên cơ cấu hàng hóa.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Central Retail còn thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nội địa thông qua hệ thống phân phối bán lẻ, nhằm thích ứng trạng thái bình thường mới. Theo đó, Tập đoàn đặc biệt chú trọng đến việc duy trì ổn định giá cả và chương trình khuyến mại.

“Một trong những điểm mạnh của hệ thống bán lẻ của chúng tôi là việc thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mại một cách rộng rãi kích thích nhu cầu mua sắm của người dùng và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi đã linh hoạt triển khai các chương trình này, tổ chức nhanh hơn, thời gian khuyến mại ngắn hơn để đa dạng hóa và tạo thói quen mới cho khách hàng khi tham gia mua sắm trực tiếp và trực tuyến” – bà Phạm Thuỳ Linh cho hay.

Giải pháp thứ hai, dịch bệnh đã phần nào thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng, do đó kênh bán lẻ này đã nhanh chóng thay đổi, tăng cường cho kênh bán hàng trực tuyến và đa kênh (omni channel), tuân thủ an toàn phòng dịch tại các trung tâm thương mại, siêu thị mà vẫn đảm bảo doanh thu cho các cửa hàng. Hình thức bán hàng được thực hiện song song bán hàng trên các siêu thị trực tiếp và trên nền tảng thương mại điện tử: thông qua các kênh của chính hệ thống siêu thị của tập đoàn như: App GO! và Big C; zalo; panpage Big C/Go/ Top Markets và qua kênh đối tác giao hàng như Tiki, GrabMart, NowFresh…

Ngoài ra, để kịp thời tiêu thụ hàng hóa, Central Retail đã duy trì kết nối trực tiếp với các địa phương, thậm chí cả tâm dịch như Hải Dương, Bắc Giang... để thực hiện các chương trình kết nối tiêu thụ nông sản, qua đó góp phần gìn giữ giá trị đích thực và nâng tầm cho các thương hiệu Việt.

Bà Phạm Thuỳ Linh đánh giá: “Chúng tôi đánh giá cao cánh làm của các địa phương khi chuyển vùng trồng dần theo hướng an toàn, tuân theo quy trình Vietgap, chú trọng khâu bao bì đóng gói, để giúp sản phẩm có giá trị hơn và đặc biệt có tem nhãn, QR code để thuận lợi hơn cho người tiêu dùng trong quá trình tra cứu sản phẩm”.

Ngoài ra, hệ thống siêu thị cũng tăng dự trữ các mặt hàng thiết yếu, sẵn sàng với các nhu cầu tăng đột biến trong ngắn hạn. đặc biệt trong bối cảnh mở cửa lại nên kinh tế sau đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư, giúp bình ổn thị trường để người dân yên tâm khi mua sắm.

Ở một kênh bán lẻ khác là hệ thống VinMart, ông Khúc Tiến Hà – Giám đốc Vận hành miền Bắc chuỗi siêu thị VinMart, thời gian qua, WinCommerce – chủ chuỗi siêu thị VinMart, VinMart+ cũng đã có những hành động thiết thực nhất để đồng hành cùng các tỉnh, thành phố như tăng cường, đảm bảo các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại toàn bộ hệ thống hơn 2.500 điểm bán VinMart và VinMart+ để mang đến môi trường làm việc, mua sắm an toàn cho hơn 32 triệu khách hàng. Bên cạnh đó, cam kết và đảm bảo toàn bộ nguồn cung cấp hàng hóa nhu yếu phẩm đầy đủ cho người dân, với chất lượng hang hóa Tươi ngon thượng hạng và cam kết bình ổn giá trong suốt thời gian giãn cách xã hội do Covid-19.

Nhằm đa dạng nguồn cung cho khách hàng, hệ thống đã tích cực thu mua và hỗ trợ tiêu thụ một lượng lớn hàng nông sản, trái cây địa phương như Vải Thanh Hà, Vải Lục Ngạn, Nhãn lồng Hưng Yên… bị ùn ứ do tắc nghẽn giao thương vì giãn cách xã hội. Từ đó, góp phần cùng người dân thu hoạch nông sản khi đến vụ.

Cũng khẳng định bán hàng đa kênh là giải pháp rất quan trọng, ông Khúc Tiến Hà cho hay: “Hệ thống VinMart đã nhanh chóng bổ sung các kịch bản vận hành, kinh doanh như chuyển bán hàng từ offline sang online để phục vụ người dân thuận tiện, tiếp cận tới các khu cách ly để đưa thực phẩm thiết yếu cho người dân”.

Bảo Ngọc

Lượt xem: 405
Tác giả: Bảo Ngọc
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật