Tìm cách đưa ngành chăn nuôi gia cầm thoát cảnh càng nuôi càng lỗ

Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, tỷ suất lợi nhuận sản xuất gia cầm giảm dần và giảm mạnh ở mức đáng báo động, cần phải kịp thời tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng này.

Các doanh nghiệp và người dân chăn nuôi gia cầm đang phải đối mặt với cảnh sản lượng tăng nhưng giá bán lại luôn thấp hơn giá thành. Khó lại càng thêm khó khi nguồn cung trong nước đang cao hơn cầu nhưng nhập khẩu thịt gia cầm vào Việt Nam vẫn liên tục tăng.

 

Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 27/4 tại Hà Nội.

 

Càng nuôi càng lỗ

 

Việt Nam là một trong những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, riêng đàn thuỷ cầm lớn thứ hai thế giới. Giai đoạn từ năm 2018 – 2022, đàn gia cầm tăng nhanh từ 435,9 triệu con lên 557,3 triệu con. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,3%/năm.

 

Trong quý 1/2023, chăn nuôi gia cầm trên cả nước phát triển ổn định. Đàn gia cầm ước khoảng 551,4 triệu con, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 563.200 tấn, tăng 4,2%; trứng ước đạt 4,7 tỷ quả, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.

 

Sản lượng thịt già cầm tăng liên tục tăng đã khiến cung vượt cầu, giá bán thịt gia cầm cũng vì thế liên tục thấp hơn giá thành kiến người chăn nuôi gia cầm phải đối mặt với thực trạng càng chăn nuôi càng thua lỗ.

Đánh giá về bức tranh toàn cảnh của ngành chăn nuôi gia cầm, tiến sỹ Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội gia cầm Việt Nam (VIPA) cho biết tỷ suất lợi nhuận đã giảm dần và ngày càng giảm mạnh và tình trạng này đáng báo động. Gà bán thịt gà liên tục dưới giá thành từ 6.000-8.000 đồng/kg, cả doanh nghiệp FDI và người dân chăn nuôi nhỏ đều lỗ.

 

Ông Nguyễn Thanh Sơn cũng chỉ ra thực tế tăng trưởng nhập khẩu thịt gà đang cao hơn tăng trưởng sản xuất ở trong nước (nhập khẩu tăng gần 60%/năm nhưng sản xuất chỉ tăng hơn 6%, chưa kể đến số lượng nhập lậu). Điều này tạo thêm sức ép lớn cho chăn nuôi gia cầm trong nước trong bối cảnh cung đang vượt cầu.

 

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, việc tiêu thụ các sản phẩm gia cầm rất bấp bênh, gà trắng nuôi 40-52 ngày hay gà lông màu khoảng 70-90 ngày giờ phải kéo dài lên 110 ngày, chuyển thành gà đẻ trứng. Nếu tình trạng này kéo dài, cả doanh nghiệp và nông dân sẽ rơi vào cảnh càng nuôi càng lỗ, thiếu vốn và có nguy cơ dừng sản xuất.

 

Lý giải cho sự việc cung vượt cầu và giá thịt gia cầm liên tục giảm trong hai năm trở lại đây, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng sự suy giảm của nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng dẫn đến việc tạm ngừng hoạt động, cắt giảm nhân sự của nhiều doanh nghiệp lớn ảnh hưởng đến sức mua của thị trường sản phẩm chăn nuôi, trong đó sản phẩm thịt, trứng gia cầm cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

 

“Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu gần 3,4 triệu con gia cầm giống nên đàn gia cầm tăng nhanh về đầu con. Trong khi sức sản xuất lớn, sức tiêu dùng trong nước lại có hạn đã dẫn tới cung lớn hơn cầu,” ông Tống Xuân Chinh cho hay.

 

Tăng xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu

 

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, ngành gia cầm đang đứng trước rất nhiều khó khăn khi giá các sản phẩm biến động nhiều khiến tâm lý của người chăn nuôi chán nản. Bên cạnh đó, thị trường sản phẩm chăn nuôi đang không ổn định, công tác dự báo chưa theo kịp thực tiễn, giá vật tư đầu vào còn cao; người chăn nuôi thiếu vốn, thiếu đất đai để đầu tư và phát triển trang trại chăn nuôi.

Các đại biểu thảo luận gỡ khó cho chăn nuôi gia cầm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

 

Đề xuất cần phải rà soát lại chiến lược phát triển chăn nuôi, ông Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh: “Lâu nay chúng ta cứ mải mê tăng sản lượng khiến cung vượt cầu, giá bán thấp. Thay vào đó, chúng ta nên xem xét nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, đặc biệt là xem xét các dự án mới nếu không gắn với chế biến, xuất khẩu, tạo giá trị gia tăng thì không cấp phép.”

 

Khẳng định việc xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản được coi là dấu mốc quan trọng của ngành chăn nuôi gia cầm, ông Sơn cho rằng cần phải tiếp tục chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm gia cầm. Hiện có không ít thị trường có nhu cầu nhập khẩu trứng, con giống gà lông màu, nhưng nhiều doanh nghiệp đang bị vướng quy định của Tổ chức Thú y thế giới về vùng an toàn dịch bệnh. Nhiều thị trường đưa ra quy định rất khắt khe mà chúng ta không đáp ứng được.

 

Ông cũng cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi; cần có các biện pháp kỹ thuật đủ mạnh để hạn chế nhập khẩu thịt gà đông lạnh đồng thời kiểm soát tình trạng nhập lậu gà sống qua biên giới, giám sát chặt với sản phẩm chăn nuôi tạm nhập tái xuất.

 

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân nhắc xây dựng đề án trồng lúa phục vụ thức ăn chăn nuôi để giảm áp lực về giá thức ăn tăng cao.

 

Bên cạnh đó, ông Tuấn cho biết việc xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ cũng đang gặp phải rào cản. Theo đó, nếu nông dân tự chăn nuôi, giết mổ thì không bị chịu thuế nhưng nếu doanh nghiệp thu mua, chế biến pha lọc, đóng gói để đưa ra tiêu thụ thì sẽ bị tính thuế 5%, điều này khiến các doanh nghiệp đang gặp khó trong việc hỗ trợ các chuỗi liên kết nhỏ lẻ.

 

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp và nông dân chăn nuôi gia cầm cũng đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đề xuất chính sách tín dụng ưu đãi, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, tiếp tục xem xét giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và có chính sách đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp nội và người chăn nuôi trong nước đủ sức cạnh tranh lành mạnh với các doanh nghiệp FDI.

 

Ghi nhận khó khăn và những đề xuất của doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết sẽ tiếp thu, đồng hành gỡ khó và đề xuất lên Chính phủ những chính sách hỗ trợ kịp thời cho ngành chăn nuôi gia cầm.

 

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai rà soát quy mô đàn gia cầm, đánh giá chất lượng, năng suất đàn gia cầm tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương để tổ chức chỉ đạo sản xuất phù hợp theo Chiến lược phát triển chăn nuôi và quy hoạch kinh tế-xã hội của địa phương. Phát triển chăn nuôi gia cầm theo phương thức công nghiệp, áp dụng công nghệ cao tại các trang trại và doanh nghiệp lớn đồng thời khuyến khích chăn nuôi hộ truyền thống cải tiến theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ để giảm thiểu chi phí sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng./.

 

Hồng Kiều (Vietnam+)

 
Lượt xem: 4
Nguồn:nhachannuoi.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật