Nông dân linh hoạt ứng phó tình trạng giá thức ăn chăn nuôi tăng
Hiện tại trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giá thức ăn chăn nuôi đã tiếp tục tăng thêm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, giá thành phẩm lại đang giảm sâu. Đứng trước nguy cơ thua lỗ và đứt gãy chuỗi sản xuất, nhiều hộ chăn nuôi ở Lào Cai đã chuyển đổi cơ cấu sản xuất và linh hoạt sử dụng nguyên liệu hữu cơ sẵn có để đối phó với tình trạng này.
Ảnh minh họa: Quốc Khánh TTXVN
Thay đổi cơ cấu đàn vật nuôi
Để đối phó với tình trạng thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng cao, nhiều nông dân Lào Cai đã chọn hướng sản xuất mới, đó là thay đổi cơ cấu đàn vật nuôi với nguồn thức ăn có thể chủ động được ở địa phương. Điều này không chỉ giúp hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào thức ăn chăn nuôi bên ngoài, mà còn giúp gia tăng chất lượng và nâng cao giá thành sản phẩm.
Xã Quang Kim (huyện Bát Xát) có 64 ha nuôi thủy sản tập trung với giá trị sản xuất đạt hơn 600 triệu đồng/ha/năm. Nếu như trước đây, các hộ dân địa phương chủ yếu nuôi thương phẩm cá rô phi, cá chép, trắm thì giờ đây nhiều hộ bắt đầu chuyển sang nuôi các loại cá có giá trị kinh tế lớn hơn.
Anh Phạm Văn Hàn, xã Quang Kim nuôi 5.000 con cá quất, 3.000 con chạch chấu, 2.000 con trắm cỏ, cá nheo, rô phi và chép lai, 5.000 con cá lăng đuôi đỏ… để có sản phẩm đánh bắt xen kẽ giữa các vụ thu hoạch. Đây đều là những loại cá ăn tạp nhưng ăn rất ít. Thức ăn chủ yếu của chúng là tôm, tép, cá con, đòng đong hay những loại côn trùng nhỏ và sinh vật phù du trên mặt nước, so với thức ăn của cá nước lạnh rẻ hơn và dễ mua, nhất là ở những vùng nông thôn.
Anh Hàn cho biết: “Tôi tận dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương như ngô hạt, đậu tương, cám gạo, phối trộn thêm bột cá, bột tôm. Tất cả được trộn lẫn, cho vào máy nghiền, sau đó ép thành cám viên. Sử dụng thức ăn hoàn toàn từ nông sản tuy thời gian nuôi kéo dài hơn so với nuôi bằng thức ăn công nghiệp, nhưng đổi lại thịt thơm, ngon, cá chắc thịt, giá bán cao hơn nhiều so với nuôi bằng thức ăn công nghiệp”.
Với mức giá từ 600.000 – 650.000 đồng/kg, năm 2021, trong lứa bán 200 kg cá quất đầu tiên, anh thu về trên 120 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 40 triệu đồng. Anh cho biết, dự tính toàn bộ lứa đầu sau khi bán hết có thể thu về hơn 2 tỷ đồng, trừ chi phí cũng lãi 1 tỷ đồng.
Đầu năm 2021, anh Hàn thành lập Hợp tác xã Thủy sản An Phong với 9 thành viên và xây dựng mô hình liên kết chăn nuôi thủy sản theo chuỗi giá trị, đồng thời tư vấn và chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi và phòng dịch bệnh để cùng phát triển nghề nuôi cá. Ngay từ ngày đầu thành lập, Hợp tác xã Thủy sản An Phong đã lựa chọn đi theo hướng đi riêng biệt, đó là tạo ra những sản phẩm cá chất lượng cao, ngon và tuyệt đối an toàn, nuôi cá sạch theo mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị sản phẩm…
Anh Hàn cho biết: “Từ khi xây dựng mô hình, cá của Hợp tác xã luôn bán được giá, bất chấp thị trường thức ăn biến động liên tục, đầu ra của sản phẩm luôn ổn định, thậm chí không đủ cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh Lào Cai, mang lại doanh thu bình quân 150 – 200 triệu đồng/hộ/vụ.”
Trước sức tăng chưa có điểm dừng của giá thức ăn công nghiệp, ngành nông nghiệp Lào Cai khuyến cáo nông dân nên áp dụng các biện pháp chăn nuôi hữu cơ, tạo nguồn thức ăn từ tự nhiên và phụ phẩm nông nghiệp để giảm chi phí sản xuất.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai Phạm Thị Hoa cho biết, để phát triển ổn định chăn nuôi, ngành nông nghiệp đã tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi duy trì chăn nuôi kết hợp sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương (ngô, sắn, cám gạo) phối trộn với thức ăn công nghiệp đậm đặc để hạ giá thành sản phẩm; sử dụng chế phẩm sinh học ủ thức ăn cho đàn vật nuôi để tăng khả năng tiêu hóa, hấp thụ thức ăn, sức đề kháng dịch bệnh và giảm ô nhiễm môi trường.
Trong chăn nuôi lợn, để ứng phó với giá thức ăn chăn nuôi cao, nhiều hộ đã đổi mới quy trình nuôi, thay đổi từ sử dụng thức ăn công nghiệp sang thức ăn tự phối trộn. Hộ ông Lê Mạnh Quý, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng đang nuôi gần 8.000 con lợn, gồm lợn nái, lợn con và lợn thịt. Toàn bộ nguồn giống không phải mua mà tự sản xuất, nên đã giải quyết được nỗi lo về con giống. Để tiết kiệm chi phí thức ăn chăn nuôi, ông mua nguyên liệu và phụ gia của các nhà máy sản xuất thức ăn trong nước, sau đó tự gia công. Với mức tiêu thụ 4.000 tấn thức ăn chăn nuôi/tháng, nhờ cách làm này, mỗi tháng ông tiết kiệm được gần 1 tỷ đồng tiền mua thức ăn chăn nuôi.
Thận trọng tái đàn
Ảnh minh họa: Quốc Khánh/TTXVN
Năm 2023, tỉnh Lào Cai đề ra mục tiêu tổng đàn gia súc đạt trên 608.000 con, đàn gia cầm đạt trên 5,1 triệu con, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 69.300 tấn; diện tích nuôi thủy sản 2.300 ha, sản lượng đạt 12.200 tấn; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi ra ngoại tỉnh, xuất bán trên 10.000 tấn thịt hơi các loại loại/năm.
Mục tiêu lớn nhưng dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan vào địa bàn tỉnh rất cao, giá thức ăn chăn nuôi tăng… Ngành chăn nuôi Lào Cai đang đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi tìm hiểu thông tin dự báo và diễn biến thị trường về lượng cung – cầu, nơi tiêu thụ sản phẩm để quyết định số lượng tái đàn sao cho phù hợp, không tái đàn ồ ạt.
Ông Nguyễn Phú Thành, thôn Cánh Địa, xã Sơn Hải (Bảo Thắng) là người có kinh nghiệm hơn chục năm chăn nuôi lợn. Trung bình gia đình ông xuất chuồng khoảng 2.000 con/năm. Hiện, ông duy trì đàn lợn nái 60 con và 500 con lợn thịt/lứa. Ông Thành cho biết, hiện giá thức ăn chăn nuôi dao động từ 280.000 – 370.000 đồng/bao 25 kg, tăng gấp đôi so với đầu năm 2021 và tăng khoảng 100.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức giá này, nếu giá lợn hơi trong khoảng 55.000-60.000 đồng/kg thì người chăn nuôi còn có chút lãi, nhưng hiện tại giá lợn hơi mà các thương lái chào mua tại gia đình chỉ dao động ở mức 48.000-50.000 đồng/kg. Vì giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao, nên gia đình chỉ tái đàn một cách thận trọng nhằm ổn định quy mô chăn nuôi.
Ngoài ra, các địa phương của Lào Cai đã và đang phát triển chăn nuôi theo lợi thế từng vùng địa lý, khí hậu. Vùng thấp khuyến khích thay đổi cơ cấu giống và phát triển các giống cao sản, các trang trại tiếp tục duy trì chăn nuôi công nghiệp. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ duy trì chăn nuôi bán công nghiệp kết hợp sử dụng nguyên liệu, thức ăn sẵn có để hạ giá thành sản phẩm.
Vùng cao tập trung phát triển chăn nuôi các loại vật nuôi bản địa, chăn nuôi truyền thống theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm. Hiện, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai đang triển khai dự án hỗ trợ người dân xây dựng mô hình chăn nuôi lợn đen an toàn dịch bệnh dựa vào cộng đồng tại 3 xã đặc biệt khó khăn thuộc các huyện Bát Xát, Mường Khương và Văn Bàn, bước đầu có những tín hiệu tích cực.
Riêng huyện Bát Xát đang đẩy mạnh tái đàn và phát triển đàn lợn đen bản địa tại các xã vùng cao, hướng tới mục tiêu đến năm 2025 nâng tổng đàn lợn đen lên 28.000 con, cung ứng ra thị trường khoảng 2.300 tấn lợn đen thương phẩm.