Hải Hà (Quảng Ninh): 02 siêu dự án chăn nuôi lợn với tổng công suất 10.000 nái
Hai siêu dự án lớn bậc nhất miền Bắc về chăn nuôi lợn đều nằm ở trên địa bàn huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, tổng công suất 10.000 nái, đầu tư công nghệ hiện đại về chuồng trại, xử lý chất thải chăn nuôi…
Hai dự án khủng
Ngày 16/10, đoàn công tác của huyện Hải Hà đã có buổi kiểm tra, làm việc với Công ty CP chăn nuôi Greentech – Chủ đầu tư Dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao tại xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà.
Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Greentech (áo đen, thứ tư bên phải sang) giới thiệu về các thiết bị chuồng trại của trại lợn Greentech (Ảnh: https://www.quangninh.gov.vn/)
Vào tháng 11/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao tại xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà và đến tháng 6/2023, Dự án đủ điều kiện pháp lý để đầu tư xây dựng. Đây là dự án chăn nuôi công nghệ cao lớn nhất mà tỉnh Quảng Ninh đã thu hút đầu tư vào ngành chăn nuôi tính đến thời điểm này và có quy mô lớn nhất miền Bắc của Việt Nam.
Chuồng trại bên trong trại lợn Greentech (Ảnh: https://www.quangninh.gov.vn/)
Dự án Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao Greentech có tổng vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 45,2ha; công suất thiết kế nuôi 5.000 lợn nái, 20.000 lợn cai sữa và 40.000 lợn thịt/lứa với 2, 3 lứa/năm (tương đương 143.000 lợn giống và hơn 15 triệu kg thịt lợn hơi/năm) với công nghệ chăn nuôi tiên tiến, an toàn thực phẩm.
Dự án đặt ra mục tiêu phát triển mô hình chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp, khép kín, chủ động từ khâu sản xuất giống đến khâu chăn nuôi thành lợn thương phẩm, tạo ra các sản phẩm cho thị trường với chất lượng cao theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất; làm điểm cho mô hình chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp, làm cơ sở và tiền đề nhân rộng, hoàn thiện mô hình trong tương lai các tỉnh lân cận và khu vực. Đồng thời, Trang trại cũng phấn đấu đi đầu trong tăng hiệu suất sử dụng đất, tăng năng suất lao động, cải thiện môi trường tự nhiên, tái sử dụng sản phẩm xả thải phục vụ cho phát triển nông nghiệp sạch.Sau 14 tháng khẩn trương triển khai xây dựng, đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành.
Theo ông Nguyễn Hữu Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, đây là một trong những dự án mà đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước nên phải thỏa thuận giải phóng mặt bằng. Trong 2 tháng bàn giao mặt bằng cho nhà thầu, sau đó triển khai dự án.
Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Greentech cho biết huyện đã có nhiều quan tâm giúp đỡ doanh nghiệp nên các mục tiêu về tiến độ của dự án đến nay đã hoàn thành đúng theo mục tiêu của cổ đông. Công ty sẽ đưa vật nuôi vào cuối tháng 10 và trung tuần tháng 11.
Cũng trên địa bàn huyện Hải Hà, ngày 10 tháng 10 năm 2024, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF, Công ty) đưa vào vận hành cụm trang trại xanh hiện đại Nuôi heo Công nghê cao Hải Hà (trại Hải Hà).
Trại Hải Hà có công suất 5.000 nái và 60.000 heo thịt, dự kiến đóng góp trên 750 tỷ đồng Doanh thu hằng năm cho Công ty (tùy thuộc vào giá heo thị trường).
Việc đưa vào vận hành liên tiếp các trang trại cho thấy bước tiến quan trọng trong việc thực hiện chiến lược trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực chăn nuôi hiện đại. Tính đến thời điểm hiện tại, BAF đã đưa vào vận hành hệ thống 36 trang trại nuôi heo công nghệ cao trải dài trên khắp cả nước. Nâng tổng đàn của Công ty đạt hơn 500.000 con, cho ra sản lượng gần 1 triệu heo thường phẩm mỗi năm. Công ty sẽ tiếp nhận và đưa vào vận hành 6 cụm trại mới theo tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến trong giai đoạn 2024 đến đầu 2025.
Trại Hải Hà của Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (Ảnh: BAF Việt Nam)
Đầu tư công nghệ hiện đại
Đối với dự án của công ty Greentech, đây là dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao được đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị chăn nuôi hàng đầu của Việt Nam như: Hệ thống cho ăn, làm mát tự động bằng thiết bị nhập khẩu châu Âu; thiết bị khung chuồng toàn bộ mạ kẽm nhúng nóng; hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi đảm bảo cột A, quy chuẩn 62/2016 của Bộ Tài nguyên & Môi trường về nước thải chăn nuôi; đầu tư trạm xử lý nước sạch để phục vụ sinh hoạt và sản xuất…
Các hạng mục của trang trại lợn Greentech được đầu tư đồng bộ ( Ảnh: https://www.quangninh.gov.vn/)
Dự án đặt ra mục tiêu phát triển mô hình chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp, khép kín, chủ động từ khâu sản xuất giống đến khâu chăn nuôi thành lợn thương phẩm, tạo ra các sản phẩm cho thị trường với chất lượng cao theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất; làm điểm cho mô hình chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp, làm cơ sở và tiền đề nhân rộng, hoàn thiện mô hình trong tương lai các tỉnh lân cận và khu vực. Đồng thời, Trang trại cũng phấn đấu đi đầu trong tăng hiệu suất sử dụng đất, tăng năng suất lao động, cải thiện môi trường tự nhiên, tái sử dụng sản phẩm xả thải phục vụ cho phát triển nông nghiệp sạch.
Đối với trại của BAF, cụm trại Hải Hà được xem là cụm trại quy mô lớn bậc nhất miền Bắc được đưa vào vận hành sau khi thỏa mãn các tiêu chuẩn lựa chọn khắt khe của IFC và BAF. Áp dụng công nghệ chuồng hầm đạt chuẩn tại Việt Nam. Các trang thiết bị, hệ thống quản lý tự động & xử lý nước thải được nhập từ các tập đoàn lớn Châu Âu, Châu Mỹ… nhằm tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí vận hành.
Trại Hải Hà của BAF có diện tích gần 50 ha, xung quanh núi bao phủ và biệt lập với khu dân cư tạo điều kiện thuận lợi về “an toàn sinh học”. Trang trại Hải Hà áp dụng quy cách “vành đai cách ly” khắt khe theo quy chuẩn chăn nuôi hiện đại hàng đầu thế giới nhằm tuyệt đối đạt được mục tiêu “an toàn sinh học”.
Thực hiện khử trùng và cách ly từ 24h – 48h đối với công nhân trước khi vào trại nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh. Hệ thống cho ăn tự động thông qua hệ thống điều khiển trung tâm giúp giảm thiểu tiếp xúc giữa người đối với vật nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh, tiết giảm đáng kể chi phí nhân công. Nhiệt độ trong chuồng được duy trì ổn định nhờ vào hệ thống cảm biến thời tiết kết hợp iOT, đảm bảo môi trường phát triển cho vật nuôi.
Kể từ đầu 2023, BAF chủ trương xây dựng các cụm trại quy mô lớn nhằm tối ưu các ưu thế như tiết kiệm tối đa chi phí logistic, giảm hao hụt tối đa trong quá trình vận chuyển, hạn chế tối đa dịch bệnh nhằm đảm bảo sức khỏe vật nuôi. Nhân công vận hành tại trại Hải Hà dự kiến rơi vào khoảng 150 – 160 nhân công thấp hơn trung bình ngành (khoảng 210 nhân công so với cùng quy mô). Chi phí đầu tư cụm trại Hải Hà khoảng 600 tỷ đồng, tiết kiệm hơn khoảng 10% so với việc đầu tư 3 trang trại riêng biệt.
Thiết bị bên trong cụm trại Hải Hà của BAF (Ảnh: BAF Việt Nam)
Cụm trại Hải Hà được đầu tư hệ thống xử lý nước và chất thải hiện đại. Chất thải của heo sẽ được xử lý bằng hệ thống cào phân sau đó sẽ được chuyển đến các tháp ủ phân. Các tháp ủ phân ứng dụng công nghệ sinh học, xử lý lên men biogas, sau đó lọc công nghệ cao và có thể tái sử dụng. Phân hữu cơ dùng để bón cho cánh đồng lúa chất lượng cao của tập đoàn Tân Long.
Hà Ngân tổng hợp