Đẩy mạnh số hoá cơ sở dữ liệu chăn nuôi, dự báo cung cầu thị trường
Doanh thu của ngành chăn nuôi lên tới 33 tỷ USD, là sinh kế của hàng triệu hộ nông dân ở nước ta. Do đó, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, ngành sẽ đẩy mạnh số hoá cơ sở dữ liệu chăn nuôi để điều tiết sản xuất, dự báo cung cầu thị trường và giá cả.
Ông Phạm Kim Đăng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) thông tin, chăn nuôi của Việt Nam được xác định là ngành chủ lực, quan trọng đã và đang chuyển dịch dần từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn. Ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi.
Ở nước ta, ngành chăn nuôi còn liên quan đến sinh kế của khoảng 6 triệu hộ nông dân.
Theo thống kê, giá trị tăng trưởng của ngành chăn nuôi năm 2023 ước đạt 5,72%, doanh thu trên 33 tỷ USD toàn ngành, đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp và trên 5% GDP của nước ta. Trong đó, chăn nuôi lợn vẫn là lĩnh vực chăn nuôi chủ lực chiếm trên 62% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi được sản xuất trong nước.
Về sản lượng thịt giai đoạn 2019-2023, chăn nuôi lợn chiếm 60-64%; gia cầm 28-29%; còn lại là trâu, bò, dê, cừu (chiếm 9%). Trong khi, cơ cấu sản lượng thịt thế giới năm 2022, thịt lợn chiếm 41%, thịt gia cầm 37% và thịt trâu, bò (22%). Như vậy, cơ cấu thịt lợn của Việt Nam cao hơn trung bình chung của thế giới khoảng 20%.
Dự báo cung cầu còn yếu khiến giá cả thị trường bấp bênh, cung – cầu nhiều thời điểm mất cân đối. Ảnh: Tâm An
Riêng về đàn lợn, từ chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp trước đây, năm 2023 Việt Nam đã được biết đến là một quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 về đầu con và thứ 6 về sản lượng thịt.
Thời điểm cuối năm 2023, tổng đàn lợn ở nước ta đạt 25,5 triệu con (chưa tính khoảng 4 triệu lợn con theo mẹ), tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2023 là năm có số đầu con lợn cao nhất trong 5 năm trở lại đây và tốc độ tăng trưởng về đầu con đạt trung bình là 6,0%/năm trong giai đoạn 2019-2023. Tổng sản lượng lợn hơi xuất chuồng năm ngoái lên tới 52,7 triệu con.
Theo Tổng cục Thống kê, ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 6 năm nay đạt gần 25,55 triệu con, tăng khoảng 2,9% so với cùng thời điểm năm 2023. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 2.535,8 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Từ những con số thống kê trên có thể thấy, ngành chăn nuôi có rất nhiều dữ liệu nhưng đa phần được thu thập thủ công, chưa có tính liên kết từ cơ quan trung ương đến các địa phương. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến giá cả bấp bênh, cung cầu thị trường không ổn định trong những năm qua.
Đơn cử, năm 2023 giá lợn hơi rất thấp, tiêu thụ gặp khó khiến người chăn nuôi và cả doanh nghiệp đều thua lỗ. Năm nay, giá lợn hơi bật tăng mạnh do cung không đủ cầu.
Để giải quyết những “nút thắt” ngành chăn nuôi, ông Phạm Kim Đăng nhấn mạnh, tới đây sẽ tăng cường và tổ chức thực hiện chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng. Trong đó, khẩn trương triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi; xây dựng và áp dụng các phần mềm để đảm bảo cập nhật, quản lý, khai thác các dữ liệu chăn nuôi trên phạm vi cả nước.
Trên cơ sở phân tích dữ liệu tổng hợp có thể đưa ra nhận định, đánh giá sát thực tế và cảnh báo, dự báo năng lực sản xuất và cung cầu thị trường chăn nuôi giúp điều tiết sản xuất của các doanh nghiệp và người chăn nuôi. Ngoài ra, xây dựng sàn giao dịch nông sản thực phẩm như: sản phẩm chăn nuôi: con giống, vật nuôi giết thịt, trứng, thịt, sữa, các sản phẩm chế biến…
Việc chuyển đổi số, đặc biệt là số hoá cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi có vai trò quan trọng trong dự báo cung cầu thị trường và giá cả, từ đó quay lại điều tiết sản xuất sao cho phù hợp.
Bởi vậy, giữa năm 2022, Cục Chăn nuôi và Tập đoàn VNPT “bắt tay” triển khai Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi là nền tảng quan trọng cho việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, tổ chức phát triển chăn nuôi theo định hướng, tín hiệu, nhu cầu của thị trường, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi Việt Nam.
Hệ thống cho phép thiết lập mã định danh cho các cơ sở chăn nuôi, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi trên phạm vi cả nước. Đây là yếu tố quan trọng giúp ngành chăn nuôi ổn định sản lượng, kiểm soát chất lượng, tăng tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Đồng thời cung cấp thông tin để dự báo giá cả thị trường sản phẩm chăn nuôi, giải bài toán mất cân đối cung cầu.
Hà Giang
Nguồn tin: VietnamNet