Ngành chăn nuôi các tỉnh phía bắc: “Gồng mình” vượt bão, lũ lịch sử

Thời gian qua, thời tiết tại nhiều địa phương miền Bắc diễn biến phức tạp, mưa lớn gây lũ lụt. Đặc biệt, từ ngày 7/9/2024, cơn bão số 3 (hay còn gọi là bão Yagi) đã đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc, gây ra những đợt mưa lớn, lũ lớn và gây thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều địa phương, trong đó, ngành chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Di dời lợn ra khỏi trang trại bị ngập nước tại tỉnh Bắc Ninh (Ảnh: Sưu tầm)

 

Hết “bão” giá, “bão” dịch bệnh, người chăn nuôi gồng mình với bão, lũ, lụt

 

Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Nghệ An (27 tỉnh, thành), gây mưa rất lớn từ 200-400mm (từ ngày 07 đến trưa ngày 10/9; từ trưa ngày 10/9, mưa lớn khu vực miền núi đã giảm), riêng Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên mưa từ 400-600mm. Mưa lớn sau bão gây lũ, lũ quét, sạt lở đất, nghiêm trọng nhất tại Cao Bằng (Nguyên Bình), Lào Cai (Bát Xát, Sa Pa, Si Ma Cai, Bắc Hà), Hoà Bình (Đà Bắc), Yên Bái (Văn Chấn, Lục Yên, TP Yên Bái), Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang,… Lũ trên báo động 3 trên toàn bộ các tuyến thuộc hệ thống sông Hồng – Thái Bình. Ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét rất nghiêm trọng tại nhiều tỉnh miền núi như Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang,…và khu vực ngoài đê các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Hiện mực nước các sông thượng lưu (Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên,….) đang xuống; mực nước các sông đồng bằng hạ lưu đang dao động ở mức cao (Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình,…).

 

Tính đến 20h30 ngày 13/09/2024, Cục Chăn nuôi tổng hợp thông tin của 19 địa phương có thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây ra như sau:  Tổng số thiệt hại Gia súc 9.063 con ; Gia cầm 2.025.554 con. Trong đó 05 tỉnh/thành chịu thiệt hại nặng nhất gồm: Hải Phòng (3.923 con gia súc, 713.303 con gia cầm); Quảng Ninh (1.874 con gia súc, 262.222 con gia cầm); Yên Bái (426 con gia súc, 122.602 con gia cầm); Hải Dương (73 con gia súc, 388.605 con gia cầm); Vĩnh Phúc (600 con gia súc, 17.917 con gia cầm)

 

Số thiệt hại do bão số 3 – YAGI

TT

Tỉnh/Thành Phố

Số lượng gia súc thiệt hại

Số lượng gia cầm thiệt hại

Ước tính
kinh phí hỗ trợ

1

Quảng Ninh

1.874

262.222

₫13.189.662.000

2

Hải Phòng

3.923

713.303

₫31.882.863.000

3

Nam Định

58

775

₫277.275.000

4

Hà Nội

29

37.508

₫918.168.000

5

Hưng Yên

32

11.984

₫395.664.000

6

Hải Dương

73

388.605

₫8.489.205.000

7

Bắc Giang

38

139.064

₫3.072.344.000

8

Yên Bái

426

122.602

₫4.278.642.000

9

Thanh Hoá

1

0

₫3.000.000

10

Nghệ An

1

0

₫3.000.000

11

Hoà Bình

30

9.040

₫309.840.000

12

Vĩnh Phúc

600

17.917

₫3.076.257.000

13

Lào Cai

280

15.130

₫1.437.730.000

14

Thái Nguyên

0

292.696

₫6.146.616.000

15

Phú Thọ

0

100

₫2.100.000

16

Bắc Kạn

10

478

₫55.038.000

17

Sơn La

56

236

₫228.956.000

18

Hà Giang

112

6.415

₫582.715.000

19

Tuyên Quang

1.519

7.579

₫6.235.159.000

 

Tổng số

9.063

2.025.554

₫80.584.234.000

 

Nguồn: Cục Chăn nuôi

 

Khôi phục chăn nuôi đồng bộ

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hiện hoàn lưu của bão số 3 vẫn đang gây mưa lớn tại các tỉnh phía Bắc, nguy cơ thiệt hại vẫn còn. Để đảm bảo cung ứng đủ lương thực, thực phẩm trước, trong và sau tết Nguyên đán sắp tới, duy trì xuất khẩu, tăng trưởng, đảm bảo CPI và đời sống nhân dân, cần các giải pháp khôi phục sản xuất đồng bộ.

 

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, “Nguy cơ dịch bệnh thông thường cuối năm rất lớn cộng thêm bão lũ đang diễn biến phức tạp, Cục Thú y đã chỉ đạo tăng hóa chất, sát trùng và vaccine phòng dịch bệnh để tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi”.

 

Trước nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, ông Nguyễn Văn Long yêu cầu các địa phương cần tổ chức thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ngay sau khi mưa, lũ giảm. Các địa phương tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho gia súc, gia cầm; giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm…

Hình ảnh còn lại của một trại gà 80.000 con tại huyện Đông Anh, Hà Nội sau khi bị nước lũ lên cao

 

Trong ngày 9/9/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có công văn gửi các ngân hàng (NH) và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố phía Bắc về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.

 

Theo đó, NHNN yêu cầu Chủ tịch, Tổng Giám đốc các NH chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành. Các NH thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và theo cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

 

TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho hay, “Mỗi lần bị thiên tai, bão lũ thì ngành nông-lâm nghiệp, thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cơ sở vật chất như chuồng trại, lồng bè bị thổi bay hay cây trồng, con giống bị cuốn trôi, ngập úng lâu sẽ hư hỏng… Nhiều hộ chăn nuôi hoàn toàn bị trắng tay và không còn gì để đảm bảo cho đời sống. Bản thân nhiều doanh nghiệp cũng dễ rơi vào cảnh nợ nần, túng thiếu khi nhiều tài sản bị mất đi. Để giúp các doanh nghiệp sớm khôi phục lại hoạt động thì việc chung tay hỗ trợ của người dân cả nước và Chính phủ là điều cực kỳ cần thiết và đáng quý”.

 

TS. Nguyễn Xuân Dương cho rằng, “Không chỉ thiệt hại trong cơn bão mà các doanh nghiệp đang rất cần hỗ trợ để nhanh chóng khôi phục lại sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn đối với ngành chăn nuôi, sau bão lũ thiên tai thì dịch bệnh dễ xảy ra. Để khôi phục hoạt động các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi cần sửa chữa chuồng trại, mua lại con giống và phòng chống dịch bệnh. Trong đó, riêng việc phòng chống dịch bệnh cũng tốn nhiều chi phí, từ tiêu độc, khử trùng chuồng trại đến môi trường xung quanh… Vì vậy, ngoài việc xem xét khoanh nợ, giãn nợ thì các NH có thể xem xét cho các DN được vay vốn với lãi suất ưu đãi nếu có nhu cầu”.

 

Hướng dẫn tái đàn, khôi phục sản xuất

 

Theo Bộ NN&PTNT, để chuẩn bị cho tái đàn, khôi phục sản xuất, người chăn nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch; tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine theo quy định. Không tái đàn khi chưa đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh.

 

Thức ăn, nước uống: Sau bão, lũ lụt, nguồn thức ăn, nước uống cho gia súc, gia cầm có thể bị lũ cuốn trôi, hư hỏng, đồng cỏ bị ô nhiễm do mầm bệnh từ nơi khác đến, bùn đất nổi lên bám vào cây trồng, sức khỏe của đàn vật nuôi giảm sút. Do vậy, vật nuôi cần được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, không bị bỏ đói, không cho ăn những loại thức ăn bị mốc, kém chất lượng. Đối với gia súc già yếu và gia súc non cần có chế độ chăm sóc đặc biệt như tăng cường các loại thức ăn bổ sung và các loại thức ăn giàu dinh dưỡng khác nhằm tăng cường quá trình hồi phục. Nước uống phải sạch và đầy đủ.

Đau xót hình ảnh đàn trâu bị chết do chập điện khi nước lũ lên cao

 

Vệ sinh môi trường: Khi nước rút phải thực hiện vệ sinh, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất và tiêu độc khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi. Chính quyền và các cơ quan chuyên môn các cấp tổ chức tổng vệ sinh, thu gom xác động vật chết để xử lý, sát trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị bão, lũ ngập để tổng tẩy uế môi trường, tiêu diệt các loại mầm bệnh.

 

Quản lý vật nuôi: Thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc đàn vật nuôi; tuyệt đối không chăn thả vật nuôi ở những khu vực bị ô nhiễm; chủ động triển khai công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp vật nuôi mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục…

 

Tuyên truyền, hướng dẫn chủ vật nuôi báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y để điều tra, xử lý ổ dịch theo đúng quy định; không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết, không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường.

Một trang trại gà bị xóa sổ vì nước lũ dâng cao

 

Tăng cường cán bộ về các thôn, xã cùng với lực lượng thú y cơ sở kiểm tra các cơ sở chăn nuôi để hướng dẫn người dân chôn lấp, tiêu hủy gia súc, gia cầm bị chết do bão, lũ. Tổ chức vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc, khử trùng ở những vùng trũng, ngập lụt kéo dài, vùng có nguy cơ cao…; đồng thời tiếp tục triển khai tiêm phòng định kỳ đến tận các thôn, xóm, hộ chăn nuôi.

 

Hà Ngân

Trên mạng xã hội, không hiếm hình ảnh những đàn gà, đàn lợn bì bõm trong nước, đậu trên mái nhà hoặc chết nổi…; chuồng trại tan hoang, ngập nước và những giọt nước mắt của người chăn nuôi đã khiến cho cả cộng đồng không khỏi xót xa. Nhưng trong bão, lũ cũng thấy sự tương trợ của các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp trong việc di dời đàn vật nuôi ra khỏi nơi nguy hiểm, giải cứu gia súc, gia cầm… Có những doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi đã nhanh chóng hỗ trợ 200 đồng/kg đối với tất cả sản phẩm từ ngày 10-16/9/2024, trừ trực tiếp trên hoá đơn; hay những đại lý bán hàng thuốc thú y phi lợi nhuận, để đồng hành cùng các trang trại chăn nuôi sau bão…

Người chăn nuôi tại Đông Anh được chính quyền tham gia di dời vật nuôi khỏi nơi vị ngập nước

Lượt xem: 2
Nguồn:nhachannuoi.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật