Chăn nuôi gia cầm Thế giới: Triển vọng và thách thức

Do lợi thế thấp hơn về giá thành sản xuất và giá bán cho người tiêu dùng; lại có lợi thế hơn hẳn các loại thịt khác: một đơn vị sản lượng thịt gia cầm tiêu thụ ít nước ngọt nhất, phát thải khí nhà kính thấp nhất; mức độ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cao… Việc tăng sản xuất thịt gia cầm là ưu tiên mà các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển lựa chọn để thay thế dần một phần thịt lợn.

Thịt gia cầm là lựa chọn để thay thế dần một phần thịt lợn

 

Mỹ

 

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Mỹ sẽ được hưởng lợi từ đà tăng trưởng mạnh hơn mức dự kiến nếu như suy thoái toàn cầu ở mức vừa phải. Tuy nhiên, bão suy thoái toàn cầu 2023 đã khiến nền kinh tế Mỹ không diễn biến như kỳ vọng, từ đó chưa tạo động lực tăng trưởng cho các hãng gia cầm trong lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ ẩm thực.

 

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vẫn dự báo sản lượng gia cầm của Mỹ đạt kỷ lục 21,4 triệu tấn vào năm 2024, tăng 1% so với năm 2023. Trước đó, Rabobank cũng lưu ý rằng sản xuất gia cầm của Mỹ sẽ giảm tốc trong mùa hè năm 2023, thắt chặt hơn vào mùa thu nhưng dự kiến tăng trưởng trở lại vào những tháng đầu năm 2024.

 

Theo USDA, lượng thịt gà đông lạnh tồn kho tại thị trường này bắt đầu giảm vào tháng 7/2023 nhưng vẫn cao hơn mọi năm. Trong khi đó, tồn kho đùi gà góc tư và cánh gà lại ở mức thấp lịch kỷ lục. USDA dự báo xuất khẩu thịt gà của Mỹ sẽ tăng 1% trong năm 2024 do nhu cầu tiêu thụ tại Mexico và Canada tăng cao hơn. 

 

Brazil

 

Giá thức ăn chăn nuôi thấp hơn đã tạo lực đẩy cho ngành chăn nuôi gia cầm của Brazil trong 6 tháng đầu năm 2023, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành. Tuy nhiên, việc mở rộng sản xuất để tăng sản lượng lại ảnh hưởng dến lợi nhuận chung. Dù vậy, ngành gia cầm Brazil năm 2023 vẫn được coi là những mảng màu sáng trong bức tranh gia cầm toàn cầu. Trong tháng 8/2023, giá gà sống của Brazil đã tăng 8% so với tháng trước đó. Theo USDA, tổng sản lượng thịt gia cầm của Brazil năm 2023 tăng 4-5%, tạo đà vững chắc cho tăng trưởng trong năm 2024. Mức tiêu thụ bình quân đầu người tại nước này cũng cao hơn 1,5%. 

 

Germano Eichner, Giám đốc điều hành Phytobiotics Brazil, dự báo sản lượng thịt gà Brazil tăng 2-3%/năm trong vòng 5 năm tới nhưng sẽ đối mặt một vài thách thức. Dù giá ngũ cốc hạ nhiệt, nhưng giá thịt gà cũng giảm, đồng nghĩa nhiều công ty gia cầm thua lỗ liên tiếp trong năm 2023. Cùng với thách thức duy trì lợi nhuận, các hãng gia cầm Brazil trong năm tới sẽ phải nỗ lực phát triển nhiều sản phẩm chế biến sâu, tốt cho sức khỏe như thịt gà ít béo và trứng giàu chất dinh dưỡng hơn. 

 

Xuất khẩu thịt gia cầm của Brazil trong năm 2023 chứng kiến sụt giảm ở một số thị trường nhưng lại tăng mạnh ở thị trường khác với tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2023 tăng 5,5%. Theo Hiệp hội Protein động vật Brazil (ABPA), xuất khẩu gia cầm trong 9 tháng đầu năm 2023 tăng 6,5% khối lượng và 2,8% giá trị. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng này, xuất khẩu cuối năm sẽ vượt 5 triệu tấn. Xuất khẩu gia cầm năm 2024 của Brazil được dự báo triển vọng tích cực nhờ tiếp cận được nhiều thị trường mới trong năm 2023 như Algeria và Ai Cập. 

 

Mexico

 

Theo thống kê, khối lượng tiêu thụ thịt gia cầm tại Mexico đã tăng 2% trong năm 2023, trong đó sản phẩm gia cầm nguyên con đông lạnh và đùi góc tư đạt doanh số cao hơn thịt ức. Về xuất khẩu, khối lượng của năm 2024 sẽ tương tự năm 2023 với dự kiến 5.000 tấn. 

 

USDA tin rằng sản lượng thịt gia cầm của Mexico có thể đạt 3,9 triệu tấn vào năm 2024, tăng 2% so với năm 2023. Cơ quan này cũng dự báo sản lượng thịt gà của Mexico sẽ tăng vọt trong những tháng đầu năm 2024. Mặc dù tốc độ tăng trưởng của ngành gia cầm Mexico chững lại trong quý IV năm 2023, nhưng sản lượng vẫn đạt kỷ lục 33.000 tấn vào tháng 7/2023, tăng 4,3% so với cùng kỳ 2022 (theo Rabobank). Chi phí thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt cũng góp phần cải thiện năng suất chăn nuôi gia cầm của Mexico trong năm 2024. Tuy nhiên, đại dịch Cúm gia cầm HPAI vẫn là một thách thức lớn. 

Dự báo sản lượng thịt gia cầm toàn cầu sẽ tăng 1% vào năm 2024, đạt 103,3 triệu tấn

 

Châu Âu 

 

Triển vọng của ngành công nghiệp gia cầm châu Âu vẫn tích cực; tuy nhiên, lĩnh vực này sẽ tiếp tục chịu tác động của chính sách nhập khẩu không giới hạn từ Ukraine (theo Rabobank). USDA ước tính thị trường gia cầm châu Âu đã tăng trưởng 1,8% trong năm 2023 và giảm xuống 0,8% vào năm 2024. Trước đó, Ủy ban châu Âu đưa ra mức tăng trưởng cho năm 2024 là 1,7%. Thị trường sẽ tiếp tục được chi phối bởi giá cả do tăng trưởng GDP ở châu Âu đang chậm lại và lạm phát tiêu dùng tương đối cao. Tuy nhiên, điều này đang thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thịt gà có giá rẻ hơn các loại thịt khác. 

 

Theo Hiệp hội Gia cầm châu Âu (AVEC), lượng nhập khẩu gia cầm vào châu Âu tăng kỷ lục vào năm 2022 và kéo dài sang những tháng đầu năm 2023. Châu Âu vẫn duy trì chính sách nhập khẩu thịt gà không giới hạn từ Ukraine đến tháng 6/2024. Do đó, các hãng gia cầm của châu Âu sẽ phải gồng sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Ukraine cho tới giữa năm 2024. Dù vậy, giá thịt gà của châu Âu vẫn duy trì trên mức trung bình lịch sử trong tương lai gần. 

 

Nam Phi 

 

Hiệp hội Gia cầm Nam Phi (SAPA) cho biết giá thịt gà đã giảm mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023. Trong đó, giá gà cắt khúc cấp đông nhanh (IQF) sẽ tiếp tục giảm cho đến quý II/2024 sau đó sẽ tăng trở lại. Thịt gà đông lạnh chiếm tỷ trọng 80% trong cơ cấu mặt hàng gia cầm của Nam Phi với giá bán được dự báo tương đương năm 2023. Trong khi đó giá thịt gà tươi có thể giảm trong các tháng đầu năm 2024 và tăng trở lại mức tương đương cùng kỳ 2023. Sản xuất gia cầm Nam Phi được kỳ vọng nhiều tín hiệu tích cực trong năm 2024 nhờ chính sách cắt giảm xuất khẩu. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất phía trước vẫn là suy thoái kinh tế, cạnh tranh gay gắt và công nghệ nuôi. 

 

Rabobank dự báo triển vọng sản xuất gia cầm của Nam Phi vẫn tích cực bất chấp khó khăn đang diễn ra. Các trại chăn nuôi gia cầm tại Nam Phi đang đối mặt tình trạng thiếu điện, giá thức ăn chăn nuôi đắt đỏ và nhập khẩu tăng. Sản lượng gia cầm giảm 3% trong nửa đầu năm 2023 trong khi nhập khẩu tăng 4%. Biên lợi nhuận của các hãng gia cầm, do đó, bị bóp nghẹt, khiến nhiều trại buộc phải tìm cách cắt giảm chi phí. 

 

Trung Quốc 

 

Theo Rabobank, triển vọng của ngành gia cầm Trung Quốc chưa chắc chắn nhưng nhu cầu tiêu thụ cùng tốc độ sản xuất đang có dấu hiệu cải thiện tích cực. Tính đến tháng 10/2023, đa số hãng gia cầm đều thu lãi. Trong những tháng cuối năm 2023, chuỗi cung ứng phải đối mặt nhiều trở ngại hơn do sản lượng sụt giảm.

 

USDA dự báo, sản lượng gà lông trắng và lông màu của Trung Quốc giảm 3%, đạt 13,9 triệu tấn vào năm 2024. Cùng đó, xuất khẩu gia cầm của Trung Quốc cũng giảm do nhu cầu trên thị trường toàn cầu suy yếu hơn. 

 

Thái Lan 

 

Triển vọng của ngành gia cầm Thái Lan kém lạc quan kể từ năm 2022. Khối lượng xuất khẩu có thể tăng, nhưng thị trường thịt gà chế biến giá trị gia tăng sẽ gặp thách thức do doanh số bán hàng tại các kênh dịch vụ ẩm thực trên toàn cầu tăng trưởng thấp. 

 

Ngành gia cầm Thái Lan từng có một vài năm phát triển mạnh mẽ nhờ nhu cầu tiêu thụ nội địa và giá cả tăng cao. Tuy nhiên, giá thịt heo và hải sản đã giảm, trong khi giá thịt gia cầm vẫn tương đối cao. Do đó, ngành gia cầm Thái Lan khó tăng trưởng mạnh trong năm 2024, nhất là khi ngành chăn nuôi heo liên tục phục hồi và giá thủy sản như tôm, cá rất rẻ. 

 

Tổng khối lượng xuất khẩu gia cầm của Thái Lan đạt kỷ lục trong nửa đầu năm 2023, tăng 12% nhưng riêng xuất khẩu gia cầm chế biến giá trị gia tăng lại giảm mạnh và tiếp tục đối mặt khó khăn trong năm 2024. 

 

Việt Nam

 

Năm 2023, chăn nuôi gia cầm vẫn duy trì được đà tăng trưởng tương đối cao (từ 4-5%) đối với tất cả các mặt hàng từ gà màu, gà công nghiệp lông trắng, vịt và trứng gia cầm; một số doanh nghiệp trong nước đã làm chủ trong việc tự nghiên cứu và sản xuất được nhiều bộ giống gà lông màu có năng suất, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, kiểm soát tốt dịch bệnh, đặc biệt là dịch cúm gia cầm.

 

Lượng xuất khẩu thịt gia cầm đã qua giết mổ của Việt Nam đạt 4.634 tấn trong năm 2023. Sản phẩm xuất khẩu từ gia cầm chủ yếu từ chân gà, cánh gà… Gia cầm đã qua giết mổ của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, Papua New Guinea, Hồng Kông, Cam puchia. Đàn gia cầm đạt 558,9 triệu con, tăng 3,3% so với cùng thời điểm 2022. Sản lượng thịt gia cầm thịt gia cầm hơi đạt 2,31 triệu tấn, tăng 6,0%.

 

Trong năm 2023, giá các nguyên liệu TACN chính đều giảm so với năm 2022. Tuy nhiên, giá TACN hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn và gia cầm cả năm 2023 vẫn cao hơn 0,7-3,5% so với năm 2022 và cao hơn 44,8% so với trước dịch Covid-19. Nguyên nhân chủ yếu do giá TACN hoàn chỉnh chỉ được điều chỉnh giảm giá kể từ tháng 6/2023.

 

Quỳnh Chi

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) dự đoán: Thập niên 2015-2025 là thập niên của sản xuất thịt gia cầm, lần đầu tiên trong lịch sử ngành sản xuất thịt thế giới “Sản lượng thịt gia cầm toàn cầu đang đuổi kịp và vượt sản lượng thịt lợn”.

 

Sản xuất thịt gia cầm toàn cầu tiếp tục tốc độ tăng cao hơn so với thịt lợn và thịt trâu bò. Tới năm 2020 sản lượng thịt gia cầm toàn cầu sẽ đạt tương đương sản lượng thịt lợn và tới năm 2025, sẽ vượt sản lượng của thịt lợn 254.000 tấn.

Lượt xem: 2
Nguồn:nhachannuoi.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật