Xây dựng ngành chăn nuôi 2024: Tự chủ và hiệu quả
Chăn nuôi năm 2023 khép lại với nhiều khó khăn. Xây dựng ngành hàng chăn nuôi theo hướng tự chủ, hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng, năng suất, chất lượng và phát triển bền vững là một bài toán không dễ với ngành chăn nuôi năm 2024.
Hội nghị tổng kết công tác 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 của Cục Chăn nuôi
Tăng trưởng bất chấp khó khăn
Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), năm 2023, giá trị tăng trưởng của ngành chăn nuôi ước đạt 5,72%; đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp. Cuối năm 2023, ước tính tổng số đàn lợn đạt 26,3 triệu con (chưa tính khoảng hơn 4 triệu lợn con theo mẹ); đàn trâu 2,2 triệu con; đàn bò 6,4 triệu con; đàn gia cầm 558,9 triệu con. Sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,79 triệu tấn, tăng 6,38% so với năm 2022; trong đó thịt lợn hơi 4,87 triệu tấn, tăng 7,2%; thịt gia cầm hơi đạt 2,31 triệu tấn, tăng 6,0%; thịt trâu 120,4 nghìn tấn, tăng 0,2%; thịt bò 493,2 nghìn tấn, tăng 2,5%. Sản lượng sữa tươi 1,17 triệu tấn, tăng 3,6%; trứng 19,2 tỷ quả, tăng 5,2%. Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi 20 triệu tấn, giảm 2,4%. Năm 2023, cả nước có 12.349 trang trại chăn nuôi, chiếm 62,8% (trong tổng số 19.660 trang trại nông nghiệp) có 4.882 trang trại và hộ chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAP.
Cũng trong năm 2023, Việt Nam ước nhập khoảng 116.000 nghìn tấn thịt lợn (chiếm 3% tổng tiêu thụ thịt lợn trong nước); 239,7 nghìn tấn thịt gia cầm (chiếm 11,8%); 192,3 nghìn tấn thịt trâu, bò (chiếm 37,5% tổng tiêu thụ thịt trâu, bò trong nước). Tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2023 đạt 3,53 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm 2022. Tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi năm 2023 đạt 515 triệu USD, tăng 26,2% so với năm 2022. Tổng giá trị nhập khẩu TĂCN ước đạt ~ 5 tỷ USD, giảm 10,8 % so với năm 2022.
Tại “Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024” của Cục Chăn nuôi, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, mặc dù chịu nhiều áp lực về giá TĂCN, giá sản phẩm chăn nuôi thiếu ổn định và áp lực cạnh tranh từ sản phẩm nhập khẩu, nhập lậu… nhưng đàn vật nuôi vẫn được duy trì ổn định; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt hơn.
“Số liệu thống kê các tháng từ đầu năm đến thời điểm hiện tại cho thấy, giá lợn hơi xuất chuồng năm 2023 luôn thấp hơn giá năm 2022, nhiều thời điểm nông dân chăn nuôi lợn thua lỗ. Tuy vậy, chăn nuôi lợn vẫn có kết quả tích cực dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá lợn hơi thấp, chi phí đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học và phòng dịch cao, giá TĂCN theo xu hướng giảm nhưng chưa đáng kể và vẫn còn ở mức cao”, ông Đăng chia sẻ.
Chăn nuôi 2023: Nhìn thẳng vào sự thật…
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam nhận định, ngành chăn nuôi năm 2023 có 4 “điểm sáng”. Đó là, mặc dù khủng hoảng toàn cầu nhưng vẫn duy trì tăng trưởng, nhiều ngành hàng tăng trưởng dương; xu thế chăn nuôi quy mô lớn và công nghệ cao ngày càng phát triển tích cực; tuy số lượng chưa nhiều nhưng tỷ lệ xuất khẩu tăng trưởng cao; đã kiểm soát khá tốt một số dịch bệnh, đặc biệt là Cúm gia cầm.
Tuy nhiên, 3 “điểm tối” còn tồn tại đó là, mặc dù tăng trưởng đầu con nhưng giá trị gia tăng của một số ngành hàng khá thấp, thậm chí nhiều con nuôi còn lỗ; có xu hướng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lớn với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; nhập siêu về một số sản phẩm chăn nuôi có xu hướng gia tăng như thịt lợn, thịt gia cầm.
“Cục Chăn nuôi cần có phương án điều tiết để tất cả cùng đi một con đường, nếu không chỉ vài năm tới chỉ còn các doanh nghiệp FDI kiểm soát”, ông Sơn khuyến nghị. Ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Chủ tịch Hiệp hội TĂCN cho biết, năm 2023, giá TĂCN đã giảm hơn 1.000 đồng/kg; thiên tai, lũ lụt ít ảnh hưởng hơn năm ngoái, thuận lợi cho ngành phát triển. Tuy nhiên, những khó khăn do Covid-19, xung đột giữa các quốc gia, vấn đề việc làm, khủng hoảng kinh tế khiến thu nhập bị ảnh hưởng, đến sức tiêu thụ, đến ngành hàng chăn nuôi, giá thấp nên nhiều doanh nghiệp lỗ.
Theo ông Tuế, chăn nuôi 2023 phát triển tốt thể hiện ở những con số trong báo cáo quan trọng nhất chúng ta đã hình thành được vùng chăn nuôi tập trung và chăn nuôi công nghiệp. Không những các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI mà nhiều doanh nghiệp tư nhân đều chuyển dịch sang chăn nuôi công nghiệp. Đấy là thành quả trong công tác chỉ đạo, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển. Đáng chú ý, Cục đã phối hợp với Bộ Tài chính tạo điều kiện cho thuế nhập khẩu thức ăn về 0, tạo thuận lợi để giảm chi phí thức ăn (chiếm 70-80% giá thành chăn nuôi gia súc, gia cầm).
Còn theo ông Lê Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Emivest Việt Nam, phải nhìn thẳng vào sự thật và nói thật, “Năm 2023, hầu hết các sản phẩm gia súc, gia cầm, thủy sản nước ngọt đều thua lỗ”. Tình trạng thua lỗ này là hậu quả của nhiều nguyên nhân. Trước hết, giá bán thấp do sức mua yếu. Chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng điều này thể hiện trong cuộc sống hàng ngày và từ phản ánh của người bán hàng.
Sau dịch Covid-19, tình hình tiêu thụ có tốt lên nhưng không kéo dài. Tình hình hiện nay còn kém hơn thời điểm hết dịch. Năm 2023, giá bắp và bã đậu nành giảm nên giá thức ăn gia súc, gia cầm đã giảm nhiều lần, với tổng cộng hơn 1.000 đồng/kg, nhưng vẫn còn quá cao so với năm 2019. Giá cám thủy sản chưa giảm do nguyên liệu chính là bột cá vẫn còn cao. Là phần đóng góp lớn nhất trong cơ cấu giá thành, khi giá TĂCN chưa giảm hoặc giảm ít thì giá thành các sản phẩm chăn nuôi khó mà giảm được. Các chi phí khác lại tăng, trong đó điển hình là tiền điện.
Tình hình Dịch tả lợn châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhiều trại phải bán sớm, khối lượng vật nuôi số lượng nhiều với giá rất thê thảm, làm cho giá bán bình quân thấp.
Tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm gia tăng trong thời gian gần đây làm mất cân đối cung cầu thêm trầm trọng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến giá bán trong nước mà còn làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và mất an toàn thực phẩm cho con người.
”Lãi suất ngân hàng có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Nguy hiểm hơn, các công ty, hộ kinh doanh có kết quả kinh doanh xấu, vi phạm các quy định cho vay của ngân hàng. Vì thế, ngân hàng không cho tái vay hoặc được tái vay với hạn mức thấp hơn. Doanh nghiệp, người dân càng thêm khó”, ông Phương nói.
Nhận định chăn nuôi 2024
Theo đánh giá của ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, ngành chăn nuôi tiếp tục nhận được sự quan tâm của Trung ương, địa phương và thường xuyên có sự phối hợp và thống nhất cao trong chỉ đạo; việc kiểm soát dịch bệnh, ổn định thị trường, kiểm tra an toàn thực phẩm và thực phẩm nhập khẩu cũng như tình trạng nhập lậu qua biên giới được tăng cường triển khai.
Tuy nhiên, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao; thông tin, tuyên truyền chưa thực sự sát với thực tế.
Vấn đề toàn cầu hóa về thị trường, hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới thông qua 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký và 02 hiệp định còn đang trong giai đoạn đàm phán. Trong đó, khu vực CPTTP và EVFTA đều là những nước có không gian chăn nuôi lớn, sẽ gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Cạnh tranh ngày càng lớn về giá, về chất lượng, đa dạng sản phẩm trước bối cảnh sản phẩm chăn nuôi của Hoa Kỳ và châu Âu như thịt gà, thịt lợn xuất vào thị trường Việt Nam.
Theo ông Lê Thanh Phương, để nhận định cho câu trả lời ngành chăn nuôi 2024 ra sao, cần trả lời được những câu hỏi căn bản: Nhà nước đang nỗ lực vực dậy tình hình, nhiều công trình đầu tư công có vốn đầu tư khủng đã, đang và sẽ triển khai. Các đầu tư này sẽ làm động lực, lan toả ra sao để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng sức mua các loại hàng hoá? Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam phục hồi như thế nào? Hàng hoá xuất khẩu có tăng, dẫn đến tăng sức mua các loại hàng hoá, trong đó có nông nghiệp? Giá nguyên liệu TĂCN có giảm thêm, giá dầu sẽ ra sao để giá TĂCN giảm nữa? Việc phòng, chống nhập lậu gia súc, gia cầm có duy trì hiệu quả và thường xuyên để hỗ trợ chăn nuôi trong nước? Tình hình Dịch tả lợn châu Phi có tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm mới? Các doanh nghiệp chăn nuôi, người nuôi nhỏ lẻ thua lỗ, có bị buộc phải giảm quy mô hoặc ngưng? Nếu thế thì cung giảm, cầu có duy trì để giá có điều kiện tăng lên?
Hà Ngân
ÔNG PHÙNG ĐỨC TIẾN, THỨ TRƯỞNG BỘ NN&PTNT: Xây dựng ngành chăn nuôi tự chủ, cân đối
Ngành chăn nuôi tăng trưởng nhưng khả năng tiêu thụ thấp, đó là bài toán khó đặt ra cho ngành. Cùng với đó, cơ cấu ngành hàng chăn nuôi cần tăng đàn gia cầm, giảm đàn lợn để có sự cân đối. Đàn gia súc, gia cầm tăng trong khi sản lượng TĂCN công nghiệp giảm, cho thấy việc phát triển nguyên liệu trong nước đã chuyển biến, nhưng cần phải xây dựng ngành chăn nuôi tự chủ hơn. “Xuất khẩu chăn nuôi năm 2023 đạt trên 500 triệu USD, tăng trưởng 23% là tín hiệu rất tốt với hình ảnh khu vực đầu tư công nghệ cao, đã bắt nhịp vào các thị trường Nhật, Singapore… Các doanh nghiệp lớn không thể trông chờ vào thị trường 100 triệu dân được, phải xuất khẩu”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị trong khối chăn nuôi căn cứ chức năng, nhiệm vụ cần đẩy mạnh việc phối hợp với các đơn vị liên quan và địa phương thực hiện đồng bộ, tích cực, trách nhiệm và hiệu quả một số nhiệm vụ cụ thể như, tiếp tục triển khai tái cơ cấu ngành chăn nuôi, quyết tâm thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Trong quá trình triển khai vướng chỗ nào thì cần báo cáo để lãnh đạo Bộ tháo gỡ khó khăn và cùng chia sẻ. Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị cần tăng cường sự phối hợp, đặc biệt phải chủ động tổ chức sản xuất, không được ngồi chờ, “Bộ đã giao nhiệm vụ quản lý nhà nước cho rồi thì không được làm đối phó, nửa vời, phải làm thực chất, có kết quả, hiệu quả”.
“Lĩnh vực khoa học công nghệ, giống gốc, chương trình giống… các đơn vị được giao nhiệm vụ phải thay mặt Bộ để thẩm định, kiểm soát chặt chẽ vấn đề về giống. Các đề án nghiên cứu khoa học còn nợ, chưa đảm bảo chất lượng yêu cầu đề ra, phải đẩy nhanh tiến độ vì sắp hết thời hạn”.
Thứ trưởng cho rằng, đây là năm đầy khó khăn nhưng Cục Chăn nuôi và các cơ quan liên quan đã phối hợp để làm tốt, duy trì đà tăng trưởng, tuy giá cả chưa được như mong muốn. “Cục Chăn nuôi cần nhìn lại, cái gì chưa làm được thì bàn cách cải thiện. Năm 2024, Cục Chăn nuôi cần phát huy tinh thần chuyển đổi số và tiên phong, bứt phá để thực hiện Chiến lược chăn nuôi, khẳng định vị trí của ngành chăn nuôi, Cục Chăn nuôi trong nông nghiệp”, Thứ trưởng khẳng định.