Bình Định: Tuy Phước xây dựng nhóm cùng sở thích chăn nuôi bò thịt

Huyện Tuy Phước (Bình Định) có tổng đàn bò trên 15.000 con, trong đó 2 xã Phước An và Phước Thành là những địa phương phát triển mạnh chăn nuôi bò. Đàn bò hiện có ở 2 xã này chiếm 1/3 tổng đàn toàn huyện, hằng năm cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 con bê giống và 1.000 con bò thịt. Mặc dù quy mô chăn nuôi lớn nhưng hiệu quả chăn nuôi bò chưa cao do kiến thức chăn nuôi bò cái nền của các hộ không đồng đều, nhiều hộ nuôi bò theo cách thức cũ, lạc hậu, chất lượng, sản phẩm bê, bò thịt còn thấp. Việc tiêu thụ sản phẩm qua nhiều khâu trung gian đã ảnh hưởng đến tiền lãi của người nuôi bò.

Mô hình nuôi bò thịt chất lượng cao của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hòa luôn duy trì trên 10 con bò trong chuồng. Ảnh: MỘC MIÊN

 

Để khắc phục những hạn chế trên, từ năm 2020 – 2022, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã triển khai mô hình Xây dựng nhóm cùng sở thích chăn nuôi bò thịt đủ điều kiện sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Bò thịt chất lượng cao Bình Định tại xã Phước An và tiếp tục mở rộng tại xã Phước Thành trong năm 2023.

Tham gia mô hình có 8 hộ nông dân nuôi bò thịt ở 2 thôn Bình An 1 và Bình An 2 (xã Phước Thành). Mỗi hộ nuôi 5 con bò thịt chất lượng cao thuộc nhóm bò Brahman, Red Angus, BBB, Charolais; được Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí mua thức ăn, máy băm cỏ, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình chăn nuôi, mở sổ theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng phát triển.

Qua 8 tháng triển khai, mô hình đạt các chỉ tiêu theo yêu cầu. Các giống bò thịt tăng trọng bình quân 820 – 980 gam/ngày/con; lợi nhuận bình quân đạt 9,7 triệu đồng/con. Ông Nguyễn Văn Hòa, ở thôn Bình An 2, xã Phước Thành, cho biết: Tham gia mô hình, tôi học được nhiều kỹ thuật mới về chăn nuôi bò thịt như cách phối trộn thức ăn, chia khẩu phần ăn cho bò, bổ sung thức ăn thô xanh, thức ăn ủ chua để kích thích tiêu hóa… Phương pháp mới này giúp tiết kiệm thời gian, ít tốn công mà bò lớn nhanh hơn. Vừa rồi gia đình đã xuất bán 3 con bò thịt trong mô hình, thu lãi bình quân 12 triệu đồng/con. Nhận thấy việc chăn nuôi theo mô hình này khá hiệu quả, gia đình đã mua thêm 6 con bò nữa để tái đàn.

Ông Cao Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết: Việc nâng cao hiệu quả kinh tế của chăn nuôi không chỉ nằm ở vấn đề về cải tạo, nâng cao sản lượng, chất lượng đàn bò địa phương, mà còn phụ thuộc khá nhiều ở khâu tiêu thụ sản phẩm. Chính vì thế mô hình này giúp người chăn nuôi nâng cao năng lực kỹ thuật, quản lý, đáp ứng tiêu chí sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Bò thịt chất lượng cao Bình Định. Đến nay, Sở NN&PTNN cấp chứng nhận nhãn hiệu Bò thịt chất lượng cao Bình Định cho 37 hộ tham gia nhóm cùng sở thích chăn nuôi bò thịt đủ điều kiện Phước An và Phước Thành. Chứng nhận này là cơ sở để truy xuất nguồn gốc, giúp người chăn nuôi gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế từ phong trào nuôi bò thịt chất lượng cao.

 

MỘC MIÊN

Nguồn: Báo Bình Định

Lượt xem: 6
Nguồn:nhachannuoi.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật