Giảm protein thô trong khẩu phần ăn giúp tăng cường hiệu quả chăn nuôi gia cầm

Giảm chi phí thức ăn, giảm ô nhiễm môi trường và cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi để kích thích tăng trưởng đã thúc đẩy các nhà dinh dưỡng gia cầm tìm cách nâng cao hiệu quả sản xuất, bằng cách xây dựng chế độ ăn uống tối ưu về dinh dưỡng và hiệu quả về kinh tế. Trong vài thập kỷ qua, nhiều nghiên cứu thực tế đã chứng minh được những lợi ích mà chế độ ăn thấp đạm kết hợp với bổ sung axit amin thiết yếu mang lại cho người chăn nuôi gia cầm như:

  • Tiết kiệm chi phí thức ăn.
  • Cải thiện sức khỏe đường ruột, giảm nguy cơ các vấn đề liên quan đến tiêu hóa và viêm ruột hoại tử.
  • Cải thiện khả năng tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng.
  • Giảm bài thải nitơ và khí thải amoniac.
  • Giảm lượng nước uống, giảm độ ẩm chất độn chuồng.
  • Giảm stress nhiệt.

Tiết kiệm chi phí thức ăn

Theo tác giả Nguyễn Duy Hoan, chi phí sản xuất 1kg thịt gà của Việt Nam chiếm khoảng 70% tổng chi phí [1], trong đó đạm là chất dinh dưỡng đắt thứ 2 sau năng lượng, nó chiếm khoảng 20 -25 % chi phí của nguyên liệu thức ăn. Tuy nhiên, chi phí nguyên liệu thức ăn ngày càng tăng, do sự cạnh tranh nguồn thức ăn với con người, đặc biệt là nguồn protein, đã và đang trở thành một vấn đề lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí chăn nuôi. Do đó, sự quan tâm tới việc cho gia cầm ăn khẩu phần ăn giảm đạm thô đã tăng lên trong những năm gần đây. Sử dụng khái niệm protein lý tưởng, giảm lượng đạm thô kết hợp với việc bổ sung axit amin cần thiết trong khẩu phần ăn của gà, nhà chăn nuôi có thể tiết kiệm chi phí đáng kể.

Cụ thể như, nhà chăn nuôi có thể tiết kiệm 5 USD cho mỗi tấn thức ăn, bằng cách giảm mức đạm trong chế độ ăn của gà tây xuống 1% [2]. Thêm vào đó, tính toán dựa vào một nghiên cứu khác của Van Harn, khẩu phần ăn giảm 3% đạm thô kết hợp với việc cân đối các axit amin đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn khẩu phần ăn cơ bản, với mức lợi nhuận thu được 0.106$/gà [3].

Nâng cao hiệu suất chăn nuôi

Dinh dưỡng đạm trong thức ăn chăn nuôi gia cầm là một chỉ số dinh dưỡng quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sản xuất và chất lượng sản phẩm gia cầm. Thực chất, dinh dưỡng đạm chính là dinh dưỡng axit amin, bởi axit amin là thành phần cấu tạo cơ bản của đạm (điều này có nghĩa là vật nuôi không thể hấp thụ đạm trực tiếp từ thức ăn mà phải biến dưỡng thành axit amin để hấp thụ). Một số nghiên cứu cho thấy, hệ số FCR (tỷ lệ chuyển đổi thức ăn) đã giảm trên gà thịt được nuôi với khẩu phần giảm từ 2 – 3% đạm thô, kết hợp bổ sung axit amin cần thiết để duy trì tỷ lệ axit amin lý tưởng.

Theo đó, trong một nghiên cứu trên gà thịt của trường đại học Hannover thì khẩu phần giảm 2% đạm thô kết hợp với việc cân đối axit amin giúp tăng 6% trọng lượng và giảm 4% FCR so với khẩu phần ăn đối chứng ở tuần thứ 5 của thí nghiệm [4].

Cải thiện sức khỏe đường ruột, tăng khả năng tiêu hóa

Sức khỏe đường ruột đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng của động vật, có liên quan mật thiết đến các vấn đề dinh dưỡng, hệ vi sinh vật, hệ miễn dịch và sinh lý vật nuôi. Khi sức khỏe đường ruột bị tổn hại, quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng sẽ bị ảnh hưởng, từ đó sẽ có tác động bất lợi đến việc chuyển đổi thức ăn, và sức khỏe của gia cầm.

Lấy ví dụ cụ thể ở gà, chế độ dinh dưỡng đạm cao có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe đường ruột và khả năng tiêu hóa [5,6]. Nguyên nhân là do phần đạm không được tiêu hóa trong ruột non có khả năng bị lên men bởi vi khuẩn gây thối rữa trong manh tràng. Quá trình này, sẽ tạo ra nhiều hợp chất độc hại như amines, indoles, phenols, cresol và ammonia. Ở nồng độ cao, những chất này có thể tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng và hiệu suất chăn nuôi của gà [6]. Do vậy, việc giảm hàm lượng đạm thô trong khẩu phần ăn, giúp giảm sản sinh những chất độc hại được lên men từ đạm trong manh tràng, từ đó cải thiện sức khỏe đường ruột của vật nuôi.

Giảm độ ẩm chất độn chuồng, giảm các bệnh về da và sự bài tiết khí ni-tơ

Độ ẩm chất độn chuồng được coi là nguyên nhân chính gây ra những tổn thương bàn chân của gà thịt. Shepherd và Fairchild cũng đã báo cáo, tỷ lệ tổn thương bàn chân gà đã giảm với việc giảm hàm lượng đạm thô trong khẩu phần ăn [7]. Bên cạnh đó, độ ẩm của phân cũng là một trong những yếu tố chính góp phần vào hoạt động của vi sinh vật trong phân để chuyển hóa ni-tơ trong phân thành amoniac [8], một tác nhân gây ra các vấn đề môi trường phát sinh từ chăn nuôi công nghiệp [9]. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc giảm hàm lượng đạm thô trong khẩu phần đã giúp giảm độ ẩm chất độn chuồng cũng như sự bài tiết hàm lượng nitơ ra môi trường [10-12]. Việc giảm độ ẩm này có thể là do lượng nước uống vào và lượng nước thải ra thấp hơn bởi gà thịt được cho ăn chế độ ăn thấp đạm [13,14]. Francesch và Brufau cũng đã báo cáo, giảm nguồn đạm từ đậu nành trong khẩu phần ăn dẫn đến giảm lượng nước tiêu thụ nhờ việc giảm hàm lượng kali trong khẩu phần [15]. Cụ thể, một số nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng giảm 1% đạm thô trong khẩu phần ăn có thể giảm tới 3% lượng nước tiêu thụ [13,16] và giảm bài tiết ni-tơ khoảng 10% [17,18].

Giảm sản xuất nhiệt

Stress nhiệt là một vấn đề lớn khi gia cầm được nuôi trong điều kiện nhiệt độ cao ở vùng ôn đới hoặc khí hậu nhiệt đới [19] trong đó có Việt Nam. Khẩu phần ăn đạm sản sinh ra lượng nhiệt lớn hơn so với khẩu phần ăn carbohydrate hoặc chất béo [20]. Do vậy, khẩu phần ăn thấp đạm là một phương pháp giúp giảm sản xuất nhiệt trao đổi sản sinh trong quá trình chuyển hóa đạm [21].

Với gia cầm lấy thịt, stress nhiệt do khẩu phần ăn đạm cao sẽ gây bất lợi cho tăng trọng và hiệu quả sử dụng thức ăn [22]. Với gia cầm đẻ trứng, stress nhiệt có thể ảnh hưởng tới tỷ lệ đẻ, chất lượng vỏ trứng, tỷ lệ chết cùng nhiều chỉ số khác. Việc giảm đạm thô kết hợp bổ sung đầy đủ, cân đối axit amin thiết yếu trong chế độ ăn ở gia cầm bị stress nhiệt có thể cải thiện hiệu suất chăn nuôi [23-25].

 Những điều cần lưu ý khi xây dựng chế độ ăn thấp đạm kết hợp bổ sung axit amin cho gia cầm

Để giảm mức đạm thô trong thức ăn cho gia cầm, việc xác định được loại axit amin thiết yếu nào sẽ trở nên hạn chế trong khẩu phần ăn so với yêu cầu của gia cầm là cần thiết. Hàm lượng axit amin của đạm khác nhau giữa các loại nguyên liệu trong thức ăn chăn nuôi và có thể ảnh hưởng tới thứ tự giới hạn của các axit amin. Theo Corrent và Bartelt, Isoleucine trở thành axit amin giới hạn thứ 4 khi bột huyết được sử dụng trong công thức [26]. Trong khi đó Valine lại là axit amin giới hạn thứ 4 trong chế độ ăn dựa trên lúa mì hoặc ngô.

Tóm lại: việc xây dựng khẩu phần ăn giảm đạm thô kết hợp với việc bổ sung axit amin thiết yếu được coi là một phương pháp nhiều triển vọng để nâng cao hiệu xuất chăn nuôi gia cầm, mang lại lợi nhuận kinh tế cho người chăn nuôi cũng như giảm tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một tăng.

TS Nguyễn Đình Hải

CJ Bio Việt Nam

Lượt xem: 3
Nguồn:nhachannuoi.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật