Nông sản, thực phẩm Việt Nam đã hiện diện rõ hơn tại các chuỗi siêu thị lớn của Thụy Điển
Hiện nay, nhiều loại nông sản, thực phẩm của Việt Nam đã được các doanh nghiệp hội viên Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thuỵ Điển nhập khẩu và phân phối tại các chuỗi siêu thị lớn của Thụy Điển. Việc ưu tiên nhập khẩu và phân phối hàng hoá Việt sẽ là việc mà Hội tích cực triển khai thời gian tới nhằm góp phần tăng sự hiện diện của hàng Việt Nam tại thị trường này.
Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Diệp Văn Tỷ - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thuỵ Điển xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã có hiệu lực từ 1/8/2020, ông đánh giá gì về tiềm năng của hàng Việt Nam tại Thụy Điển? Đến nay, những mặt hàng nào được cho là lợi thế của Việt Nam tại thị trường này?
Ông Diệp Văn Tỷ - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thuỵ Điển |
Hiệp định EVFTA có hiệu lực là một cú hích cho hàng Việt Nam tại thị trường Thụy Điển do thuế nhập khẩu hầu hết các mặt hàng của Việt Nam được giảm trong thời gian ngắn, tạo sự cạnh tranh rõ rệt so với hàng của các nước khác, ví dụ như Thái Lan. Hiện nay, nông sản, thực phẩm là các mặt hàng lợi thế do thuế được giảm về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Một số mặt hàng được xuất sang thị trường Thụy Điển nhiều nhất là các sản phẩm được làm từ gạo như như bún, mì, phở...
Mặc dù có tiềm năng tương đối lớn nhưng hàng Việt Nam được nhận định vẫn chưa nắm bắt tốt cơ hội để hiện diện rõ nét ở thị trường Thụy Điển. Nguyên nhân của tình trạng này là gì?
Có một số yếu tố ảnh hưởng đến việc này. Thứ nhất, nhiều người tiêu dùng ở Thụy Điển đã quen với khẩu vị của các sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan và các nước khác khi mà hàng hóa Việt Nam chưa có mặt ở đây nhiều. Để thay đổi khẩu vị và thói quen của người tiêu dùng đối với các sản phẩm Việt Nam cần có thời gian. Thứ hai, lượng hàng hóa sản xuất ở Việt Nam phần lớn theo vụ mùa dẫn đến việc làm gián đoạn cung cấp nguồn hàng, giá cả không ổn định do khi đúng vụ mùa thì giá tốt nhưng khác vụ giá lại cao. Các nhà nhập khẩu rất khó để cân đối nguồn hàng cũng như giá cả bán ra trên thị trường và ảnh hưởng đến sự tiêu thụ từ phía người tiêu dùng. Thứ ba, chất lượng hàng xuất khẩu thực sự chưa ổn định.
EVFTA có hiệu lực được ví như con đường cao tốc dẫn hàng hoá Việt Nam vào châu Âu, trong đó có thị trường Bắc Âu. Sau khi thành lập, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển sẽ triển khai những giải pháp gì để góp phần giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Thuỵ Điển nói riêng và Bắc Âu nói chung chiếm lĩnh tốt hơn thị trường?
Hội Doanh nghiệp sẽ đóng vai trò làm cầu nối và hỗ trợ trong khả năng và phạm vi của mình để giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với thị trường Thụy Điển cũng như Bắc Âu. Đồng thời cung cấp các thông tin hữu ích cũng như tư vấn các vấn đề có liên quan nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hoá vào châu Âu.
Ban chấp hành Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thuỵ Điển |
Ngoài ra, nhiều thành viên của hội là chủ các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa. Chúng tôi sẽ ưu tiên nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Trước mắt là thúc đẩy đưa hàng hóa tiêu thụ trong cộng đồng người Việt, rồi mở rộng ra cộng đồng Á châu, và cuối cùng là cộng đồng bản địa. Hiện nay, nhiều hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam đã được các doanh nghiệp hội viên nhập khẩu và phân phối tại các chuỗi siêu thị lớn của Thụy Điển.
Dưới góc độ người đã có nhiều năm gắn bó với thị trường, ông có lời khuyên gì cho doanh nghiệp để tăng sự hiện diện tại thị trường Thụy Điển?
Lễ ra mắt Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thuỵ Điển tại thành phố Malmo, Thuỵ Điển |
Châu Âu, Bắc Âu hay Thụy Điển là thị trường khó tính với nhiều yêu cầu từ tiêu chuẩn của các sản phẩm nhập khẩu cũng như khẩu vị và thói quen cùng với giá cả. Với góc độ là người đã có nhiều năm gắn bó với thị trường cũng như là một trong những nhà nhập khẩu đã từng đi tiên phong trong vấn đề nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Việt Nam sang Thụy Điển, tôi xin gửi lời khuyên đến cho các doanh nghiệp Việt Nam nên cải thiện hơn về cách kinh doanh và xuất khẩu hàng của mình. Cần chú trọng hơn về chất lượng và uy tín của các sản phẩm của mình theo đúng những yêu cầu trong thương thuyết giữa nhà xuất khẩu và nhập khẩu. Giá cả các mặt hàng cần ổn định và cạnh tranh hơn, nguồn hàng cung cấp cần đều đặn hơn nhằm tăng sự hiện diện của mình tại thị trường Thụy Điển cũng như thị trường Bắc Âu.
Xin cảm ơn ông!
Ngày 27/11/2021, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thuỵ Điển đã chính thức ra mắt tại thành phố Malmo, Thuỵ Điển. Hội có tên tiếng Thụy Điển là Vietnamesiska Handelsförening I Sverige, được chính thức cấp phép bởi nhà nước Thụy Điển vào ngày 9/9/2020. Hội sẽ có vị trí, vai trò là tổ chức liên kết cộng đồng có tính chất tự nguyện, tự quản của các thành viên, không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm phát huy tính năng động, tính tích cực của mỗi thành viên, để thực hiện các mục tiêu, quyền lợi và giá trị chung của cộng đồng, góp phần vào việc thực hiện các tiêu chí mà Hội đã đặt ra là tư vấn, giúp đỡ các thành viên và doanh nghiệp Việt tại Thụy Điển. Trước mắt, hoạt động kết hợp đầu tiên giữa Hội Doanh Nghiệp Việt tại Thụy Điển và Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển là hội thảo tư vấn trực tuyến cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm vào thị trường Bắc Âu sẽ diễn ra ngày 3/12 tới. Sau đó là những hoạt động dài hơi hơn để thúc đẩy hàng Việt Nam vào Thuỵ Điển. |
Phương Lan thực hiện