Bình Định: Bứt phá trong phát triển công nghiệp
Trước những khó khăn do dịch Covid-19 hoành hành, công nghiệp của tỉnh Bình Định chịu nhiều tác động không nhỏ. Tuy nhiên, công nghiệp Bình Định đã có những bước bứt phá nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Theo Sở Công Thương Bình Định, chỉ số sản xuất công nghiệp (SXCN) năm 2021 ước tăng 6,56% so với năm 2020; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,86%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 47,96. Giá trị SXCN năm 2021 (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 51.886,5 tỷ đồng, tăng 7,65% so năm 2020.
Ông Ngô Văn Tổng - Giám đốc Sở Công Thương Bình Định - cho hay, năm 2021, trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt, kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bình Định và số ca bệnh tăng dần ở nhiều địa phương trên địa bàn, tỉnh đã sử dụng các biện pháp ưu tiên thực hiện cho công tác phòng chống dịch do đó đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp.
Nhìn chung, tình hình SXCN trong năm 2021 vẫn tiếp tục đà tăng trưởng so cùng kỳ. Hoạt động SXCN tăng nhờ một số sản phẩm có sản lượng lớn vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, vẫn còn một số sản phẩm chủ lực của tỉnh giảm hoặc tăng thấp so cùng kỳ, chủ yếu do thiếu hụt nguồn nguyên liệu, sụt giảm nhu cầu trong nước và quốc tế
Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Bình Định cho hay, chỉ số SXCN năm 2021 ước tăng 6,56% so với năm 2020 là do nhờ một số sản phẩm tăng so cùng kỳ như: sản lượng điện sản xuất tăng 96,6% nhờ các dự án điện gió, điện mặt trời đã đi vào hoạt động cuối năm 2021, tấm lợp kim loại tăng mạnh nhờ đơn hàng xuất khẩu của Tôn Hoa Sen tăng mạnh, bàn bằng gỗ, ghế khác có khung bằng gỗ tăng là nhờ có thị trường tiêu thụ tốt, đơn hàng nhận đến hết năm 2021.
Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu cũng tăng mạnh đã góp phần đưa chỉ số kim ngạch xuất khẩu năm 2021 tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2020 là nhờ một số nhóm ngành hàng như: Hàng thủy sản tăng do nhu cầu một số sản phẩm thủy sản chủ lực thuộc phân khúc hàng khô, đồ hộp,... có thời hạn bảo quản lâu, tiện lợi, giá phù hợp với xu hướng sụt giảm thu nhập và suy giảm kinh tế ở các nước. Bên cạnh đó, nhờ bệ đỡ là các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), đã tận dụng tốt lợi thế thuế quan từ EVFTA, xuất khẩu thủy sản giảm được mức độ thiệt hại do tác động của đại dịch Covid-19.
T |
Dự án Điện mặt trời Phù Mỹ- Bình Định. Ảnh: Thành Trung |
Ông Ngô Văn Tổng thông tin thêm, Sở Công Thương đã thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực tạo ra giá trị cao trong sản xuất công nghiệp. Đồng thời, đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực ngành công thương, qua đó đã nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời đề xuất Bộ Công Thương và UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Bình Định, nhiệm vụ được đặt ra trong năm 2022 là tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo lĩnh vực quản lý của ngành công nghiệp đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa đầu tư sản xuất kinh doanh để phát triển kinh tế xã hội; chủ động, tăng cường các giải pháp ứng phó với diễn biến khó lường của dịch bệnh trong tình hình mới. Tập trung hỗ trợ các nhà máy sản xuất đang hoạt động, cũng như các nhà máy mới đưa vào hoạt động sản xuất, phát huy công suất, tạo giá trị mới về sản xuất công nghiệp trong vào năm 2022.
Thành Long