Giữ gìn thương hiệu nước mắm Tam Quan

Gần 70 tuổi đời với hơn 30 năm gắn bó với nghề sản xuất nước mắm, bà Trần Thị Như Hoa- Chi hội trưởng Chi hội Sản xuất nước mắm Tam Quan luôn canh cánh nỗi lo giữ thương hiệu cho nước mắm Tam Quan và bảo tồn nghề truyền thống của địa phương.

Bén duyên với nghề làm nước mắm từ những năm 1976 sau khi cùng gia đình về sinh sống tại một làng chài nghèo (nay là phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Ban đầu, mỗi ngày bà đều đến các cơ sở làm nước mắm truyền thống ở địa phương tìm hiểu công đoạn sản xuất và nhận mua nước mắm mang đến các địa phương vùng núi An Lão, Hoài Ân… cách nhà 30km để bán.

Sau thời gian “ăn dầm, nằm dề” ở các cơ sở ướp, chượp làm nước mắm truyền thống, tích luỹ được kiến thức, kinh nghiệm cơ bản, bà “khởi nghiệp” bằng số vốn ít ỏi nhờ vào việc bán nước mắm rong. Không có tiền thuê nhân công, bà cùng người thân tự mua cá cơm và muối về ủ nước mắm. Sau nhiều lần thất bại rồi thành công, năm 1999 cơ sở sản xuất nước mắm Như Hoa ra đời và dần dần trở thành một trong những cơ sở sản xuất nước mắm có quy mô lớn nhất phường Tam Quan Bắc.

Bà Như Hoa chia sẻ, trong kinh doanh, chữ tín, cái tâm với nghề là yếu tố quyết định sự thành bại. Với phương châm kinh doanh ấy, chất lượng sản phẩm nước mắm Như Hoa luôn được coi trọng, từ khâu chọn nguyên liệu ban đầu đến khâu chế biến đóng chai. “Tôi làm nghề hơn 30 năm nay nhưng chưa có tổ chức nào kiểm tra mà phát hiện có sai phạm. Vì tôi thực hiện theo nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm, lấy sức khoẻ người tiêu dùng làm tiêu chí hàng đầu trong sản xuất”, bà Hoa nói.

Giữ gìn thương hiệu nước mắm Tam Quan

Sản xuất tại cơ sở sản xuất nước mắm Như Hoa

Nước mắm Như Hoa cũng là 1 trong số các sản phẩm được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 của tỉnh Bình Định. Chia sẻ về sản phẩm, bà Như Hoa cho biết: Nước mắm Như Hoa được sản xuất theo phương thức truyền thống và được ủ hoàn toàn bằng cá cơm mà không trộn lẫn với bất cứ loại cá nào khác. Cứ 3,5kg cá cơm trộn đều với 1kg muối, ủ trong vòng một năm mới ra sản phẩm. Nước mắm có màu vàng rơm, không vẩn đục, có mùi thơm đặc trưng của nước mắm không bị lẫn mùi lạ, vị ngọt của đạm cá thuỷ phân, có hậu vị, vị mặn nhưng không mặn chát. Về dinh dưỡng, nước mắm đạt 30 độ đạm.

Được biết, năm 2019 nước mắm Như Hoa đã tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia nhưng không đạt. Nguyên do, mẫu mã bao bì sản phẩm không sắc sảo, bắt mắt. Sau đó, được sự động viên của các cấp chính quyền, cơ sở đã thay đổi chai đóng nước mắm, thay nhãn mác để nâng cao hình thức cho sản phẩm. Đặc biệt, dù rất khó khăn về tài chính, cơ sở đã vay vốn ngân hàng nâng cấp khu vực chiết rót, đóng gói vừa đảm bảo tiêu chí về sản xuất vừa đảm bảo cao nhất an toàn thực phẩm.

“Chúng tôi cố gắng miệt mài, phấn đấu hoàn thiện sản phẩm để tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Điều này không chỉ giúp nâng cao uy tín của sản phẩm trên thị trường mà còn góp phần gìn giữ thương hiệu nước mắm Tam Quan và nghề truyền thống cha ông để lại”, bà Như Hoa bày tỏ.

Dù đã rất nỗ lực góp sức giữ gìn thương hiệu cho sản phẩm nước mắm Tam Quan, tuy nhiên ở vai trò Chi hội trưởng Chi hội Sản xuất nước mắm Tam Quan, bà Như Hoa khá lo lắng về thực trạng sản xuất của làng nghề. Bà cho biết, hàng hoá không có nhãn hiệu tràn lan tại địa phương, sản xuất không theo tiêu chuẩn, rất khó kiểm soát được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Những cơ sở sản xuất ra loại nước mắm này không đầu tư cho nhãn hiệu, đóng gói tuỳ tiện và sản phẩm bán ra rẻ hơn hẳn so với các cơ sở có đầu tư. Điều này đang ảnh hưởng tới thương hiệu sản phẩm của làng nghề.

Để giữ gìn thương hiệu sản phẩm và nghề truyền thống, bà Như Hoa mong muốn các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa tới các cơ sở sản xuất và làng nghề, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức giữ gìn nghề, đảm bảo chất lượng, xây dựng nhãn hiệu và đầu tư thích đáng cho sản xuất.

Được biết, cơ sở sản xuất nước mắm Như Hoa cũng có kế hoạch đầu tư thêm 1 máy thổi chai, giá trị khoảng 500 triệu đồng. Với thiết bị này, ngoài việc có thêm bao bì đựng sản phẩm mắm ruốc, mắm mực, còn giúp Như Hoa có thêm nguồn thu từ cung cấp chai cho các cơ sở sản xuất khác. “Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tiêu thụ hàng hoá chậm, chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ chương trình khuyến công giúp cơ sở giảm một phần khó khăn về nguồn vốn”, bà Như Hoa mong mỏi.

Mỗi năm cơ sở sản xuất nước mắm Như Hoa sản xuất khoảng 20.000-30.000 lít nước mắm, giá bán tuỳ từng loại, dao động từ 70.000 đồng- 120.000 đồng/lít.

Việt Nga

Lượt xem: 367
Tác giả: Việt Nga
Nguồn:congthuong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật