Doanh nghiệp cần nâng cao khả năng “phòng vệ” khi ký kết hợp đồng thương mại
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế, với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTAs) là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt, khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động giao thương sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thì thách thức lớn đặt ra cho các doanh nghiệp là luôn tiềm ẩn rủi ro khi ký kết hợp đồng thương mại với đối tác nước ngoài.
Để giúp doanh nghiệp có cái nhìn rõ hơn về mặt pháp lý, cũng như hạn chế những nguy cơ dẫn đến tranh chấp, kiện tụng trong quá trình hợp tác với đối tác nước ngoài, Báo Công Thương đã trao đổi với Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với đối tác nước ngoài, do chưa thẩm tra năng lực của đối tác hoặc chủ quan, thiếu kinh nghiệm trong quá trình ký kết hợp đồng dẫn đến nhiều rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu. Ông có đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội |
Trong thời kỳ hội nhập, phát triển kinh tế, bên cạnh những cơ hội thì thách thức và rủi ro là vấn đề cần lưu tâm đối với những doanh nghiệp Việt Nam khi ký kết các hợp đồng thương mại với đối tác nước ngoài.
Một trong những rủi ro mà hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt đang gặp phải có thể kể đến như xung đột pháp luật về hợp đồng; sự bất đồng ngôn ngữ gây hiểu lầm ý nghĩa các điều khoản giữa các bên; tình trạng giá cả hàng hóa quy đổi từ tiền nước ngoài sang tiền Việt Nam thay đổi thất thường, liên tục; sự chênh lệch múi giờ giữa các nước khiến các doanh nghiệp Việt Nam lúng túng trong việc thực hiện các thỏa thuận về giá và thời hạn thanh toán khi đàm phán hợp đồng.
Ngoài ra, rủi ro cũng đến từ việc nhiều doanh nghiệp thiếu hiểu biết về pháp luật quốc tế, đặc biệt là pháp luật các nước, Hiệp định mà Việt Nam và nước ký kết hợp đồng cùng tham gia, gây khó khăn nhất định trong việc áp dụng luật khi có xảy ra tranh chấp giữa các bên.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam kí kết các hợp đồng thương mại với đối tác, mà chưa thẩm tra năng lực của họ hoặc thiếu kinh nghiệm khi xem xét kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng, dẫn đến tranh chấp, kiện tụng xảy ra rất nhiều, thậm chí trắng tay và đứng trên bờ vực phá sản. Đây là bài học vô cùng đắt giá cho sự liều lĩnh, thiếu cẩn trọng của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Thống kê của trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC) cho thấy, vấn đề tranh chấp trong thương mại có xu hướng gia tăng qua các năm, trong đó hơn 50% vụ liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa (hơn 50% hợp đồng xuất nhập khẩu). Tình trạng này ở Việt Nam cũng ngày càng tăng, theo ông nguyên nhân do đâu?
Theo quan điểm của tôi, nguyên nhân của sự gia tăng các tranh chấp trong thương mại là do các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn lỏng lẻo trong khâu giao kết hợp đồng với các đối tác của họ. Các tranh chấp chủ yếu liên quan đến việc các doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền đặt cọc, tiền ứng trước hợp đồng, tiền cung cấp dịch vụ phần lớn do không tìm hiểu kỹ về đối tác, thường không trực tiếp gặp mặt mà chỉ giao dịch qua thư điện tử, điện thoại, fax nên không có khả năng kiểm tra được tính xác thực của địa chỉ, số điện thoại, khả năng tài chính của đối tác.
Bên cạnh đó, còn xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp Việt Nam nhận được chào hàng với giá rất hấp dẫn, điều kiện thanh toán, giao hàng thuận lợi... nên đã nhanh chóng ký kết hợp đồng và thanh toán ứng trước mà chưa kiểm tra về đối tác. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn sử dụng phương thức thanh toán tiềm ẩn nhiều rủi ro là điện chuyển tiền (TTR), trả trước, đặt cọc, tạm ứng một tỷ lệ phần trăm khá cao trị giá lô hàng. Vì vậy, mới dẫn đến khi có trục trặc xảy ra, không liên hệ được với đối tác thì mới nhận ra mình đã bị lừa đảo nhưng không biết phải kêu ai.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã bị mất trắng khi giao dịch thương mại với các đối tác nước ngoài. Ông có thể dẫn chứng một vài trường hợp điển hình?
Những vụ việc kí kết làm ăn với đối tác nước ngoài mà doanh nghiệp Việt Nam trắng tay đã xảy ra rất nhiều. Điển hình như vụ việc nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã bị đối tác Canada lừa đảo chiếm hàng loạt lô hàng trị giá hàng trăm ngàn USD, hay sau đó là vụ việc doanh nghiệp chúng ta xuất khẩu dứa đông lạnh cho đối tác Mỹ nhưng đến khi thanh toán thì không nhận được tiền vì trong hợp đồng đối tác ghi “không có thông tin người thụ hưởng”. Một sự việc khác, cũng do lỗi của doanh nghiệp Việt Nam mà cuối cùng cho đến tận khi xảy ra tranh chấp mới ngã ngửa ra đó là đối tác “ảo” và ngậm ngùi mất trắng hơn 50 tỉ đồng.
Qua những minh chứng cụ thể trên, có thể dễ dàng nhận thấy, thủ đoạn của những kẻ lừa đảo rất đa dạng, nhiều trường hợp vô cùng tinh vi và bài bản, đánh vào sự chủ quan, thiếu thận trọng trong việc tìm hiểu thông tin về đối tác, về cách thức thanh toán, cũng như sự thiếu hiểu biết của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình thương lượng về các điều khoản hợp đồng để chiếm đoạt tài sản. Hậu quả là các doanh nghiệp mất trắng, tài sản đổ hết vào tay những kẻ lừa đảo trong các thương vụ này.
Ông đánh giá như thế nào về khung khổ pháp lý tại Việt Nam hiện nay trong việc hướng dẫn cũng như bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp khi tham gia hợp tác với đối tác nước ngoài?
Có thể nói, khung pháp lý điều chỉnh các hoạt động giao kết hợp đồng với các doanh nghiệp nước ngoài của nước ta khá đầy đủ và chặt chẽ. Đặc biệt, các hiệp định song phương, đa phương về thương mại và đầu tư là các khung pháp lý quốc tế quan trọng, góp phần hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư thương mại cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, sự yếu thế của doanh nghiệp Việt Nam trong giao thương thương mại quốc tế xảy ra chủ yếu bởi các lý do chính như: Nhà nước chưa đầu tư, quan tâm các trung tâm hỗ trợ pháp lý quốc tế đủ tầm để tư vấn hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; bản thân các doanh nghiệp Việt Nam đa phần là doanh nghiệp nhỏ, còn thiếu nguồn lực đầu tư cho đội ngũ pháp chế đủ tầm để tư vấn pháp lý cho mình; ngược lại, bộ phận pháp chế của doanh nghiệp am hiểu pháp luật quốc tế, đủ tầm để tư vấn giải quyết tranh chấp còn rất mỏng.
Hơn nữa, cho dù về nguyên tắc là bình đẳng pháp lý, nhưng do sự chênh lệch quá lớn về lợi thế tài chính, thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài, đặc biệt là các công ty đa quốc gia, do đó trong đàm phán thương thảo các thoả thuận đầu tư, thương mại, các doanh nghiệp chúng ta luôn bị “lép vế”.
Những rủi ro pháp lý trong việc ký kết hợp đồng thường để lại những hậu quả nặng nề khó khắc phục. Để hạn chế những nguy cơ này, theo ông, doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng thương mại cần lưu ý gì?
Để hạn chế triệt để những rủi ro pháp lý, trước khi quyết định đầu tư và đi đến kí kết hợp đồng thương mại, các doanh nghiệp cần phải kiểm tra, xác minh rõ ràng năng lực pháp lý, khả năng thực hiện hợp đồng của đối tác. Đồng thời tiến hành các biện pháp để thẩm định khả năng tài chính, uy tín của đối tác dự định giao kết hợp đồng. Đây cũng là điều kiện quan trọng để hợp đồng có hiệu lực. Muốn làm được điều này thì các doanh nghiệp cần nâng cao khả năng hiểu biết pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia vào quan hệ hợp đồng thương mại.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ phía nhà nước và các tổ chức khác cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro trong việc kí kết hợp đồng cho các doanh nghiệp. Cụ thể, cần hoàn thiện các hệ thống quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, tạo hành lang pháp lý an toàn, đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp. Đồng thời, các hiệp hội kinh doanh có thể đưa ra tư vấn, ý kiến đóng góp kịp thời để trợ giúp về mặt pháp lý cho các doanh nghiệp, giúp họ nắm bắt kịp thời vấn đề để đưa ra hướng xử lý phù hợp, tránh những rủi ro và hậu quả trong tương lai.
Từ kinh nghiệm thực tiễn trong tư vấn, soạn thảo nhiều hợp đồng thương mại cho các doanh nghiệp, ông có khuyến cáo gì giúp doanh nghiệp nhận diện những rủi ro mà việc ký kết có thể xảy ra để có các biện pháp phòng vệ?
Thông thường, rủi ro lớn nhất phát sinh trong quá trình kí kết hợp đồng là việc các bên vi phạm các quy định liên quan đến hợp đồng dẫn đến tình trạng hợp đồng vô hiệu và không có giá trị thực hiện. Do đó, các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 như: Điều kiện về chủ thể, mục đích, nội dung hợp đồng và hình thức của hợp đồng.
Một dạng rủi ro khác phát sinh trong quá trình này là rủi ro về nội dung, điều khoản của hợp đồng. Những nội dung cơ bản của một hợp đồng quy định cụ thể tại Điều 398 Bộ luật Dân sự 2015, do đó cần soạn thảo đầy đủ, chặt chẽ các nội dung để khi tranh chấp xảy ra sẽ dễ dàng chứng minh được để xác định trách nhiệm và bồi thường thiệt hại cho các bên. Ngoài ra, các bên trong hợp đồng cần chú trọng đến các điều khoản về bất khả kháng, về phạt vi phạm, phương thức giải quyết tranh chấp để đảm bảo tối đa quyền lợi của mình khi có vi phạm nghĩa vụ và các tranh chấp xảy ra.
Rủi ro tiếp theo là rủi ro về khả năng thanh toán hay về vi phạm nghĩa vụ hợp đồng của đối tác khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng, liên quan trực tiếp tới tình trạng nợ khó đòi hay gặp phải. Vì thế, hợp đồng cần phải có các điều khoản phạt vi phạm và giải quyết tranh chấp để áp dụng khi cần thiết.
Hoạt động kinh doanh luôn đi kèm với những rủi ro nhất định, vì vậy các doanh nghiệp trong nước cần chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật của nguồn nhân lực để phát triển thị trường của doanh nghiệp mình.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Nga