Giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp: Cần “cú hích” đủ mạnh
Vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều các doanh nghiệp chăn nuôi lớn mạnh tay đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp với số vốn rất lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến. Đây là tín hiệu tích cực, không chỉ là “đầu kéo” khiến ngành chăn nuôi Việt Nam chuyển dịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; mà còn giúp người tiêu dùng được thụ hưởng những sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh, chất lượng…
Doanh nghiệp đầu tư số vốn khủng
Mới đây nhất, tháng 5/2023, công ty Japfa Comfeed đã khánh thành nhà máy giết mổ gia cầm có diện tích gần 15 ha, đạt công suất 60.000 con/ngày, với số vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Nhà máy được trang bị cơ sở hạ tầng hiện đại, được nhập khẩu từ châu Âu, đạt tiêu chuẩn GMP, HACCP, ISO 22000 và FSSC 22000.
Hay như trước đó, mạnh chi cho việc đầu tư nhà máy giết mổ và chế biến, phải kể đến tập đoàn Masan, từng đầu tư số vốn khổng lồ để đầu tư hai tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam và Long An. Nhà máy tại Hà Nam có có vốn đầu tư gần 1.100 tỷ đồng trên diện tích rộng 10 ha, có công suất thiết kế là 1,4 triệu con heo/năm, tương đương 140 nghìn tấn/năm. Tại Long An, hệ thống giết mổ và chế biến thịt heo mát, quy mô 140.000 tấn sản phẩm/năm, tổng số vốn lên tới 1.800 tỷ đồng… Dây chuyền giết mổ tại hai tổ hợp chế biến thịt này đều được nhập khẩu từ châu Âu.
Ngoài Japfa, Masan thì nhiều doanh nghiệp khác như Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty Koyu&Unitek, Tập đoàn Mavin, Tập đoàn De Heus, Tập đoàn Dabaco, Công ty GREENFEED Việt Nam, Công ty Pacow, Công ty Vissan, Công ty An Hạ, Công ty San Hà… cũng rót hàng trăm tỷ để đầu tư nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm hiện đại.
Hầu hết các doanh nghiệp này là doanh nghiệp đầu tầu, tiên phong sản xuất theo chuỗi khép kín (từ khâu con giống, thức ăn, chăn nuôi, giết mổ, chế biến, phân phối), vì vậy, các nhà máy giết mổ đều là các nhà máy có dây chuyền công nghiệp; có quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến hiện đại; có hệ thống kho lạnh để bảo quản sản phẩm động vật sau khi giết mổ trong cùng một khu vực sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Vì vậy sản phẩm thịt gia súc, gia cầm luôn bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) và truy xuất được nguồn gốc, nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng yêu cầu để xuất khẩu.
Công suất hoạt động còn khiêm tốn
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đến tháng 5/2023, cả nước có tổng cộng 463 cơ sở giết mổ (CSGM) động vật tập trung và 24.654 CSGM động vật nhỏ lẻ.
Tại Hà Nội, theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố hiện có tổng số 726 CSGM gia súc, gia cầm nhưng đa số các cơ sở hoạt động chưa hết công suất. Có cơ sở giết mổ công nghiệp đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại chỉ hoạt động được 15 – 30% công suất thiết kế; có cơ sở phải tạm ngừng hoạt động giết mổ hoặc chuyển sang giết mổ trên sàn (giết mổ bán công nghiệp) để duy trì hoạt động.
So với Hà Nội, tình hình hoạt động của các CSGM tập trung trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có vẻ khả quan hơn khi trên địa bàn hiện có 7 CSGM thực hiện đảm bảo các quy định về điều kiện vệ sinh thú y, quy trình kiểm soát giết mổ động vật. Lượng gia súc, gia cầm giết mổ bình quân hằng đêm hiện nay là 5.500 – 6.000 con heo, 7 con bò và 74.000 – 75.000 con gà. Các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện vận hành đạt bình quân khoảng 50% công suất thiết kế, vẫn đang tích cực chủ động tìm thêm đối tác để hợp tác giết mổ gia súc nhằm đảm bảo công suất giết mổ đạt từ 80 – 100% theo định hướng.
Trên thực tiễn của cả nước, có nhiều nhà máy giết mổ công nghiệp hiện đại, được đầu tư số vốn khủng tại nhiều địa phương, lúc khai trương thì rầm rộ, nhưng khi hoạt động lại cầm cự hoặc lẳng lặng đóng cửa do nhiều nguyên nhân.
Theo Cục Thú y, công suất của các nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp chưa cao, là do giá thành sản phẩm cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường (khoảng 20-30%) là do chi phí sản xuất cao hơn so với các mô hình giết mổ khác; sản phẩm của các cơ sở này khá kén khách, chỉ tiêu thụ chủ yếu ở siêu thị, các cửa hàng tiện ích, một số bếp ăn, nhà hàng và khu công nghiệp nên số lượng tiêu thụ chưa nhiều, một số cơ sở chưa giết mổ hết công suất thiết kế.
Cùng với đó, nhận thức, thói quen của người tiêu dùng còn dễ dãi, dễ chấp nhận sản phẩm giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đã trực tiếp tạo điều kiện cho sự tồn tại của các CSGM nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm ở các địa phương.
Mặt khác, các CSGM dây chuyền công nghiệp đòi hỏi động vật đưa vào giết mổ có kích cỡ đồng đều nhau và vận hành dây chuyền với số lượng lớn mới đảm bảo có lãi. Vì vậy, rất khó để các hộ nhỏ lẻ thuê gia công giết mổ động vật tại đây. Đây cũng là lý do dẫn đến tình trạng một số CSGM tập trung hoạt động vẫn chưa hết công suất thiết kế, gây lãng phí đầu tư của doanh nghiệp và kéo dài thời gian thu hồi vốn.
Cần có chính sách đủ mạnh để khuyến khích
Từ thực tế này, Cục Thú y kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung thêm đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định 57/2018/ NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là các cá nhân, tổ chức khi đầu tư vốn xây mới CSGM động vật tập trung; tiếp tục ban hành chính sách ưu đãi về thuế, vay vốn và đất đai… để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các CSGM tập trung đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và môi trường.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, nơi nào chính quyền địa phương tích cực và quyết liệt chỉ đạo thì nơi đó có chuyển biến rõ rệt, điển hình là TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu… Bên cạnh đó, việc xử lý các tổ chức, cá nhân có cơ sở chăn nuôi, giết mổ động vật nhỏ lẻ, kinh doanh sản phẩm động vật không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Theo bà Thuỷ, tại một số địa phương, vẫn còn tình trạng giết mổ không phép sau khi xây dựng và đưa vào hoạt động CSGM tập trung, dẫn đến các CSGM tập trung hoạt động không hiệu quả, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sắp xếp và chấn chỉnh công tác kiểm soát giết mổ tại địa phương.
Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, để thúc đẩy giết mổ gia súc gia cầm công nghiệp và kiểm soát giết mổ, cần thiết đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 trong công tác kiểm dịch động vật, quản lý KSGM động vật, sản phẩm động vật; xây dựng Hệ thống thông tin kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm qua việc tạo cơ sở dữ liệu các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ động vật và truy xuất nguồn gốc gia súc, gia cầm đưa vào giết mổ tại địa phương.
Tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ và thực hành tốt quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến để bảo đảm VSTY, ATTP; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, không sử dụng các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo VSTY, ATTP.
Ban hành chính sách đặc thù nhằm kêu gọi, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng dây chuyền giết mổ động vật treo, hiện đại; chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện chuyển đổi ngành nghề cho lực lượng lao động sau khi ngưng hoạt động cơ sở giết mổ thủ công.
Cần có những giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cụ thể của từng dự án nhằm nâng dần công suất giết mổ công nghiệp, đảm bảo các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp phải hoạt động đạt 80 – 100% công suất.
Bố trí nguồn kinh phí dự phòng để chi trả lương cho cán bộ thú y thực hiện nhiệm vụ KSGM trong trường hợp nguồn thu phí kiểm soát giết mổ bị thiếu hụt do thiên tai, dịch bệnh. Cần có cơ chế đặc thù cho ngành thú y được hợp đồng lao động để thực hiện công tác kiểm soát giết mổ và chi trả tiền công, tiền lương cho lực lượng này từ nguồn thu phí, lệ phí.