Trồng mắc ca xen cà phê, mô hình làm giàu mới ở Kon Tum

Cây mắc ca đang dần trở thành lựa chọn tiềm năng cho người nông dân nhờ hiệu quả kinh tế rõ rệt và khả năng thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên.

Người dân nâng cao thu nhập nhờ trồng xen canh cà phê với cây mắc ca, loại quả đang được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Thanh Tuấn

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đăk Tô (Kon Tum), hiện toàn huyện đã có hơn 1.200 ha mắc ca, trong đó hơn một nửa diện tích được trồng xen với cà phê.

Trong khi cà phê là cây trồng quen thuộc, gắn bó với người dân từ lâu thì mắc ca chỉ mới được đưa vào canh tác từ năm 2014. Tuy vậy, chỉ sau vài năm, sự kết hợp này đã chứng minh tính hiệu quả và bền vững về kinh tế.

Tại xã Tân Cảnh, nơi cà phê là cây trồng chủ lực, mắc ca ban đầu chỉ được trồng xen để chắn gió. Nhưng nhờ giá trị kinh tế tăng dần, lại được huyện hỗ trợ giống cây từ năm 2022, nhiều hộ dân đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng mắc ca. Đến nay, toàn xã đã có hơn 121 ha mắc ca, với khoảng 60% diện tích trồng xen cà phê.

Một trong những điển hình làm kinh tế giỏi là gia đình ông Nguyễn Đình Cường (54 tuổi, thôn 5, xã Tân Cảnh). Không chỉ trồng mắc ca, ông còn đầu tư máy móc gồm máy tách vỏ và lò sấy mini để chế biến sản phẩm hoàn chỉnh, nâng cao giá trị sau thu hoạch.

Mắc ca sau khi sơ chế được bán với giá từ 180.000 đến 200.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với bán quả tươi. Nhờ vậy, mỗi năm ông thu về hơn 100 triệu đồng từ 3 ha mắc ca trồng xen cà phê, sau khi trừ mọi chi phí.

Theo ông Mai Huy Hưng – Chủ tịch UBND xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, cây mắc ca rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, lại ít sâu bệnh. Nhờ được tập huấn kỹ thuật, bà con chăm sóc tốt, năng suất cây đạt từ 15–25 kg quả tươi mỗi năm.

Mô hình cà phê xen mắc ca không chỉ giúp giảm chi phí chăm sóc mà còn tăng thu nhập cho người dân từ 30–40 triệu đồng mỗi ha mỗi năm.

Điều đặc biệt khiến mắc ca được ưa chuộng chính là sự “dễ tính” của loại cây này. Mắc ca gần như không cần chăm sóc quá nhiều, lại không bị sâu bệnh phá hoại. Người dân có thể chăm sóc song song khi làm vườn cà phê.

Không chỉ dễ trồng, mắc ca còn dễ bán. Nhiều hộ dân cho biết, sau khi thu hoạch và đóng gói, sản phẩm hầu như không cần tìm đầu ra, khách hàng đã chủ động tìm đến đặt mua.

Với những tín hiệu tích cực đó, mắc ca đang mở ra hướng đi mới cho người nông dân Đăk Tô trên hành trình phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả và nâng cao đời sống kinh tế.

Lượt xem: 0
Nguồn:kinhtenongthon.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật