Tăng cường qảng bá sản phẩm nông sản vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Là địa phương nằm ở khu vực Tây Nguyên, hiện tỷ lệ bà con đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 34,37% dân số toàn tỉnh Đắk Lắk, cư trú ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Giống như nhiều địa phương trên cả nước, đời sống của bà con khu vực đồng bào dân tộc thiểu số Đắk Lắk còn nhiều khó khăn, do đó nâng cao giá trị của sản phẩm địa phương, đặc biệt là nông sản là một trong những giải pháp vô cùng quan trọng.
![]() |
Nỗ lực quảng bá nông sản địa phương tại các sự kiện xúc tiến thương mại (Ảnh: Moit) |
Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã chú trọng triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại các sản phẩm đặc trưng của bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi địa phương, Mới đây, tại Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu năm 2025 do Bộ Công Thương tổ chức, Đắk Lắk tham gia trưng bày gian hàng chung của tỉnh để giới thiệu những sản phẩm tiêu biểu, có thế mạnh xuất khẩu của địa phương.
Tại hội chợ, Trung tâm Xúc tiến thương mại Đắk Lắk đã quảng bá 20 sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh như: cà phê, mật ong, ca cao, sầu riêng sấy, trà thảo mộc, hạt mắc ca, nấm linh chi, chuối... đến với khách tham quan, mua sắm và các đối tác, nhà mua hàng. Nhiều sản phẩm là hàng hoá đặc trưng của bà con dân tộc.
Cùng với sự kiện này, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp để xúc tiến tiêu thụ sản phẩm thế mạnh của địa phương, đặc biệt là nông sản của bà con khu vực dân tộc thiểu số và miền núi. Đơn cử, như các cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh định hình ý tưởng, phát triển sản phẩm dựa trên những thế mạnh của địa phương; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất - kinh doanh cho các doanh nghiệp, HTX...
Khi có được những sản phẩm chất lượng, hằng năm, các địa phương tổ chức cho từ 3 - 4 doanh nghiệp, HTX sản xuất - kinh doanh nông sản tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, giới thiệu thành tựu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tiếp cận thị trường; nâng cao nhận thức trong việc tham gia quảng bá sản phẩm cũng như kỹ năng bán hàng, giới thiệu sản phẩm để thu hút khách hàng.
Đơn cử, mắc ca là một trong những loại cây trồng chủ lực, được khuyến khích phát triển ở huyện Ea H'leo, với tổng diện tích hơn 1.200 ha tập trung nhiều tại các xã Ea Nam, Dliê Yang, Ea Hiao, Ea Sol. Cùng với việc chú trọng khâu chế biến, các cơ sở sản xuất đã tăng cường đầu tư để nâng cao chất lượng bảo quản sản phẩm, cải tiến mẫu mã, dán tem truy xuất nguồn gốc...
Huyện đã thành lập HTX Macca Ea H’leo, đến nay các sản phẩm của HTX đã đạt được nhiều chứng nhận uy tín, bao gồm chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao và được bình chọn là sản phẩm tiêu biểu của HTX năm 2024. Ngoài ra, sản phẩm cũng đã nhận được Giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất do Liên minh HTX Việt Nam trao tặng. Hiện nay sản phẩm hạt mắc ca Ea H’leo đã xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.
Hoặc, cà phê cũng là sản phẩm thế mạnh của Đắk Lắk. Để phát triển sản phẩm này, HTX Sản xuất Nông nghiệp Ea Wy (huyện Ea H'leo) đã đầu tư vùng nguyên liệu hơn 200ha trồng cà phê chuẩn VietGAP. Để nâng cao giá trị sản phẩm và giá bán cho bà con, HTX tổ chức chế biến sâu nhằm cung cấp cho thị trường sản phẩm cà phê sạch. Không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đầu tư hệ thống trang thiết bị phục vụ sản xuất, đến nay sản phẩm cà phê bột Ea Wy của HTX đã đạt OCOP 3 sao. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để HTX phát triển và thương mại sản phẩm cà phê bột của mình trên thị trường tốt hơn.
Hay, hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Thăng Bình, huyện Krông Bông là một trong những đơn vị liên kết sản xuất lúa quy mô lớn. Để phát triển được vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, cung cấp ra thị trường sản phẩm lúa gạo bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, Hợp tác xã đã liên kết với hàng trăm hộ dân trong vùng để sản xuất lúa ST24 và ST25 theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô trên 800 ha.
![]() |
Sản phẩm của bà con dân tộc Đắk Lắk được ưa chuộng tại các hội chợ (Ảnh: UBND tỉnh Đắk Lắk) |
Gắn phát triển sản phẩm đặc trưng với du lịch
Đắk Lắk hiện đang tập trung phát huy thế mạnh sẵn có với các sản phẩm nông sản chủ lực như: Cà phê, bơ, sầu riêng, ca cao, mắc ca... Đồng thời, địa phương này cũng hướng đến phát triển ngành dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng, phát huy nền tảng văn hóa truyền thống của các dân tộc.
![]() |
Cà phê là một trong những sản phẩm đặc trưng của bà con dân tộc Đắk Lắk (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Đắk Lắk) |
Theo đó, Buôn Kuốp là một trong những buôn được quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng theo quyết định của UBND tỉnh. Buôn Kuốp hội tụ các điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch như: Có cộng đồng người dân tộc thiểu số sinh sống; còn duy trì các hình thức biểu diễn nghệ thuật, các lễ hội truyền thống của địa phương; có điểm tham quan lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng; có đặc sản ẩm thực địa phương. Cùng với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, đặc trưng bản địa.
Bà Nguyễn Thuỵ Phương Hiếu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Đắk Lắk cho biết, Đắk Lắk vẫn còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển du lịch, ở nhiều loại hình khác nhau. Đặc biệt, gần đây, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp đang được quan tâm phát triển. Trên địa bàn tỉnh hiện xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, bước đầu thu hút du khách. Loại hình du lịch này không chỉ thu hút khách du lịch mà còn hỗ trợ người dân trong việc khai thác, bán các sản phẩm từ trang trại cho khách du lịch, góp phần phát triển triển kinh tế địa phương.
Thời gian tới ngành du lịch địa phương sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động, giải pháp dài hạn để thu hút khách du lịch. Trong đó đẩy mạnh việc khai thác các tour, tuyến, điểm, sản phẩm du lịch mới lạ, chất lượng cao; phát triển sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn để tăng cơ hội tiêu thụ sản phẩm địa phương, đặc biệt là sản phẩm của bà con vùng dân tộc thiểu số.
Thời gian qua, các HTX trên địa bàn tỉnh đã hình thành chuỗi giá trị sản xuất khép kín với sự liên kết của "4 nhà", giúp bà con đồng bào dân tộc ứng dụng tốt và đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, tạo được sản phẩm chất lượng và an toàn thực phẩm với chi phí sản xuất thấp, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. |