Lập nghiệp từ chăn nuôi dê

Chỉ trong khoảng 2 năm, 19 hộ nông dân chăn nuôi dê liên kết cùng nhau trong HTX đã phát huy hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị kinh tế cho gia đình.

 

Cán bộ Hội Nông dân xã Hòa Lộc trao đổi hướng phát triển mô hình chăn nuôi của gia đình anh Thanh.

 

Làm nên chuyện từ những con dê nái

 

Gia đình chị Phạm Thị Tuyết Mai và anh Trần Hồng Thanh (Ấp 2, xã Hòa Lộc, Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) chăn nuôi dê nhiều năm qua nhưng bắt đầu lập nghiệp từ dê khoảng 2 năm nay, khi vay 20 triệu đồng vốn tín dụng chính sách để đầu tư chuồng và mua thêm con giống.

 

Chị Mai kể, lúc đó làm chuồng trại mới, gia đình mua nuôi 3 con dê để sinh sản và gây nuôi bán dê thịt. Sau 2 năm, hiện giờ gia tài chăn nuôi của gia đình chị là hơn 20 con dê gồm sinh sản và dê đực bán thịt.

 

“Chúng tôi vẫn chăm chút cho con dê nái lúc ban đầu tậu về để gầy dựng kinh tế gia đình cho đến nay”- anh Thanh chia sẻ khi đang lấy cỏ cho đàn dê.

 

Cách nhà anh Thanh, chị Mai khoảng 100m, gia đình chú Huỳnh Văn Chon và cô Nguyễn Thị Ngọc Thảo (cùng ấp) trong một chiều mưa cũng tất bật để cỏ, chăm sóc đàn dê của mình.

 

Khoảng 8 năm trước, gia đình cô Thảo vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách dành cho hộ mới thoát nghèo để chăn nuôi bò, dê.

 

Theo chú Chon, dê nuôi 1 năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 con; còn bò nuôi khoảng 2,5 năm mới sinh sản, mỗi lứa 1 con. Vì vậy, xoay vòng vốn/lãi với con dê nhanh hơn, đạt kinh tế hơn.

 

Anh Trương Mai Lành- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Lộc, cho biết, các hộ dân trên là một số trong 19 hộ dân tham gia HTX Hưng Thịnh tại xã, hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi dê.

 

Lúc mới thành lập và vận động hộ vào HTX, quy mô đàn dê hơn 600 con, hiện tại đã gần 1.000 con dê cả sinh sản lẫn bán thịt và ngày càng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đàn.

 

Theo anh Lành, nhu cầu vốn của các mô hình chăn nuôi ở xã khoảng 1 tỷ đồng, trong đó chăn nuôi dê khoảng 600 triệu, còn lại vốn cho các mô hình nuôi lươn, vịt sinh sản.

 

Chị Lâm Ngọc Tiên- cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tam Bình, cho biết, đầu năm 2023, đơn vị giải ngân cho gia đình cô Mai vay 60 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm để đầu tư chăn nuôi.

 

“Kết quả bây giờ đàn dê của gia đình có 26 con, trong đó gồm 10 con dê cái chuẩn bị đẻ, còn lại dê tơ, dê đực bán thịt. Mình gắn bó và xem việc chăn nuôi này như cơ nghiệp của gia đình”- cô Thảo thổ lộ.

 

Hiệu quả từ nguồn vốn vay

Chị Mai cho biết, ban đầu dê nuôi của chị được hỗ trợ con giống từ HTX, bao tiêu đầu ra ổn định. Ngoài bán dê thịt, chị kể mới đây, nhà nhận đặt hàng làm sạch và quay một con dê, giao lên Vĩnh Long cho khách.

 

Theo anh Lành, ở góc độ hội, đó là kết quả vận động, phối hợp giữa Hội Nông dân xã và HTX Hưng Thịnh cùng với các hộ chăn nuôi nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng- tiêu thụ, giúp đem lại giá trị kinh tế cao hơn cho thành viên HTX.

 

Nói về hướng phát triển tiếp theo, điều gia đình chị Mai cần nhất bây giờ là vốn: “Vì thấy chăn nuôi con dê hiệu quả, gia đình đang có nhu cầu vay thêm từ vốn tín dụng chính sách để mở rộng quy mô. Hiện tại có 2 chuồng, nhưng số lượng dê nhiều nên cần phải mở rộng”.

 

Chị Mai cho biết thông tin từ cán bộ tín dụng, nếu được giải ngân sẽ vay tối đa 100 triệu đồng theo dự án giải quyết việc làm, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội để phát triển mô hình.

 

Khảo sát một số hộ chăn nuôi dê mới đây, Hội Nông dân tỉnh đánh giá cao mô hình liên kết làm ăn này, ghi nhận nhu cầu vốn để đầu tư phát triển.

 

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho rằng, vốn vay theo Nghị quyết 11 về phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn đối với chương trình giải quyết việc làm có nhu cầu rất lớn. Đồng thời khẳng định khi tranh thủ được nguồn vốn, sẽ tiến hành giải ngân ngay.

 

Là Phó Trưởng Ấp 2 và là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Nông dân xã, chú Chon cho biết, bà con chăn nuôi được tập huấn kỹ thuật, ham tìm tòi học hỏi tích lũy kinh nghiệm (quy trình chăn nuôi như ăn, uống, đẻ, tiêm phòng…) và… cái gì không biết thì mở mạng coi để biết thêm, điều chỉnh, chọn lọc, nhằm sản xuất được an toàn, ổn định, có lợi nhuận và phát triển kinh tế gia đình.

 

Từ con dê nái ban đầu, gia đình anh Thanh, chị Mai đã vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Tương tự, sự tìm tòi của cô Thảo, chú Chon và xem mô hình chăn nuôi dê là ý tưởng hay để lập nghiệp.

 

Bằng cách liên kết tổ, nhóm sản xuất, gắn với tiêu thụ, cùng trợ lực từ các nguồn vốn dành cho nông dân, vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ đã hình thành, triển khai đạt hiệu quả kinh tế nông hộ.

 

Bài, ảnh: MINH THÁI

Nguồn: Báo Vĩnh Long

Lượt xem: 6
Nguồn:nhachannuoi.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật