Thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi tổng hợp
Nhờ sự cần cù, chịu khó và biết cách khai thác lợi thế đất đai, gia đình anh Nguyễn Văn Quý, thôn Viên Du Hòa, xã Thanh Vân (Tam Dương) đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi gà đẻ và lợn thương phẩm. Từ mô hình này, sau khi trừ chi phí, mỗi năm, gia đình anh Quý thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Gia đình anh Nguyễn Văn Quý, thôn Viên Du Hòa, xã Thanh Vân nuôi gà đẻ và lợn thương phẩm cho thu nhập từ 150 – 200 triệu đồng/năm.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, cuộc sống của gia đình anh Quý chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Mặc dù quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo bám. Vì thế, anh Quý luôn trăn trở, tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên quê hương.
Sau khi tìm hiểu, tham khảo nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả ở các địa phương trong và ngoài tỉnh, anh Quý nhận thấy, dù đất đai rộng, nhưng nếu chỉ dựa vào trồng trọt thì khó mang lại giá trị kinh tế cao.
Vì vậy, từ năm 2010, gia đình anh Quý đã đầu tư phát triển chăn nuôi gà và lợn thương phẩm. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi nên đàn gia súc, gia cầm của gia đình anh bị bệnh, chết gần hết.
Không nản chí, anh Quý chủ động tìm đến các trang trại nuôi gà, lợn quy mô lớn trong và ngoài tỉnh để tìm hiểu thêm kỹ thuật và học hỏi kinh nghiệm thực tế. Đồng thời, tìm hiểu cách phòng, trị bệnh cho đàn gia súc, gia cầm qua sách, báo, ti vi; tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức.
Khi kiến thức đã vững, năm 2014, anh Quý vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Tam Dương để đầu tư chăn nuôi lứa mới. Lần này, anh không nuôi gà thương phẩm mà chuyển đổi sang nuôi gà đẻ.
Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật và tuân thủ nghiêm ngặt cách phòng, trị bệnh, đàn vật nuôi của gia đình anh sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh. Sau khi trừ chi phí, năm 2014, gia đình anh thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Nhận thấy đây là hướng đi cho hiệu quả kinh tế cao, anh Quý đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố để mở rộng quy mô chăn nuôi. Với tổng diện tích đất rộng gần 1.000m2, anh Quý xây dựng hơn 500m2 chuồng nuôi lợn và hơn 400m2 chuồng nuôi gà đẻ.
Các chuồng nuôi đều được lắp đặt hệ thống phun sương trên mái; có máng nước uống, máng ăn hợp vệ sinh, cùng hệ thống quạt, đèn sưởi để chủ động điều chỉnh nhiệt độ, bảo đảm ấm về mùa đông, mát về mùa hè.
Cùng với việc đầu tư hệ thống chuồng trại kiên cố, anh Quý còn chịu khó tìm tòi, áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong khâu chọn giống và phòng, chống dịch bệnh.
Anh Quý cho biết: Muốn chăn nuôi hiệu quả, trước hết cần phải lựa chọn con giống tốt, đảm bảo chất lượng. Trong quá trình nuôi, phải tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời thường xuyên vệ sinh phun khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh; chăm sóc, cho ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Định kỳ hằng tuần, phải bổ sung thêm các Vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi.
Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn gà, lợn của gia đình anh Quý ít bị dịch bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt. Từ năm 2015 đến nay, trang trại của gia đình anh luôn duy trì gần 3.000 con gà đẻ và hơn 20 con lợn thương phẩm. Bình quân mỗi năm, gia đình anh Quý xuất bán gần 200 nghìn quả trứng và hơn 5 tấn thịt lợn. Sau khi chi phí, lợi nhuận của trang trại đạt từ 150 – 200 triệu đồng/năm.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Quý còn tận tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với người dân trong và ngoài tỉnh; gương mẫu, nhiệt tình trong mọi phong trào, hoạt động của địa phương, nhất là phong trào xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu.
Anh Quý chia sẻ: Hiện, thôn Viên Du Hòa đang xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu. Ngoài cải tạo cảnh quan, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thôn đã lựa chọn một số mô hình, trong đó, có chăn nuôi gà đẻ để phát triển và nhân rộng. Để chung tay xây dựng thành công làng văn hóa kiểu mẫu, được sự định hướng của địa phương, gia đình dự định sẽ nâng cấp chuồng trại theo hình thức khép kín để chăn nuôi theo hướng thân thiện với môi trường.
Bài, ảnh: Thanh Huyền
Nguồn: Báo Vĩnh Phúc