Triển vọng cho chăn nuôi gà lông trắng tại Việt Nam
Tại Việt Nam, hiện các công ty chăn nuôi FDI chiếm khoảng 90% thị phần gà lông trắng, trong đó bao gồm cả phương thức nuôi gia công. Tuy nhiên, hiện chăn nuôi gà lông trắng ở nước ta gặp nhiều trở ngại về giá cả và điều kiện nuôi, rất cần những giải pháp để tháo gỡ.
Gà lông trắng chỉ chiếm tỷ trọng 30% ở Việt Nam
“Chật vật” duy trì chăn nuôi
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, năm 2023, tổng đàn gia cầm cả nước đạt 558,9 triệu con tăng 3,3% so với năm 2022. Năm 2023, gà công nghiệp lông trắng có giá thành sản xuất dao động 30.000-33.000 đồng/kg thịt hơi. So với các tháng cùng kỳ năm 2022, giá thịt gà trắng năm 2023 tương đương trong 2 tháng đầu, nhưng thấp hơn 2.000-7.000 đồng/kg kể từ tháng 3/2023.
Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức tiêu thụ yếu, tổng cung đang vượt tổng cầu khiến tỷ suất lợi nhuận lại rất thấp, đặc biệt là doanh nghiệp và người chăn nuôi trong nước.
Hiện nay, gà lông trắng chỉ chiếm tỷ trọng 30% ở Việt Nam, còn lại chủ yếu là gà lông màu; hiện các trang trại nuôi gà lông trắng trong nước chủ yếu là nhỏ lẻ, từ giống cụ kỵ phải nhập khẩu đến thức ăn, nguyên liệu thức ăn, thuốc thú y cũng phải nhập khẩu; các nước phát triển chăn nuôi gà lông trắng công nghiệp với số lượng lên tới vài chục vạn con mỗi trang trại nên giá thành gà lông trắng của Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh.
Thực tế hiện nay giá bán gà lông trắng rất thấp; thức ăn, vắc xin, giống đều phụ thuộc nhập khẩu; sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nhập khẩu; sự biến động của giá cả và thị trường; sự thiếu hụt của cơ sở hạ tầng và công nghệ… không có nhiều lợi thế cạnh tranh khi hội nhập. Nuôi gà lông trắng ngày càng không hiệu quả, người dân thua lỗ, đã có nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam nên bỏ nuôi giống gà này và chuyển sang chuyên nuôi các giống gà lông màu.
Hiện thị trường tiêu thụ chính của thịt gà trắng là chế biến thực phẩm (xúc xích) và bếp ăn công nghiệp. Trong khi lĩnh vực chế biến thực phẩm vì áp lực cạnh tranh về giá nên hầu hết các doanh nghiệp đều có kho lạnh rất lớn để tích trữ thịt gà lúc rẻ hoặc thịt gà nhập khẩu và chỉ mua một số lượng thịt gà tươi nhất định để phối trộn nhằm hạ giá thành, giá bán.
Còn với bếp ăn tập thể, hiện có rất nhiều lựa chọn khác khi giá thịt gà ta lai so với thịt gà công nghiệp cũng không còn chênh lệch quá lớn. Việc tiêu thụ gà lông trắng ở Việt Nam cũng chỉ chủ yếu ở các trường học, khu công nghiệp, một số doanh nghiệp lớn như KFC cũng loại dần gà đẻ trứng nuôi nhốt công nghiệp (chủ yếu lông trắng), chuyển sang gà chăn thả tự nhiên. Trong khi đó, người tiêu dùng lại khá thờ ơ với loại gà trắng công nghiệp này.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một doanh nghiệp gia cầm cho biết, từ năm 2008 trở về trước là thời hoàng kim của các giống gà công nghiệp. Công ty Gà giống Dabaco khi đó cũng chủ yếu cung cấp các giống gà lông trắng cho thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, đơn vị chỉ làm một lượng giống vừa đủ để cung cấp cho mảng chăn nuôi gia công và chế biến của tập đoàn, không bán ra ngoài, còn tất cả đều tập trung vào giống gà lông màu.
Các doanh nghiệp chiếm thị phần đa số trong chăn nuôi gà lông trắng tại Việt Nam như C.P, Japfa, Emivest… đều dần chuyển hướng sang nghiên cứu, phát triển các giống gà lông màu, vì vậy, mảng gà lông trắng ngày càng bị thu hẹp.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết, thực tế ngành chăn nuôi gà trắng sau thời gian gặp dịch bệnh và các đợt bão giá, phần lớn người chăn nuôi đã bỏ cuộc vì không chịu nổi lỗ. Tại khu vực Đông Nam Bộ, doanh nghiệp Việt trong ngành còn rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay, các trang trại của ông chủ Việt Nam phải tìm cách thích ứng để tồn tại: cho thuê trại, nuôi gà gia công cho các doanh nghiệp FDI và tham gia chuỗi sản xuất với giá đầu ra cố định. Trong 3 hình thức trên chỉ giúp doanh nghiệp tồn tại, còn phát triển là rất khó.
Doanh nghiệp trong nước lép vế trước FDI
Tại hội nghị “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) cho biết Việt Nam đứng trong top đầu thế giới về tổng đàn gia cầm nhưng ngành chăn nuôi không bền vững, thị trường giá cả luôn bấp bênh, doanh nghiệp và nông dân đang lép vế trước các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Theo thống kê của VIPA, ở mảng chăn nuôi gà công nghiệp lông trắng, doanh nghiệp nội chỉ chiếm 10%, trong khi doanh nghiệp FDI chiếm 90% thị phần năm 2022. Còn với mảng gà lông màu công nghiệp, doanh nghiệp FDI chiếm 55%, doanh nghiệp nội chiếm 45% thị phần, trong khi con số này năm 2021 lần lượt là 40% và 60%. Hàng loạt doanh nghiệp nhỏ, hộ chăn nuôi thua lỗ, phải chuyển sang nuôi gia công cho các công ty FDI vì không thể cạnh tranh được.
Với công nghệ giống gà công nghiệp thịt lông trắng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 79% thị phần ở công đoạn giống nuôi bố mẹ để sản xuất ra con giống thương phẩm 1 ngày tuổi. Ở công đoạn nuôi gà thịt thương phẩm, Doanh nghiệp FDI cũng chiếm rất cao, khoảng 80% theo phương thức nuôi gia công.
(Nguồn: VIPA)
“Đứng trước các doanh nghiệp FDI được ví như “gã khồng lồ” trong ngành chăn nuôi, doanh nghiệp trong nước đang lép vế, còn nông dân như “người tí hon”, quy mô nhỏ đang bị loại dần ra khỏi cuộc chơi.
Trong khi số lượng nông hộ chăn nuôi giảm mạnh do thua lỗ trong thời gian qua thì các doanh nghiệp FDI vẫn đang mở rộng chăn nuôi tại Việt Nam và hiện đã áp đảo về sản lượng lợn thịt, gà thịt xuất chuồng…”, ông Nguyễn Thanh Sơn nói.
Phân khúc gà lông trắng giảm mạnh ở khu vực nuôi tự phát và giữ ổn định ở khu vực nuôi gia công để cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến thực phẩm. Gà trắng hiện nay với các doanh nghiệp chăn nuôi nước ngoài, trong chuỗi giá trị lợi nhuận nằm hết ở khâu thức ăn công nghiệp và chế biến, khâu con giống và chăn nuôi chủ yếu làm nền cho hai khâu còn lại nên có thời điểm nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng tặng kèm gà trắng giống khi người dân mua cám.
Giải pháp tăng năng suất chăn nuôi gà trắng
Vừa qua, Công ty TNHH Việt Pháp Quốc tế (Viphavet) đã phối hợp với Công ty TNHH Thuốc Thú Y Boehringer Ingelheim Việt Nam tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Xu hướng ngành gà trắng Việt Nam – Thách thức và Giải pháp” với sự tham gia của gần 100 quý khách hàng là các chủ trại, trưởng trại và kỹ thuật của công ty chăn nuôi gà trắng.
Anh Hoàng Ngọc Bình, chuyên gia kỹ thuật công ty Viphavet đã chia sẻ những kết quả thử nghiệm vắc xin Cúm H9 và Newcastle trên gà – là những bệnh gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi gà trắng.
Bà Nguyễn Thị The, chủ cơ sở chăn nuôi gà trắng chuỗi liên kết Deheus Việm The chia sẻ, “Viphavet & Boehringer Ingelheim đã cung cấp các loại vắc xin rất tốt và vượt trội. Nhờ có vắc xin mà chúng tôi đã cải thiện được một số vấn đề về chăn nuôi, đặc biệt là các dòng sản phẩm thay thế kháng sinh khá phù hợp ở thời điểm hiện tại là hạn chế kháng sinh để nâng cao an toàn sinh học.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, chủ cơ sở chăn nuôi Chí Thành cho biết, gà lông trắng là loại gà công nghiệp được nuôi phổ biến, tuy nhiên thời gian gần đây loại gà này có giá bán thấp, người tiêu dùng không mấy mặn mà với loại gà này, người chăn nuôi thua lỗ, không đem lại hiệu quả kinh tế.
Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch HTX Nông Nghiệp Công nghệ cao Long Thành Phát chia sẻ, “Được tiếp cận các thiết bị máy móc hỗ trợ chủng ngừa vắc xin, có đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho gà, chúng tôi hy vọng sẽ cải thiện môi trường chăn nuôi, tăng năng suất và gia tăng lợi nhuận”.
Triển vọng từ thị trường cho ngành chăn nuôi gà trắng
Theo AgroMonitor, sản lượng gà lông trắng của Việt Nam giảm 7% trong năm 2023 và có thể giữ nguyên trong nửa đầu năm 2024 cho tới khi nhu cầu tiêu thụ chung toàn thị trường tốt hơn, đặc biệt là tiêu thụ của kênh bếp ăn tập thể.
Giá gà nội địa hiện đang khá cạnh tranh so với các nước, cung-cầu thịt gà đã tương đối cân bằng nên nhập khẩu thịt gà của Việt Nam không còn bùng nổ như những năm trước, nhất là sau khi Trung Quốc tăng mua tại kênh biên mậu.
Mỹ hiện là nhà cung ứng thịt gà lớn nhất cho Việt Nam với thị phần từ 30-50%. Hiện nay, thuế nhập khẩu thịt gà từ Mỹ phổ biến ở mức 20%. Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9/2023 của Tổng thống Mỹ Biden, thuế nhập khẩu thịt các loại của Việt Nam từ Mỹ có thể giảm về mức 0% trong thời gian tới khi hiệp định thương mại toàn diện giữa 2 nước được ký kết.
Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm mạnh, đặc biệt là giá ngô, lúa mỳ… giúp cho các doanh nghiệp và người chăn nuôi tiếp cận giá cám tốt hơn, giảm chi phí chăn nuôi.
Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu thịt gà của Việt Nam sẽ tăng là không đáng kể do hiện nay Việt Nam vẫn là điểm nóng về dịch Cúm gia cầm, lượng gà sản xuất chủ yếu dùng cho tiêu thụ nội địa, khó kỳ vọng vào việc đẩy mạnh xuất khẩu.
Hình 1. Biểu đồ so sánh giá gà thịt lông trắng các tháng năm 2022 và 2023
(Nguồn: Cục Chăn nuôi)
Thu Hằng
Là những “ông trùm” về gà trắng, song những năm gần đây các doanh nghiệp nước ngoài như C.P, Jafa… cũng đã chuyển hướng sang làm giống gà lông màu. Với thế mạnh về gia công và chế biến các doanh nghiệp này đã chiếm được thị phần nhất định trên thị trường.
Qua đó, cho thấy thực tế ngành chăn nuôi gà trắng vẫn sẽ tồn tại, song chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ và chỉ nằm trong chuỗi đủ để phục vụ nguyên liệu đầu vào cho ngành chế biến thực phẩm.