Hợp tác kỹ thuật, thương mại và chăn nuôi bò thịt Việt – Australia
“Hội nghị về tăng cường hợp tác kỹ thuật, thương mại và đầu tư ngành chăn nuôi bò thịt Việt – Australia” diễn ra ngày 14/11 tại Hà Nội.
Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm tại “Hội nghị kỹ thuật về tăng cường hợp tác kỹ thuật, thương mại và đầu tư ngành chăn nuôi bò thịt Việt – Australia”. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN
Đây là hội nghị được tổ chức trong khuôn khổ dự án Hợp tác phát triển thương mại và đổi mới trong lĩnh vực thịt bò và gia súc giữa Australia và Việt Nam là dự án do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ trong khuôn khổ Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Australia – Việt Nam (AVEG).
Hội nghị được tổ chức bới Đại học Griffith – Australia, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty Tư vấn FocusGroup Go.
Hội nghị có sự tham gia của hơn 100 đại biểu, bao gồm các đại diện từ khối chính phủ, các chuyên gia kỹ thuật, các hiệp hội ngành, doanh nghiệp, các trường đại học và các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực chăn nuôi bò thịt của cả Việt Nam và Australia. Mục tiêu chính của hội nghị nhằm tăng cường đổi mới, hợp tác kỹ thuật, đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Australia trong các lĩnh vực chủ chốt, nhằm cải thiện sự phát triển của ngành chăn nuôi bò thịt tại Việt Nam.
Thông qua các thảo luận kỹ thuật sẽ giúp xác định các lĩnh vực và cơ hội mà từ đó hai quốc gia Việt Nam và Australia có thể tận dụng thế mạnh và trình độ kỹ thuật của mình để nâng cao năng suất cũng như hiệu quả kinh tế.
Phiên thảo luận tại “Hội nghị về tăng cường hợp tác kỹ thuật, thương mại và đầu tư ngành chăn nuôi bò thịt Việt – Australia”. Ảnh: Hằng Trần
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đây là một dấu ấn quan trọng, khép lại 50 năm mối quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Australia để mở ra cho giai đoạn 50 năm tiếp theo quan hệ sâu hơn và bền vững hơn trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trong những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực, và nâng cao thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Năm 2022, GDP nông lâm thủy sản tăng 3,36%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây, trong đó nông nghiệp tăng 2,88%; thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%. Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện; trong đó, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Thị trường xuất khẩu không ngừng mở rộng, nông sản Việt Nam hiện đã có mặt trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục là 53,53 tỷ USD.
Năm 2022, ngành chăn nuôi Việt Nam đóng góp 25,26% vào GDP của ngành nông nghiệp, giúp người dân gia tăng thu nhập, tạo nhiều việc làm cho người lao động và được xác định là ngành chủ lực, quan trọng. Việt Nam trở thành quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 thế giới về số lượng đầu con và đứng thứ 6 về sản lượng thịt lợn.
Đối với tiểu ngành chăn nuôi bò thịt Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận, hoạt động sản xuất đã phát triển theo hướng trang trại, tập trung, chuyên nghiệp hơn. Nhiều chính sách hỗ trợ về nghiên cứu khoa học, khuyến nông, khuyến khích đầu tư, kiểm soát dịch bệnh… đã và đang đi vào thực tiễn. Nhiều tiến bộ kỹ thuật được nghiên cứu, cập nhật và chuyển giao cho sản xuất, nhất là các tiến bộ kỹ thuật về giống, chuồng trại và thức ăn dinh dưỡng cho bò thịt.
Tuy nhiên, trong 9 tháng năm 2023, tổng sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng cả nước mới đạt 373 nghìn tấn (tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022). Tính bình quân cả năm lượng thịt bò mới chỉ đáp ứng được khoảng 45-50% nhu cầu tiêu dùng trong nước, còn lại phải nhập khẩu.
Ngài Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski cho biết, hội nghị đóng vai trò là nền tảng để xác định cơ hội cho cả hai quốc gia áp dụng và triển khai các công nghệ và thực hành tiên tiến trong ngành bò thịt, đảm bảo ngành này duy trì tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, hội nghị cũng giúp tăng cường hợp tác song phương giữa Australia và Việt Nam trong ngành bò thịt bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho sự tương tác giữa các quan chức Chính phủ, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu, thúc đẩy các mối quan hệ cùng có lợi và liên kết sản xuất kinh doanh ngành hàng bò thịt bền vững.
Tại hội nghị các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề như: thực trạng và các ưu tiên ngành chăn nuôi bò thịt, thị trường, tình hình thương mại; chia sẻ các giải pháp đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong lĩnh vực chăn nuôi bò thịt; hệ thống thức ăn thô xanh và vỗ béo có lợi nhuận; cải thiện giống và di truyền ở Việt Nam…
Các đại biểu cũng đề cấp đến việc ứng dụng các phương pháp nhân giống và cải tiến di truyền; hiện đại hóa hệ thống chế biến, gia tăng giá trị và tính toàn vẹn cũng được các đại biểu đê cập tới; tập trung vào tìm hiểu các thách thức mà ngành bò thịt ở cả Việt Nam và Australia phải đối mặt, từ đó tìm ra các giải pháp thúc đẩy hợp tác và đổi mới công nghệ giữa Australia và Việt Nam trong lĩnh vực chăn nuôi bò thịt./.
Hằng Trần/BNEWS/TTXVN