Hội Chăn nuôi Việt Nam: Thắt chặt mối liên kết giữa các tỉnh Hội

Một trong những nội dung quan trọng của Hội Chăn nuôi Việt Nam trong nhiệm kỳ 2022-2027 là tăng cường năng lực Hội thông qua hệ thống các tỉnh hội.

Ngày 15/9, tại Trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Chăn nuôi Việt Nam (Hội) phối hợp với Hội Chăn nuôi Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá hoạt động công tác hội của các địa phương khu vực phía Bắc. TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam chủ trì hội nghị.

Đây là lần đầu tiên diễn ra Hội nghị liên kết giữa Trung ương Hội và các tỉnh hội, đánh dấu sự đổi mới trong công tác hoạt động Hội ở nhiệm kỳ mới. Với mục đích chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và bài học hoạt động từ Hội và các tỉnh hội địa phương để củng cố, đổi mới cách thức hoạt động, đẩy mạnh công tác triển khai hợp tác quốc tế. Hội nghị đã thu hút hơn 30 đại biểu đại diện cho các tỉnh hội miền Bắc (từ Huế trở ra) tham dự.

Toàn cảnh hội nghị

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh hội đã có những ý kiến chia sẻ kinh nghiệm về công tác hoạt động thời gian qua cũng như đề xuất các ý kiến đóng góp nhằm phát triển mối liên kết giữa Hội và Hội chăn nuôi các tỉnh.

Đánh giá chung về công tác hoạt động, TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội cho biết, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, bất cập; nhưng nhiều tổ chức hội Chăn nuôi và Chăn nuôi, Thú y của các địa phương có tiềm năng chăn nuôi ở khu vực các tỉnh phía Bắc vẫn được duy trì, bám sát chức năng nhiệm vụ, phù hợp với đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác hội và hoạt động chăn nuôi, thú y. Hầu hết các tổ chức hội ở các địa phương không có vi phạm pháp luật.

Một số tỉnh hội đã có những đóng góp tích cực cho phong trào phát triển chăn nuôi, phát triển tổ chức hội trong địa bàn và chủ động phối hợp có hiệu quả với Hội TW, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, người chăn nuôi tạo thông tin, động lực và nguồn lực cho công tác hội.

Theo ông Phạm Quang Phúc, Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Nguyên, dù điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn về kinh phí, song, thời gian qua Hội Chăn nuôi và Thú y Thái Nguyên vẫn làm tốt vai trò của mình thông qua các hoạt động kết nối tổ chức các buổi hội thảo kỹ thuật, kết nối doanh nghiệp. Điểm nhấn trong nhiệm kỳ vừa qua là hội đã kết nối được với Tập đoàn Samsung trên địa bàn, tiếp nhận 5.000 tấn thức ăn thừa đã được xử lý từ Samsung cho hội viên của hội sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, giúp các thành viên hội tiết kiệm chi phí sản xuất trong bối cảnh giá TACN tăng cao hiện nay.

Ông Phạm Quang Phúc, Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Nguyên

Còn theo chia sẻ từ bà Lưu Thị Chỉ, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm và Trang trại nông nghiệp Thái Bình, nhằm khắc phục điểm yếu về kinh phí hoạt động, Hiệp hội chủ động kết nối với cơ quan chính quyền địa phương, Sở Nông nghiệp, Khuyến nông của tỉnh để phối hợp tổ chức các hoạt động tập huấn kiến thức, chuyển giao kỹ thuật, kết hợp với các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh tổ chức các buổi hội nghị, hội thảo với chủ đề đa dạng, mỗi năm từ 10-15 hội nghị, hội thảo. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng rất chú trọng việc cập nhật thông tin thị trường, khoa học cho hội viên của mình.

Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động hội thời gian vừa qua tại các địa phương cũng được cho là gặp không ít những khó khăn, thách thức. Theo TS. Nguyễn Ngọc Sơn, kinh phí duy trì hoạt động của các tỉnh hội hiện nay chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí của tỉnh, thông qua tiết kiệm từ các hoạt động tập huấn chuyên môn, xây dựng chính sách pháp luật của các giai đoạn trước để lại.

“Nhìn chung, các hội trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y của các địa phương đang rất thiếu kinh phí cho các hoạt động nghiệp vụ”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhận định.

Bên cạnh đó, hầu hết các ý kiến đều nhất trí rằng, yếu tố con người cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự phát triển của một tổ chức hội. Các địa phương đều thống nhất quan điểm cần trẻ hóa nhân sự hội, củng cố lại đội ngũ hội viên, vận động thêm các hội viên trẻ, hội viên doanh nghiệp để công việc tổ chức hoạt động thuận tiện hơn.

“Yếu tố con người là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển trong hoạt động của hội, hiệp hội. Chính vì vậy, khi các thành viên gia nhập hiệp hội, chúng tôi luôn nhìn vào sự tâm huyết của họ, ưu tiên nhận thành viên nhiệt tình, ưu tiên người thật việc thật”, bà Chỉ chia sẻ thêm.

Trong hội nghị lần này, đề xuất được nhiều đại biểu đưa ra và nhất trí đó là mong muốn Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức các buổi tập huấn cho các hội viên tại địa phương, thông qua các buổi tập huấn này có thể chia sẻ các vấn đề liên quan tới công tác hoạt động của Hội cho các hội viên địa phương học hỏi và áp dụng.

Tham dự và chia sẻ tại Hội nghị, PGS.TS Hoàng Kim Giao, Trưởng ban Tư vấn phản biện Hội đánh giá cao nội dung của hội nghị. “Đây là sự sáng tạo trong công tác tổ chức hoạt động của lãnh đạo Hội nhiệm kỳ mới. Thông qua cuộc họp sẽ giúp mọi người hiểu nhau hơn, thông cảm hơn với nhau trong công việc, trong quá trình hoạt động và quan trọng hết là các thành viên giữa Hội và các tỉnh hội có dịp học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, từ đó sẽ có những cách tổ chức và hoạt động tốt hơn sau này”, PGS. TS Hoàng Kim Giao bày tỏ.

PGS.TS Hoàng Kim Giao cho rằng, các tỉnh Hội muốn hoạt động tốt thì cần có đề án cụ thể trong mỗi dự án, như vậy mới nhận được sự ủng hộ của các lãnh đạo và cơ quan đương ngành, thu hút được sự ủng hộ của các doanh nghiệp. Cùng với đó, PGS.TS Hoàng Kim Giao cũng hoàn toàn nhất trí với ý kiến của của đại biểu về vấn đề chú trọng tới yếu tố con người.   

Cũng tại Hội nghị, TS. Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cam kết sẽ luôn đồng hành, quan tâm hỗ trợ cho Hội cũng như các tỉnh hội tổ chức các hội thảo, hội nghị quy mô quốc gia. Ông cũng cho rằng, Hội cần tiếp tục đề được ra những chính sách để hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp. Đối với các tỉnh hội, có thể liên kết giữa các hội làm vườn, hội thú y, hội chăn nuôi nhằm nâng cao công tác hoạt động và thu hút quan tâm từ các cơ quan nhà nước.

Ông Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Kết luận tại Hội nghị, TS. Nguyễn Xuân Dương nhận định, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là sự chung tay chia sẻ trách nhiệm, đóng góp cho hoạt động của hệ thống Hội. Đồng thời, xác định rõ vai trò quan trọng của các tỉnh hội phải gắn liền với chăn nuôi nông hộ tại mỗi cơ sở. Hội chăn nuôi các tỉnh ngoài việc phục vụ cho ngành, cũng cần có những chia sẻ đối với người chăn nuôi nhỏ lẻ.

“Các tập đoàn lớn như C.P, DeHeus, TH, Cargill… Hội đều đã có mối liên kết và làm việc trực tiếp. Nhưng đối với các tổ chức hợp tác xã, nông hộ thì các tỉnh hội địa phương là đơn vị tiếp xúc chính. Chính vì vậy, Hội muốn làm tròn được sứ mệnh “tạo ra ngành chăn nuôi phát triển bền vững” thì cần sự hỗ trợ rất lớn từ các đơn vị tỉnh hội, những người gắn bó trực tiếp tới người chăn nuôi ở các địa phương”, TS. Nguyễn Xuân Dương nhận định.

TS Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam

“Phải tạo được sự khác biệt giữ người tham gia Hội và người chưa tham gia Hội, doanh nghiệp tham gia Hội và doanh nghiệp chưa tham gia hội, có như vậy Hội Chăn nuôi Việt Nam mới được đánh giá là phát triển và hoạt động tốt”, TS. Nguyễn Xuân Dương kết luận.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm

Từ sự thành công của Hội nghị lần này, dự kiến Hội sẽ tiếp tục triển khai Hội nghị đánh giá hoạt động công tác hội của các địa phương khu vực phía Nam trong thời gian tới.

Phạm Huệ

Tính đến thời điểm tháng 8/2023, có 13 tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc đang có tổ chức hội lĩnh vực chăn nuôi, thú y, chiếm 41,9% so với khu vực các tỉnh phía Nam; các tỉnh/thành phố chưa có tổ chức hội trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y hiện còn khoảng 55-58%. Hai địa phương có 2 tổ chức độc lập là Hà Nội (Hội Chăn nuôi Hà Nội và Hội Thú y Hà Nội), Thái Bình (Hội Chăn nuôi Thú y Thái Bình; Hiệp hội Gia cầm và Trang trại nông nghiệp Thái Bình). Số lượng hội viên trung bình trong một tỉnh hội biến động từ 300-800 người.

Lượt xem: 2
Nguồn:nhachannuoi.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật