Đi tìm bản đồ miễn dịch cho ngành chăn nuôi
Chỉ khi hiểu thấu hệ miễn dịch vật nuôi, chúng ta mới vẽ được bản đồ kiểm soát dịch bền vững cho ngành chăn nuôi Việt Nam.
Từ trái sang: TS. Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam; TS. Nguyễn Kiên Cường, Phó Trường Khoa Chăn nuội Thú y, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh; GS.TS Nguyễn Ngọc Hải, Giảng viên khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chi Minh trong hội thảo khoa học “Dịch tả heo châu Phi: Đặc điểm miễn dịch và giải pháp vaccine phòng bệnh”
Giải mã miễn dịch vật nuôi
Virus gây bệnh dịch tả heo châu Phi (ASFV) lẩn tránh miễn dịch cực kỳ tinh vi và biến đổi nhanh chóng, vaccine chỉ hiệu quả khi kích hoạt trúng đích và triển khai đồng bộ với các giải pháp phòng bệnh khác. Đó là những thông điệp mạnh mẽ được đưa ra tại “Hội nghị chuyên đề khoa học chăn nuôi – thú y” diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi (ASF) vẫn đang là mối đe dọa lớn nhất đối với ngành chăn nuôi Việt Nam.
ASF không còn là hiểm họa nhất thời. Hơn 100 năm kể từ khi ASFV được phát hiện lần đầu, thế giới vẫn chưa có vaccine thương mại hiệu quả và an toàn tuyệt đối. Việt Nam, một quốc gia có tỷ lệ chăn nuôi nông hộ cao lại càng dễ bị tổn thương trước dịch bệnh này. Với tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ chết gần như 100% và khả năng tồn tại lâu dài trong môi trường, ASFV đã khiến hàng triệu con heo bị tiêu hủy, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho người chăn nuôi.
GS.TS Nguyễn Ngọc Hải, chuyên gia đầu ngành từ Trường Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh nhận định: “ASF là một trong những virus thông minh nhất mà chúng tôi từng nghiên cứu. Nó không chỉ tấn công vào hệ miễn dịch mà còn biết cách vô hiệu hóa những cơ chế phòng thủ mạnh nhất của cơ thể vật nuôi. ASFV đặc biệt nhắm vào các tế bào trình diện kháng nguyên như đại thực bào và tế bào tua, vốn là hàng rào miễn dịch đầu tiên, từ đó khiến cơ thể heo không thể nhận diện được mối nguy”.
Nghiên cứu mới từ nhóm GS. Tian (2024) cho thấy, ASFV làm giảm đáng kể tế bào lympho B (biểu hiện CD21). Khi tế bào lympho B giảm, khả năng biệt hóa thành tương bào sản xuất kháng thể và kích thích đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào cũng giảm theo. Điều này lý giải vì sao nhiều loại vaccine chỉ tạo được kháng thể nhưng không bảo vệ được heo khỏi chết. GS. Hải khẳng định: “Câu chuyện miễn dịch ở ASF không dừng lại ở kháng thể. Miễn dịch tế bào mới là nhánh quyết định. Phải huy động được tế bào T độc, T trợ lý, tế bào NK thì mới mong chống đỡ hiệu quả”. Tuy nhiên, ASFV còn tinh vi hơn thế, nó có thể kích hoạt miễn dịch ban đầu, nhưng sau đó lập tức làm tê liệt chức năng của chính các tế bào miễn dịch này. Một cơ chế tựa như “gài mìn”, khi cơ thể tưởng đã chống lại được virus thì thực chất đã rơi vào trạng thái suy kiệt miễn dịch. Điều này dẫn đến tình trạng heo chết nhanh dù xét nghiệm cho thấy đã có đáp ứng miễn dịch.
Từ những phát hiện đó, các chuyên gia nhận định rằng, muốn phát triển vaccine hiệu quả phải xây dựng dựa trên hiểu biết toàn diện về miễn dịch học, đặc biệt là cơ chế tương tác giữa virus và từng nhóm tế bào. Việc sử dụng các dòng vaccine sống nhược độc, vector hoặc tổ hợp protein phải có chiến lược rõ ràng về đối tượng, thời điểm và liều lượng tiêm.
Ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty AVAC Việt Nam, đơn vị đang triển khai vaccine AVAC ASF LIVE cho biết: “Cần đánh giá đúng vai trò của vaccine, không nên xem vaccine là đũa thần. Một loại vaccine dù tốt nhưng chỉ đạt hiệu quả cao nếu được tiêm đúng quy trình, đúng đối tượng. Để bảo vệ đàn vật nuôi tốt, cần có sự kết hợp giữa vaccine và các giải pháp an toàn sinh học khác. Vaccine chỉ là một trong số những lớp lá chắn hiệu quả, giúp bảo vệ đàn vật nuôi khỏi dịch bệnh. Vaccine vẫn có có những hạn chế nhất định”.
Theo ông Điệp, sai lầm phổ biến là người nuôi nghĩ rằng đã tiêm phòng là có bảo hộ ngay, họ không kết hợp kiểm soát môi trường, phương tiện, người ra vào, làm virus vẫn dễ dàng xâm nhập và phát tán. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu khi mới tiêm vaccine, lúc này vaccine chưa kích thích hệ miễn dịch sinh đủ khả năng bảo hộ, nếu để mầm bệnh vào trại và làm phơi nhiễm với vật nuôi, thì dịch bệnh vẫn nổ ra. Mặc dù vaccine dùng để phòng bệnh, không phải thuốc chữa bệnh, nhưng nhiều trường hợp người chăn nuôi vân đưa vaccine vào những cá thể hay đàn đã nhiễm bệnh, vaccine sẽ không kịp sinh ra miễn dịch bảo hộ, dịch vẫn nổ ra, từ đó đưa ra đánh giá không đúng về tính hiệu quả của vaccine. Ngoài ra, các vaccine thương mại hiện tại không thể bảo hộ hiệu quả với biến chủng lai giữa genotype I và lI, mặc dù tỷ lệ lưu hành của loại này vẫn là thiểu số.
Vấn đề quan trọng là cần xác định đúng đối tượng tiêm phòng. Tới thời điểm này, vaccine mới được cấp phép sử dụng cho lợn thịt và đang trong quá trình đăng ký bổ sung dùng cho lợn giống. Tuy nhiên, đứng trước nguy cơ dịch bệnh, người chăn nuôi tự quyết định đưa vaccine vào sử dụng cho đối tượng lợn giống, nếu đưa vaccine không đúng lứa tuổi (đặc biệt tiêm cho lợn mang thai giai đoạn 3) sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe và năng suất vật nuôi.
Thực tế cho thấy, một số trại chăn nuôi sau khi tự ý tiêm vaccine cho lợn giống vẫn ghi nhận các trường hợp rối loạn sinh sản, giảm tỷ lệ đậu thai hoặc có heo mang virus dù không có triệu chứng. Nhiều trường hợp đưa vaccine vào những đàn đang nổ dịch khiến vaccine không phát huy hiệu quả phòng bệnh. Những ca bệnh này cho thấy, cần có hướng dẫn kỹ thuật chi tiết hơn, rõ ràng cho từng nhóm đối tượng, đặc biệt là heo nái, heo con và heo thịt, để người dân có cơ sở đưa ra lựa chọn và sử dụng hợp lý nhất. Không thể tiêm đại trà rồi phó mặc.
Trên thực tế, nhiều quốc gia đã từng nỗ lực tìm cách khống chế ASF bằng cách loại bỏ heo bệnh theo mô hình “tiêu hủy triệt đế”, nhưng bài học từ Trung Quốc, Philippines hay cả châu Âu cho thấy, tiêu hủy mà không kiểm soát tốt miễn dịch cộng đồng và an toàn sinh học chỉ giúp dịch tạm lắng, chứ không biến mất. Virus vẫn có thể “ẩn mình” trong đàn heo nhiễm không triệu chứng, hoặc tôn tại lầu dài trong các mô như hạch lympho, lá lách, thậm chí cả tinh dịch… gây nguy cơ lây lan âm thầm và bùng phát bất cứ lúc nào.
Tại Việt Nam, nhiều địa phương từng công bố “xóa dịch” nhưng sau vài tháng, virus lại tái xuất trong chính khu vực cũ, thậm chí còn mạnh hơn do sự thay đổi độc lực hoặc do chủng tái tổ hợp. Do đó, thay vì chỉ chạy theo xử lý hậu quả, các nhà khoa học đang thúc đẩy hướng tiếp cận chủ động hơn, phòng bệnh dựa trên hiểu biết sâu về hệ miễn dịch của vật nuôi, đặc biệt là cơ chế tương tác giữa virus và các tế bào miễn dịch chủ chốt.
Một trong những điểm mấu chốt hiện nay là xác định đúng thời điểm và đối tượng tiêm chủng. Không phải tất cả heo đều đáp ứng miễn dịch giống nhau. Heo nái đang mang thai, heo con mới cai sữa hay heo thịt sắp xuất chuồng đều có đặc điểm sinh lý và miễn dịch khác nhau. Nếu tiêm không đúng thời điểm, không chỉ lãng phí vaccine mà còn có thể gây rối loạn sinh sản hoặc làm giảm năng suất đàn. Ngoài ra, kháng thể mẹ truyền cũng là yếu tố cần lưu tâm, bởi chúng có thể làm “nhiễu” kết quả xét nghiệm ELISA, khiến không thể phân biệt được heo đã được tiêm vaccine hay đang trong giai đoạn nhiễm tiềm ẩn.
Tại hội nghị, phần tham luận của nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh dựa trên khảo sát thực địa tại nhiều tỉnh phía Nam đã phát hiện rằng, việc tiêm vaccine mà không kiểm tra trước tình trạng mang trùng đã khiến một số trại trở thành ổ chứa virus tiềm ẩn. Họ khuyến nghị nên kết hợp định kỳ xét nghiệm PCR và ELISA để phân biệt kháng thể do tiêm vaccine và do nhiễm tự nhiên. Đồng thời, cần nghiên cứu phát triển loại vaccine có thể phân biệt được nguồn gốc kháng thể (vaccine DIVA).
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò của các biện pháp bổ trợ như sử dụng chế phẩm tăng cường miễn dịch (beta-glucan, selenium, probiotics…), cải thiện dinh dưỡng đàn heo và đào tạo người chăn nuôi về nguyên tắc miễn dịch học cơ bản. ASFV có thể truyền qua không khí, phân, nước, dụng cụ, chỉ một mắt xích lỏng lẻo cũng đủ làm bùng phát dịch. Vì vậy, chiến lược vaccine phải đi cùng hệ thống giám sát, hỗ trợ kỹ thuật tại cơ sở và quản lý truy xuất chặt chẽ.
Tham luận của chuyên gia quốc tế từ tổ chức Emerging Microbes & Infections cung chia sẻ kết quả nghiên cứu vaccine Ad2-ASFV cocktail (chứa các gen p30, p54, CD2v, p72) đã cho thấy hiệu quả bảo vệ cao ở heo thí nghiệm. Đặc biệt, vaccine này kích hoạt mạnh mẽ tế bào T sinh interferon-gamma, đây là yếu tố được xem là chỉ điểm của miễn dịch bảo hộ thực sự. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh:”Hiệu quả trong phòng thí nghiệm không có nghĩa sẽ thành công ở ngoài thực địa nếu thiếu đi hệ thống kiểm soát đồng bộ”.
“Chìa khóa kiểm soát ASF không nằm ở một loại vaccine thần kỳ, mà nằm ở sự thấu hiếu hệ miễn dịch, sự đầu tư bài bản cho nghiên cứu và đặc biệt là một hệ sinh thái phòng bệnh đồng bộ từ Nhà nước đến từng nông hộ”, GS.TS Nguyễn Ngọc Hải khẳng định.
Thay đổi từ tư duy tiêm phòng
Tương lai kiểm soát ASF sẽ không đến từ một phép màu, mà đến từ khoa học, cộng tác và hành động thực tế. Đó là thông điệp rõ ràng nhất được gửi đến từ hội nghị lần này.
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều dịch bệnh mới nối, ASF là minh chứng điển hình cho thách thức giữa tiến bộ công nghệ và diễn biến bất ngờ của dịch tễ học. Việt Nam, với vai trò là một trong những trung tâm chăn nuôi lớn của khu vực, cần tận dụng cơ hội này để nâng cấp toàn diện hệ thống kiểm soát dịch bệnh: từ đổi mới chính sách kiểm dịch, nâng cao trình độ cán bộ thú y tuyền cơ sở, đến khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển vaccine và công nghệ miễn dịch.
Giải pháp tương lai không thể dừng lại ở vaccine, mà còn cần một chiến lược liên ngành: tích hợp dữ liệu dịch tễ quốc gia; xây dựng bản đồ vùng dịch theo thời gian thực; liên kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân để tạo thành chuỗi phản ứng nhanh khi có ổ dịch mới. Công nghệ số, Al và big data hoàn toàn có thể hỗ trợ dự báo nguy cơ, khoanh vùng dịch và tối ưu hoá nguồn lực can thiệp.
Thêm vào đó, việc thúc đẩy các chương trình đào tạo miễn dịch học ứng dụng, miễn dịch học thú y cho cán bộ địa phương và người chăn nuôi là bước đi dài hạn nhưng căn cơ. Khi người trực tiếp chăm sóc đàn vật nuôi hiểu được các cơ chế miễn dịch, họ sẽ có khả năng ra quyết định chính xác hơn trong chăm sóc, tiêm chủng, phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi có dấu hiệu bất thường.
Một mô hình lý tưởng trong tương lai là xây dựng các “trạm miễn dịch cộng đồng”, nơi hỗ trợ xét nghiệm định kỳ, tư vấn kỹ thuật tiêm phòng, phân tích nguy cơ theo mùa vụ và kiểm soát chặt chẽ luồng heo từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Khi đó, vaccine sẽ chỉ là một mảnh ghép trong bức tranh phòng dịch tổng thể, chứ không phải là yếu tố duy nhất được trông chờ.
T.P
“Chống ASF không phải là cuộc chiến ngắn hạn. Đó là hành trình đòi hỏi sự bền bỉ, sự đoàn kết và tinh thần cải tiền không ngừng từ mọi phía. Chỉ khi nào hiểu được hệ miễn dịch vật nuôi như chính cách chúng ta hiểu một xã hội vận hành, với nhiều mắt xích, yếu tố tác động và sự phụ thuộc lẫn nhau, chúng ta mới thực sự làm chủ được tương lai của ngành chăn nuôi Việt Nam”.
GS.TS Nguyễn Ngọc Hải