Bộ Nông nghiệp và Môi trường chuẩn hóa 84 thủ tục hành chính lĩnh vực chăn nuôi và thú y
Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ban hành Quyết định công bố 84 thủ tục hành chính chuẩn hóa trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y. Đây không chỉ là một bước tiến lớn trong cải cách hành chính mà còn mở ra cơ hội thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong việc tiếp cận và thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến ngành nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi và thú y.
84 thủ tục được chuẩn hóa, minh bạch, dễ tiếp cận và thực hiện
Cụ thể, có 29 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực chăn nuôi và 55 thủ tục thuộc lĩnh vực thú y được rà soát, chuẩn hóa đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Theo đó, đối với lĩnh vực chăn nuôi, có 19 thủ tục hành chính cấp Trung ương, 8 thủ tục cấp tỉnh và 2 thủ tục cấp huyện.
Các thủ tục hành chính được chuẩn hóa trong lĩnh vực chăn nuôi gồm: Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại, thức ăn chăn nuôi theo đặt hàng; Cấp giấy phép nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có chứa chất mới để khảo nghiệm, nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm, làm mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm hoặc sản xuất, gia công nhằm mục đích xuất khẩu; Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại, thức ăn chăn nuôi theo đặt hàng (Tw);
Cùng với đó, nhập khẩu lần đầu đực giống, tinh, phôi, giống gia súc; Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi chưa được công bố thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Thay đổi thông tin sản phẩm thức ăn bổ sung; Thừa nhận phương pháp thử nghiệm thức ăn chăn nuôi của phòng thử nghiệm nước xuất khẩu; Thừa nhận quy trình khảo nghiệm và công nhận thức ăn chăn nuôi của nước xuất khẩu; Trao đổi nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm; Xuất khẩu giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi trong Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu phục vụ nghiên cứu khoa học, triển lãm, quảng cáo;…
Đối với lĩnh vực thú y, có 44 thủ tục cấp Trung ương, 11 thủ tục cấp tỉnh.
Các thủ tục hành chính được chuẩn hóa trong lĩnh vực thú y gồm: Cấp, gia hạn Chứng chỉ hành nghề thú y thuộc thẩm quyền của Cục Thú y (gồm: Sản xuất, kiểm nghiệm, khảo nghiệm, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc thú y); Cấp lại Chứng chỉ hành nghề thú y (trong trường hợp bị mất, sai sót, hư hỏng; có thay đổi thông tin liên quan đến cá nhân đã được cấp Chứng chỉ hành nghề thú y); Cấp Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật; Cấp Giấy chứng nhận, cấp lại giấy chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật;…
Bên cạnh đó, một số thủ tục liên quan tới cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc thú y; Đăng ký kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu để tiêu thụ trong nước; Đăng ký vận chuyển mẫu bệnh phẩm thủy sản; Đăng ký kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam; Đăng ký kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu; Đăng ký vận chuyển mẫu bệnh phẩm động vật trên cạn; Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn xuất khẩu; Cấp giấy vận chuyển mẫu bệnh phẩm thủy sản…
Bộ Nông nghiệp và Môi trường chuẩn hóa 84 thủ tục hành chính lĩnh vực chăn nuôi và thú y
Doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ
Việc chuẩn hóa thủ tục hành chính tạo ra môi trường minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, giống vật nuôi… tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí khi thực hiện thủ tục.
Nổi bật là việc thống nhất đầu mối trong xử lý hồ sơ. Theo đó, Cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan thực hiện phần lớn thủ tục, giúp tránh phân tán trong xử lý hồ sơ.
Đặc biệt, các thủ tục hành chính đều quy định rõ hồ sơ điện tử, quy trình xử lý trực tuyến. Đồng thời, áp dụng biểu mẫu dùng chung, chuẩn hóa hồ sơ, giúp người dân dễ tiếp cận và sử dụng đúng quy định ngay từ lần đầu.
Việc chuẩn hóa không chỉ phục vụ doanh nghiệp mà còn giúp nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh và chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Ví dụ, quy trình cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh, hay chứng chỉ hành nghề thú y đã được thiết kế lại chi tiết, có điều kiện cụ thể về trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, tiêu chuẩn cơ sở vật chất.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng quy định rõ trách nhiệm, thời hạn xử lý, phí – lệ phí trong từng thủ tục, đảm bảo tính minh bạch và chống tiêu cực.
Minh Khang
Bộ Nông nghiệp & MT