Xuất khẩu trái cây: Tạo mã số vùng trồng để đảm bảo chất lượng

9 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam ước đạt 2,77 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2020. Thị trường xuất khẩu trái cây rất rộng mở, tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại đó là vùng nguyên liệu và chất lượng sản phẩm. Tạo các mã số vùng trồng, giúp “định danh” nông sản để mở rộng vùng nguyên liệu xuất khẩu được các doanh nghiệp kiến nghị.

Lo ngại thiếu vùng nguyên liệu chất lượng

Trái cây tươi- sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Công ty Vina T&T tới các thị trường như Mỹ, EU… Tại Diễn đàn "Kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Đồng Tháp năm 2021" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 16/10, ông Nguyễn Đình Tùng- Giám đốc Công ty Vina T&T cho biết, mặc dù doanh nghiệp sớm hợp tác và đẩy mạnh liên kết với Đồng Tháp - địa phương có thế mạnh về xoài, nhãn, sầu riêng và một số nông sản khác. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp cũng đối diện với rất nhiều khó khăn cả khách quan và chủ quan. Đơn cử, chất lượng trái cây năm nay của Đồng Tháp không bằng mọi năm, người dân không đảm bảo được khâu chăm sóc, và có thể dẫn tới thiếu hàng xuất khẩu thời gian tới. Đồng Tháp đang tái cơ cấu cây trồng, từ nhãn sang sầu riêng, nhưng hiện sầu riêng chưa xuất được chính ngạch sang Trung Quốc. Người trồng trái cây trong nước chưa có nhiều thông tin về tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu. “EU ưa chuộng thanh long dưới 300g, còn Mỹ lại trên 450g, nhưng không phải đơn vị nào cũng biết điều này”, ông Tùng lấy ví dụ.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang chịu tác động rất lớn về thời gian vận chuyển kéo dài, tăng chi phí cho doanh nghiệp. Ví dụ, hàng xuất Mỹ, vận chuyển hơn 3 tuần, nhưng mất thêm khoảng 3 tuần nữa để nhập kho do hải quan chỉ làm việc 50%. Hàng đi Trung Quốc, trước là từ 4-5 ngày, nhưng giờ tăng thành 7-8 ngày do chậm thông quan.

trong 9 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam ước đạt 2,77 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2020.

9 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam ước đạt 2,77 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2020

Đánh giá về chất lượng trái cây tươi, ông Paul Le- Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Group Việt Nam- cho biết, vài tháng trước, Central Group đã đến Đồng Tháp và cảm thấy chưa hài lòng khi sản phẩm trong siêu thị chất lượng không cao như trong các nhà vườn. Với hệ thống siêu thị trải dài trong toàn quốc, Central Group đang định hướng sẽ tập trung vào các sản phẩm chất lượng cao, trong đó ở Đồng Tháp có các sản phẩm như xoài, cá basa, gạo… Do đó, Central Group sẽ đưa ra những yêu cầu về sản lượng để có thể cung cấp cho hệ thống siêu thị của Central Group cả trong nước và ở thị trường nước ngoài.

Có kế hoạch xây dựng điểm thu mua tại Đồng Tháp cho 3 sản phẩm chính là xoài, sầu riêng và mít, trong đó xoài sẽ phục vụ cho các thị trường Mỹ và Australia, bà Ngô Tường Vy- Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu- cho hay, mít của Đồng Tháp được khách hàng Trung Quốc đánh giá rất cao. Tuy nhiên, các khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải là cách đưa các nông dân vào quy trình canh tác chuẩn, theo tiêu chuẩn cao để công ty có thể giúp bà con đưa nông sản đến với các thị trường cao cấp hơn như EU. “Hiện nay, điều chúng tôi lo ngại là vùng nguyên liệu và chất lượng sản phẩm chứ không phải đầu ra cho nông sản”, bà Ngô Tường Vy khẳng định.

Đẩy mạnh xây dựng mã vùng trồng

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 9/2021 đạt 250 triệu USD, tăng 9,2% so với tháng 8/2021 và tăng 5,2% so với tháng 9/2020. Tính chung, trong 9 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam ước đạt 2,77 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Do tác động của đại dịch Covid-19, Việt Nam phải áp dụng các biện pháp phòng chống mạnh nhất làm cho việc sản xuất, lưu thông hàng hóa bị ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng. Đây là lý do chính khiến xuất khẩu hàng rau quả giảm liên tiếp kể từ tháng 4/2021.

Đáng chú ý, trong tháng 8/2021 xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh. Do Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu thanh long tại các cửa khẩu Hà Khẩu và Thiên Bảo, thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), làm thanh long trong nước giảm giá mạnh. Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - đánh giá, những khó khăn ở thị trường Trung Quốc sẽ khiến xuất khẩu trái cây năm nay khó đạt được 4 tỷ USD. Mức tăng xuất khẩu trái cây sang thị trường Mỹ, EU, Đông Bắc Á không bù được việc suy giảm ở thị trường Trung Quốc.

Hiện, Sài Gòn Co.op đang tìm kiếm sản phẩm để tiêu thụ ở Singapore, Thái Lan. Ông Âu Hoàng Hải - Giám đốc phụ trách thu mua sản phẩm Sài Gòn Co.op - bày tỏ mong muốn tiếp cận vùng trồng với các sản phẩm đặc hữu của các các địa phương. Cũng theo ông Hải, ngoài các tiêu chí pháp lý bắt buộc mà các nhà cung cấp đã nắm rõ, cần có thêm những chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP, OCOP hay mã xác nhận vùng trồng. “Với từng sản phẩm sẽ có tiêu chí cụ thể, ví dụ như với xoài loại 1 là trọng lượng trên 400g. Nhãn, ổi, cũng có tiêu chí riêng. Các chi tiết này được chúng tôi công khai trên trang web của đơn vị”, ông Hải nói.

Với lợi thế về hệ thống logistics, kho bãi, các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, họ sẵn sàng làm cầu nối giúp nông dân, HTX đưa hàng vào siêu thị, giúp giảm chi phí, cũng như giảm thất thoát ở các khâu sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch, đảm bảo cả nội tiêu lẫn xuất khẩu. Tuy nhiên, để thúc đẩy xuất khẩu trái cây, đại diện các doanh nghiệp kiến nghị, cần tích cực đàm phán để sầu riêng xuất chính ngạch vào Trung Quốc. Về phía địa phương cần tìm hiểu kỹ thị trường xuất khẩu, các đơn vị chức năng hỗ trợ tạo các mã số vùng trồng cho nông sản để mở rộng vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp.

Liên quan đến cấp mã số vùng trồng, theo số liệu của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), hiện Cục đã cấp 2.821 mã số vùng trồng cho 12 loại trái cây của 48 tỉnh/thành phố để xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương- Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật- cho biết: Hiện nay, Bộ NN&PTNT có chủ trương hướng dẫn các địa phương thiết lập và quản lý các vùng trồng nhằm đáp ứng các yêu cầu đảm bảo chất lượng sản phẩm trồng trọt, truy xuất nguồn gốc và thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức sản xuất theo hướng chuyên nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị nông sản trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, hướng đến một nền nông nghiệp minh bạch, bền vững và trách nhiệm.

Đặc biệt, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng một số vùng nguyên liệu trọng điểm phục vụ xuất khẩu, quản lý chặt chẽ các mã số vùng trồng đã cấp và hỗ trợ các địa phương xây dựng mã số vùng trồng mới để chủ động kết nối thông tin với thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh quá trình đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu cho nhiều loại sản phẩm trồng trọt khác nhau.

Nguyễn Hạnh

Lượt xem: 331
Tác giả: Nguyễn Hạnh
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật