Lượng nhập khẩu lúa mỳ đạt mức thấp kỷ lục

Đúng như dự báo, giá lúa mì của Mỹ và một số thị trường khác tại thời điểm tuần thứ 2 của tháng 11/2022 giảm so với tháng trước do nguồn cung dồi dào.

 

1: Thị trường Thế giới

Theo báo cáo mới nhất của USDA, dự báo về sản lượng lúa mì toàn cầu niên vụ 2022/23 đạt 781,7 triệu tấn, giảm 2,2 triệu tấn so với dự báo trước nhưng tăng 1,9 triệu tấn so với niên vụ 2021/22. Trong đó, Trung Quốc vượt EU trở thành nước có sản lượng lúa mỳ cao nhất thế giới, đạt 138 triệu tấn, tương đương với dự báo trước và tăng 2,1 triệu tấn so với niên vụ trước.

EU là khu vực có sản lượng lúa mỳ cao thứ 2 thế giới, đạt 134,8 triệu tấn, tăng 2,7 triệu tấn so với dự báo trước nhưng giảm 2,5 triệu tấn so với niên vụ trước. Tiếp theo là sản lượng của Ấn Độ đạt 103 triệu tấn, giảm 6,6 triệu tấn so với niên vụ trước; Ucraina giảm 12,5 triệu tấn so với niên vụ trước, đạt 20,5 triệu tấn…

Sản lượng lúa mỳ của một số nước tăng mạnh trong niên vụ 2022/23 như: Sản lượng của Canada đạt 35 triệu tấn, tăng 13,3 triệu tấn; Nga đạt 91 triệu tấn, tăng 15,8 triệu tấn; Braxin đạt 9,2 triệu tấn, tăng 1,5 triệu tấn so với niên vụ trước…

Thương mại lúa mỳ toàn cầu trong niên vụ 2022/23 dự kiến đạt 207,7 triệu tấn, giảm 0,7 triệu tấn so với dự báo trước nhưng tăng 2,5 triệu tấn so với niên vụ 2021/22.

Trong đó, lượng lúa mỳ xuất khẩu của một số khu vực tăng so với niên vụ trước như: EU đạt 35 triệu tấn, tăng 3,1 triệu tấn; Canada đạt 26 triệu tấn, tăng 11 triệu tấn; Nga đạt 42 triệu tấn, tăng 9 triệu tấn và Mỹ đạt 21,5 triệu tấn.

Lượng xuất khẩu lúa mỳ của một số nước giảm so với niên vụ trước như: Achentina giảm 5,2 triệu tấn, đạt 12,5 triệu tấn; Australia giảm 0,1 triệu tấn, đạt 26 triệu tấn; Ấn Độ đạt 4 triệu tấn, giảm 6,6 triệu tấn…

Về nhập khẩu, Indonesia vượt Ai Cập là nước nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, dự kiến đạt 11,2 triệu tấn trong niên vụ 2022/23, tăng 0,5 triệu tấn so với niên vụ trước; Tiếp đến là Ai Cập đạt 11 triệu tấn, giảm 0,5 triệu tấn; Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu 10,25 triệu tấn, tăng 0,75 triệu tấn; Trung Quốc nhập khẩu 9,5 triệu tấn, giảm 0,2 triệu tấn so với niên vụ trước…

USDA dự báo tiêu thụ lúa mì toàn cầu niên vụ 2022/23 đạt 790,2 triệu tấn, giảm 0,8 triệu tấn so với dự báo trước và giảm 3,9 triệu tấn so với niên vụ trước. Cụ thể: Tiêu thụ lúa mỳ của EU đạt 108,8 triệu tấn, tăng 0,8 triệu tấn so với dự báo trước và tăng 0,5 triệu tấn so với niên vụ 2021/22; Tiêu thụ của Ấn Độ đạt 104,5 triệu tấn, giảm 5,4 triệu tấn so với niên vụ trước; Tiêu thụ của Mỹ đạt 29,6 triệu tấn, giảm 0,8 triệu tấn so với niên vụ trước. Bên cạnh đó, tiêu thụ lúa mỳ của Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ lúa mỳ lớn nhất thế giới giảm 4 triệu tấn trong niên vụ 2022/23, xuống còn 144 triệu tấn.

Tồn kho lúa mì toàn cầu trong niên vụ 2022/23 dự kiến đạt 267,5 triệu tấn, giảm 1,1 triệu tấn so với dự báo trước và giảm 8,5 triệu tấn so với niên vụ 2021/22. Trong đó, tồn kho lúa mì tại Trung Quốc dự kiến đạt 144,4 triệu tấn, tăng 2,6 triệu tấn so với niên vụ trước.

Tồn kho lúa mì của Mỹ trong niên vụ 2022/23 cũng giảm xuống mức 15,7 triệu tấn, giảm 2,5 triệu tấn so với niên vụ trước.

Tồn kho lúa mỳ của Nga đạt 15,4 triệu tấn, tăng 4,3 triệu tấn so với niên vụ trước.

Về giá:

Đúng như dự báo, giá lúa mì của Mỹ và một số thị trường khác tại thời điểm tuần thứ 2 của tháng 11/2022 giảm so với tháng trước do nguồn cung dồi dào nhưng tăng tại Ucraina, Achentina…do nhu cầu tăng.

Cụ thể, giá xuất khẩu lúa mì mềm đỏ mùa Đông của Mỹ giảm 28 USD/tấn so với tháng trước, đạt 378 USD/tấn và tăng 43 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2021.

Giá xuất khẩu lúa mì tại Pháp 12,5 protein đạt 340 USD/tấn, giảm 8 USD/tấn so với tháng trước nhưng tăng 4 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2021.

Giá xuất khẩu lúa mỳ của Mỹ và một số nước dự kiến giảm trong tháng tới do ảnh hưởng của nguồn cung tăng tại một số nước trồng lớn

2: Thị trường Trong nước

+ Kim ngạch nhập khẩu:

Theo số liệu thống kê, lượng nhập khẩu lúa mì về Việt Nam trong tháng 10/2022 xuống mức thấp kỷ lục kể từ tháng 11/2020 đến nay, đạt 166,8 nghìn tấn, trị giá 72 triệu USD, giảm 54,7% về lượng và giảm 53,9% về trị giá so với tháng trước, giảm 48,7% về lượng và giảm 27,9% về trị giá so với tháng 10/2021. Tính chung 10 tháng năm 2022, lượng nhập khẩu lúa mỳ đạt 3,42 triệu tấn, trị giá 1,32 tỷ USD, giảm 12,6% về lượng nhưng tăng 16,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Lượng nhập khẩu lúa mỳ về Việt Nam trong những tháng tới dự kiến đạt từ 100- 300 nghìn tấn/tháng, với giá nhập khẩu từ 420- 440 USD/tấn.

+ Thị trường cung cấp:

Trong 10 tháng năm 2022, Việt Nam nhập khẩu lúa mỳ từ 6 thị trường, giảm 1 thị trường so với cùng kỳ năm 2021. Australia là thị trường cung cấp lớn nhất mặt hàng lúa mỳ cho Việt Nam, với lượng nhập khẩu đạt 2,49 triệu tấn, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 72,8% tổng lượng lúa mỳ nhập khẩu. Riêng trong tháng 10/2022, lượng nhập khẩu lúa mỳ từ thị trường này đạt thấp, với 90,9 nghìn tấn, giảm 69,4% so với tháng trước và giảm 37,6% so với tháng 10/2021. Với nguồn cung dồi dào, giá cạnh tranh so với thị trường khác, dự kiến đây là thị trường cung cấp chính mặt hàng lúa mỳ cho Việt Nam trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023.

Tiếp đến là nhập khẩu lúa mỳ từ thị trường Braxin và Mỹ, lần lượt đạt 322,8 nghìn tấn và 273,8 nghìn tấn, tăng 40,6% và 43,8% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm lần lượt 9,5% và 8% tỷ trọng nhập khẩu.

Lượng nhập khẩu lúa mỳ từ thị trường Ấn Độ tăng đột biến trong 10 tháng năm 2022, đạt 73,1 nghìn tấn.

Về giá nhập khẩu:

Trong tháng 10/2022, giá nhập khẩu lúa mỳ bình quân ở mức 432 USD/tấn, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 41,6% so với tháng 10/2021.

Trong đó, giá nhập khẩu lúa mỳ từ Australia cạnh tranh nhất là 426 USD/tấn; Tiếp đến là giá nhập khẩu từ Canada đạt 427 USD/tấn.

PV

 
 
Lượt xem: 21
Nguồn:nhachannuoi.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật