Dấu ấn xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh

Năm 2010, tỉnh Quảng Ninh bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Với cách làm riêng và sáng tạo, chương trình đã mang lại nhiều dấu ấn đậm nét.

Người dân thụ hưởng thành quả

Là tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc có tổng diện tích trên 12.000km2, địa hình bị chia cắt bởi biển, đảo, đồi núi, sông ngòi…, với hơn 1,3 triệu dân, Quảng Ninh gồm 22 dân tộc cư trú trên địa bàn 186 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 14 huyện, thị xã, thành phố, khu vực nông thôn gồm 111 xã trong đó 92 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo, bãi ngang với 17 xã và 54 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Nhờ thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép", đến nay tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với 98/98 số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2016 - 2022, cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới trong giai đoạn 2021 - 2025.

Bình Liêu luôn chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc đặc biệt là công tác giao đất canh tác
Quảng Ninh luôn chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc đặc biệt là công tác giao đất canh tác. Ảnh: Tiến Minh

Cách đây 3 năm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU, ngày 17/5/2021 về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 06).

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đánh giá: Đây là Nghị quyết chiến lược, thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh trong việc xây dựng, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo một cách bền vững trên mọi lĩnh vực, nâng cao chất lượng cuộc sống; thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh. Nghị quyết 06 được tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện đồng bộ với các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bằng sự thống nhất, đồng lòng, quyết tâm cao và cách làm chủ động, sáng tạo, đột phá, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những thành tích và kết quả nổi bật quan trọng. Theo đó, 3 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã huy động nguồn lực trên 118.000 tỷ đồng để triển khai thực hiện Nghị quyết 06 và các Chương trình Mục tiêu quốc gia.

Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới, dân tộc đầu tiên của cả nước đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) theo tiêu chí giai đoạn 2021 -2025
Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới, dân tộc đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Tiến Minh

Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới vùng rừng Đông Bắc (Quảng Ninh) có 7 đơn vị hành chính gồm 6 xã và 1 thị trấn; diện tích tự nhiên 470,76km2; dân số 33.386 người; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 96% chủ yếu là dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ... Năm đầu đưa chương trình xây dựng nông thôn mới về địa phương trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều khe bản còn phải vận động nhân dân định canh - định cư, nhiều xã còn trong diện xóa đói - giảm nghèo, sản xuất tự sản tự tiêu; đồng bào dân tộc ít người còn nặng hủ tục văn hóa cũ.

Các thế hệ cán bộ và nhân dân đã đoàn kết, quyết tâm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm địa kinh tế và văn hóa địa phương.

Sau hơn 13 năm nỗ lực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia, huyện miền núi, dân tộc, Bình Liêu đã có sự bứt phá ngoạn mục trong hành trình xây dựng nông thôn mới với thu nhập bình quân đầu người đạt gần 70 triệu đồng/năm, tỷ lệ nghèo đa chiều còn 0,84%; hệ thống hạ tầng giao thông cùng các thiết chế văn hóa mới dần được hoàn thiện đã góp phần kéo giảm khoảng cách giữa đô thị và nông thôn, miền núi và đồng bằng và mở ra tương lai phát triển mới cho vùng đất này.

Ông Hoàng Đức Hải (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) phấn khởi chia sẻ: "Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân có được những con đường bê tông trải dài, rộng rãi; được hội họp, sinh hoạt ở những khu nhà văn hóa đầy đủ tiện nghi về cơ sở vật chất. Đặc biệt, nhờ các cơ chế, chính sách từ tỉnh đến địa phương mà bà con đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại cuộc sống ấm no cho mỗi gia đình".

người dân địa phương đã tổ chức trồng cây gỗ lớn phân tán tại khu vực lòng hồ Khe Lừa, xã Lương Mông.
Người dân huyện Ba Chẽ tổ chức trồng cây gỗ lớn phân tán tại khu vực lòng hồ Khe Lừa, xã Lương Mông. Ảnh: Vũ Lương

Tương tự, sau hơn 12 năm bền bỉ triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2023, Ba Chẽ đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt chuẩn chương trình xây dựng nông thôn mới (về đích sớm 3 năm so với kế hoạch).

Theo đó, năm 2023 tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng 19,2% so với cùng kỳ (cao hơn 0,7 điểm% so với mục tiêu bình quân cả năm), thu ngân sách nội địa đạt 70,093 tỷ đồng, trong đó thuế, phí đạt 49,8 tỷ đồng, vượt 6,5% dự toán. Thu nhập bình quân đầu người đạt 72,2 triệu đồng. Toàn huyện đã trồng được 363,7 ha rừng gỗ lớn; 80 ha dược liệu, tăng 34% cùng kỳ.

Hiện Ba Chẽ không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 0,69%; xóa toàn bộ nhà tạm, nhà ở dột nát. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 72%. Ba Chẽ đã hoàn thành việc lập quy hoạch vùng huyện; quy hoạch chung các xã và thị trấn xong trước 31/3/2023; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050…

Trở thành tỉnh kiểu mẫu nhờ đưa chương trình nông thôn mới vào chiều sâu

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo đó là phải bắt đầu từ tư duy. Quảng Ninh đã thực sự đổi mới toàn diện, mạnh mẽ tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, kiên trì thực hiện chủ trương quy hoạch đi trước một bước.

Để đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh tập trung vào các đột phá chiến lược là: Đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm đồng bộ liên thông tổng thể, kết nối chặt chẽ giữa đô thị với nông thôn, giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, tận dụng tối đa lợi thế từ kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đã hoàn thiện để tổ chức lại không gian và nguồn lực, quản lý sử dụng bền vững, tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.

Dấu ấn xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh
TP. Hạ Long (Quảng Ninh) vừa được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới - Ảnh: Tiến Minh

Tại Hội nghị tổng kết 2 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bềng vững của Quảng Ninh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã ghi nhận và đánh giá Quảng Ninh hết sức năng động, sáng tạo trong việc cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương trong điều kiện của tỉnh qua từng giai đoạn; ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh; ưu tiên dành nguồn lực tập trung cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn, miền núi, hải đảo.

Bên cạnh việc bố trí ngân sách địa phương, Quảng Ninh cũng sáng tạo trong việc huy động nguồn lực xã hội. Cùng với đó, tỉnh huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lồng ghép khéo léo các chương trình mục tiêu ở từng địa bàn, có cơ chế để phát huy vai trò, tinh thần nỗ lực của người dân tự vươn lên thoát nghèo. Với những cách làm như vậy đã khẳng định Quảng Ninh có nhiều mô hình hay được Trung ương, các tỉnh ghi nhận, đến học tập trong xây dựng nông thôn mới.

Nông thôn mới không chỉ mang lại luồng gió mới, diện mạo mới tại các làng quê, thôn xóm trên địa bàn Quảng Ninh. Nhờ đó đã củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của đảng và là tiền đề quan trọng để tỉnh Quảng Ninh bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu hiện đại, văn minh, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí và cuộc sống nhân dân.

 
Lượt xem: 1
Tác giả: Chí Tâm
Nguồn:congthuong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật