Thừa Thiên Huế: Cam Nam Đông được mùa nhưng khó tiêu thụ
Nam Đông là huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế, với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu rất thích hợp để trồng các loại cây ăn quả, trong đó có cây cam. Năm nay, cam được mùa, tuy nhiên do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên sức mua yếu, đầu ra khó khăn, giá thấp nên nhiều hộ trồng cam lo lắng.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Nam Đông, hiện nay diện tích trồng cam trên toàn huyện là 215ha, trong đó diện tích đã cho thu hoạch trên 100ha. Sản lượng trung bình 15 tấn/ha, do vậy sản lượng mùa cam năm nay ở Nam Đông lớn, với hơn 1.500 tấn.
Cam Nam Đông được mùa, tuy nhiên do ảnh hưởng dịch bệnh nên sức mua, giá cả giảm sút |
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên sức mua tại nhà vườn yếu, giá cả thấp hơn so với mọi năm từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Giá cam hiện nay giao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg loại 1 (4 quả/kg). Mặc khác, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch nên giao thông vận tải đình trệ, không xuất bán thị trường các tỉnh như những năm trước đây.
Ông Đặng Trợ - nông dân xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông cho biết, ông trồng cam đã 15 năm, năm nay cam được mùa, quả nhiều nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên thị trường đầu ra khó, do xe cộ không được thông thương, giá cả thấp hơn mọi năm, nên số lượng cam tồn rất nhiều. “Sản lượng cam của gia đình năm nay khoảng 15 tấn, chỉ mới bán một ít. Do vậy, gia đình chúng tôi mong muốn các ngành chức năng hỗ trợ, giải quyết số cam tồn vườn, nếu không chuẩn bị tới mùa mưa thì cam sẽ hư hết”, ông Trợ cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Hữu Ánh - Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Nam Đông, thời điểm thu hoạch cam Nam Đông bắt đầu từ tháng 9 đến giữa tháng 10. Mặc dù các ban ngành, người nông dân nỗ lực kết nối với thương lái, các hội, đoàn nhằm đẩy mạnh tiêu thụ cam, tuy nhiên do ảnh hưởng dịch bệnh nên số lượng cam còn tồn đọng trên địa bàn khoảng 600 - 700 tấn.
Doanh ảnh hưởng dịch bệnh nên cam chỉ được kết nối tiêu thụ thông qua các kênh hội, đoàn và bán lẻ |
“Hiện tình hình dịch bệnh đang tạm ổn, nhiều điều phương đã bắt đầu nới lỏng các hoạt động có điều kiện nên một số trang trại cam trên địa bàn huyện cũng đã xuất bán cam tại các thị trường Gia Lai, Quảng Ngãi, Quảng Bình… Tuy nhiên số lượng vẫn còn ít do xe cộ chưa lưu thông rộng rãi”, ông Ánh cho biết thêm.
Bên cạnh đó, với mong muốn giúp đỡ bà con nông dân trồng cam của huyện Nam Đông tiêu thụ, vượt qua khó khăn trong mùa dịch, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế hưởng ứng chương trình “Hỗ trợ tiêu thụ cam Nam Đông” với số lượng dự kiến là 100 tấn, thời gian thực hiện từ ngày 1-15/10. Theo đó, giá cam được niêm yết; cam loại 1 là 25.000 đồng/kg, loại 2 là 20.000 đồng/kg.
Ông Trần Đức Minh - Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Thừa Thiên Huế - cho biết, nhằm chia sẻ khó khăn của người trồng cam huyện Nam Đông, Hội doanh nhân trẻ kết hợp Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh hỗ trợ tiêu thụ cho người trồng cam khoảng 100 tấn, thời gian thực hiện đợt 1 bắt đầu ngày 1/10, với hình thức bán cho các thành viên trong hiệp hội, các huyện đoàn, thành đoàn, mạnh thường quân… “Nếu đợt 1 thực hiện thành công chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối để tiêu thụ tiếp cam cho bà con”, ông Minh cho biết thêm.
Huyện Nam Đông đang xây dựng thương hiệu cam đạt tiêu chuẩn VietGap, nhãn hiệu tập thể... |
Cây cam đang là cây “làm giàu” trên vùng đất Nam Đông, nhiều năm trở lại đây diện tích trồng cam ngày được mở rộng. Với những hiệu quả mang lại, chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ người trồng mở rộng diện tích, tiến tới xây dựng mô hình sản xuất cam Nam Đông đạt tiêu chuẩn VietGap. Tuy nhiên, để thương hiệu cam Nam Đông vươn ra thị trường cả nước thì việc dán tem truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu tập thể cam Nam Đông… là rất cần thiết, là một trong những giải pháp tiếp cận rộng rãi thị trường trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.
Nguyễn Tuấn