Ca cao tăng giá, người trồng phấn khởi

Năm nay, ca cao liên tục giữ giá, nhiều người trồng cao cao phấn khởi. Sản xuất theo hướng hữu cơ giúp ca cao ổn định đầu ra, giá bán cao.

Giá ca cao liên tục tăng

Ca cao được xem là một trong những cây trồng chủ lực của Đắk Lắk. Đây cũng là địa phương có diện tích ca cao lớn nhất cả nước. Hiện toàn tỉnh có khoảng 1.140 ha trồng ca cao, sản lượng bình quân hằng năm đạt 1.525 tấn, tập trung chủ yếu tại các huyện Ea Kar, Ea Súp, Krông Ana, Ea H’leo.

Ca cao tăng giá, người trồng phấn khởi (Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển)

Ca cao tăng giá, người trồng phấn khởi (Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển)

Năm nay, ca cao là một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh. Việc giá ca cao liên tục giữ ở mức cao trong thời gian gần đây khiến người trồng ca cao rất phấn khởi.

Là một trong những hộ dân trồng ca cao tại Đắk Lắk, ông Nguyễn Văn Dũng (xã Ea Na, huyện Krông Ana) – cho biết, gia đình ông có 2 ha ca cao kinh doanh, sản lượng dự kiến đạt hơn 1,5 tấn hạt khô. Tuy năm nay năng suất thấp hơn năm trước khoảng 5 tạ, nhưng giá bán lại tăng gấp đôi, trừ chi phí, hộ gia đình như ông Nguyễn Văn Dũng cho thu lợi nhuận tăng thêm khoảng 40% so với năm ngoái.

Hiện toàn xã Ea Na có hơn 60 ha ca cao, với sản lượng gần 100 tấn hạt khô/năm (năng suất 1,5 tấn/ha). Ngoài lợi thế địa phương có điều kiện đất đai thổ nhưỡng phù hợp để trồng cây ca cao thì hiện nay, hầu hết người dân trồng ca cao đều tham gia vào hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp để được hỗ trợ về mặt kỹ thuật, giúp việc canh tác đạt năng suất, chất lượng cao cũng như ổn định về đầu ra và giá cả.

Bà Mai Thị Hằng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Na - cho biết, vào thời điểm tháng 3 - 4/2024, khi cây ca cao bước vào vụ thu hoạch thì giá hạt ca cao trên thị trường cũng tăng mạnh đã đem lại niềm vui cho bà con nông dân trồng cây ca cao tại địa phương. Giá ca cao tăng đã giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống, từ đó có thêm động lực gắn bó với vườn cây và chú trọng hơn trong việc đầu tư, chăm sóc ca cao theo hướng nâng cao chất lượng, sản xuất bền vững.

Đáng chú ý, tại các vùng trọng điểm trồng ca cao của tỉnh đã xây dựng được chuỗi liên kết trong khâu sản xuất với tiêu thụ, góp phần gia tăng giá trị cho cây ca cao và đem lại cho người dân nguồn thu nhập ổn định ở mức 100 – 130 triệu đồng/ha/năm.

Sản xuất theo hướng hữu cơ, đẩy mạnh liên kết, nâng cao giá trị

Ca cao du nhập vào Việt Nam từ năm 1960. Tuy nhiên, diện tích ca cao của Việt Nam liên tục giảm từ năm 2012 đến nay. Năm 2012 có tổng diện tích 25.700 ha, đến năm 2023, diện tích ca cao của Việt Nam là 3.471 ha, diện tích thu hoạch là 2.836 ha, sản lượng 4.786 tấn nhân khô, năng suất 16,9 tạ nhân khô/ha.

Để định hướng phát triển ca cao ở Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án phát triển ca cao đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, trong đó mục tiêu chung là phát triển bền vững cây ca cao và tăng sản lượng, sản phẩm hàng hóa, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất đai, tăng thu nhập cho người dân và bảo vệ môi trường. Việt Nam cũng ban hành tiêu chuẩn chất lượng hạt ca cao vào năm 2006 nhằm từng bước tiêu chuẩn hóa và nâng cao chất lượng hạt ca cao tại Việt Nam.

Cũng như một số nước trong khu vực, Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức đang hạn chế sự phát triển ca cao là những biến động về giá cả và thị trường ca cao trên thế giới, nguy cơ suy giảm chất lượng hạt ca cao, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt là vấn đề đối với sản phẩm ca cao, sự cạnh tranh từ các loại cây trồng khác có hiệu quả hơn ca cao như sầu riêng. Mặt khác, sâu bệnh hại cây trồng, tính bền vững của đa dạng sinh học và tác động tiêu cực đến sản xuất ca cao do biến đổi khí hậu và một số vấn đề khác.

Do đó, để ngành ca cao khắc phục các điểm yếu và trở thành ngành công nghiệp ca cao Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, việc liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp nhỏ với các tập đoàn lớn, giúp phát triển ngành ca cao toàn diện, bền vững trong tương lai là hết sức quan trọng.

Ở góc độ địa phương, theo đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk) cho biết, trong thời gian tới, tỉnh định hướng phát triển cây ca cao theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng các quy định không gây mất rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) cũng như giảm phát thải carbon trong sản xuất.

Do đó, tỉnh đã đồng ý chủ trương để ngành nông nghiệp xây dựng Đề án phát triển ngành hàng ca cao, với mục tiêu là rà soát lại vùng trồng, các khâu từ sản xuất, chế biến đến thị trường, chính sách hỗ trợ.

Trên cơ sở đó, các chuyên gia sẽ đánh giá và đưa ra giải pháp thúc đẩy ngành hàng ca cao phát triển một cách bền vững. Đồng thời, tìm kiếm, thu hút các doanh nghiệp có năng lực tham gia vào chuỗi giá trị ca cao của địa phương để bảo đảm ổn định đầu ra, giúp nông dân yên tâm canh tác và gắn bó lâu dài với loại cây trồng này.

Lượt xem: 2
Tác giả: Nguyễn Hạnh
Nguồn:congthuong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật