Chuyên gia dự báo 3 lý do giá dầu thế giới năm 2024 sẽ bình ổn
Bất chấp những căng thẳng địa chính trị và hiệp định thương mại thay đổi, các chuyên gia nhận xét thị trường dầu mỏ thế giới sẽ khó biến động trong năm nay.
Nhìn qua, nhiều người sẽ nghĩ rằng giá dầu thế giới sẽ có nhiều biến động trong năm 2024. Lý do bởi, các thành viên và đối tác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) mới đây đã quyết định cắt giảm sản lượng dầu trong quý II năm nay. Tình hình chiến tranh tại Trung Đông đang ngày càng phức tạp, đặc biệt là tại khu vực Biển Đỏ, nơi vận chuyển khoảng 12% lượng dầu thô thế giới. Thậm chí, đầu năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cảnh báo tình hình tại Trung Đông là nguy hiểm nhất kể từ Chiến tranh giữa các quốc gia A Rập và Israel vào năm 1973. Sau cuộc chiến, nhiều quốc gia bị cắt giảm nguồn cung dầu khiến giá dầu tăng gấp 4 lần trong 3 tháng.
Khai thác dầu thô tại Mỹ. Nguồn ảnh: Liz Hampton, Reuters |
Nhưng thực tế, thị trường dầu mỏ vẫn phát triển bình ổn. Từ năm ngoái đến nay, giá dầu phần lớn giao động trong khoảng từ 75 - 85 USD. Tuy vậy, vẫn có ngoại lệ. Dầu thô Brent, một chuẩn mực toàn cầu, đã tăng trên 85 USD/thùng vào đầu năm 2023, sau khi OPEC+ cho biết sẽ cắt giảm sản lượng. Khi Saudi Arabia gia hạn cắt giảm sản xuất vào tháng 9, rồi sau đó là chiến sự Israel - Hamas vào 7/10, giá dầu đã tăng đến mức 94 USD/thùng. Mặc dù vậy, giá dầu Brent lại kết thúc năm 2023 ở mức 78 USD, giảm 4 USD so với đầu năm.
Vì sao dầu lại có mức giá ổn định như vậy? Và liệu giá dầu có tiếp tục bình ổn trong năm tới không? Theo các chuyên gia từ tờ Economist, đang có 3 lý do khiến thị trường dầu khó biến động trong năm nay.
Lý do đầu tiên đến từ năng lực sản xuất mạnh mẽ hơn, trong thời gian ngắn hơn của các thành viên OPEC so với 20 năm trước. Khi khủng hoàng năng lượng đầu năm 2000 xảy ra, giá dầu đã tăng vọt lên tới 147,30 USD/thùng trong bối cảnh sản xuất bị thắt chặt, làm gia tăng nguồn cung dầu. Ngày nay, năng lực sản xuất dầu thô dự phòng của OPEC cao hơn nhiều so với mức trung bình 5 và 10 năm qua và đang ở mức cao kỉ lục trong 3 năm liên tiếp. Thậm chí, các thành viên OPEC được ước tính có công suất dự phòng khoảng 4,5 triệu thùng mỗi ngày, lớn hơn sản lượng dầu hàng ngày của Iraq, theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA).
Ngoài ra, OPEC cũng góp phần lớn trong việc bình ổn giá thị trường dầu, theo bà Carole Nakhle - giám đốc điều hành Crystol Energy (Mỹ), chia sẻ trên trang Nghiên cứu Tình báo Địa chính trị GIS. Cụ thể, trong quá khứ, OPEC đã nhiều lần cắt giảm sản lượng để ngăn giá tiếp tục trượt dốc. Ngược lại, nếu giá dầu có tăng đột biến trong năm nay, tổ chức này chắc chắn sẽ tăng trưởng sản lượng để vượt mức cung trên thị trường. Thậm chí, các nhà đầu tư đang đặt cược vào khả năng OPEC sẽ như một “tấm đệm lò xo”, có thể làm dịu đi tác động từ sự gián đoạn nguồn cung.
Mặt khác, sự thay đổi và đa dạng hóa nguồn cung ngoài OPEC là lý do thứ 2 khiến thị trường dầu tiếp tục ổn định. Trên thực tế, sản xuất dầu hiện nay tập trung ở Trung Đông ngày càng ít hơn so với 50 năm vừa qua. Khu vực này đã giảm từ việc khai thác 37% lượng dầu thế giới vào năm 1974, xuống chỉ còn 29% trong năm vừa qua.
Trái lại, Nga - nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, vẫn tiếp tục xuất khẩu dầu, bất chấp những cấm vận từ phương Tây. Chuỗi cung ứng dầu từ Nga cũng có sự biến đổi linh hoạt đáng kinh ngạc, khi các đội tàu từ Dubai và Singapore đã nhanh chóng thay đổi các tuyến đường đã có để đến các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ, làm giảm sự phụ thuộc vào các phương Tây. Chính điều này đã khiến dầu của Nga hiện được giao dịch rộng rãi trên mức giá trần của phương Tây.
Giếng dầu thô tại Nga. Nguồn ảnh: Vasily Fedosenko, Reuters |
Tương tự như Nga, nhiều quốc gia ngoài OPEC cũng có sản lượng ngày càng tăng, làm nguồn cung dầu đang ngày càng đa dạng hơn. Ví dụ tiêu biểu là Guyana, quốc gia sản xuất khối lượng dầu thô kỷ lục vào năm ngoái, đạt tới 589,000 thùng vào tháng 12. Nguồn cung dầu cũng đa dạng hơn nhờ sự bùng nổ từ dầu đá phiến trong những năm 2010, khiến Mỹ, lần đầu tiên trong 70 năm, trở thành nhà xuất khẩu ròng năng lượng lớn nhất thế giới. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng các nguồn cung mới, cùng với khối lượng dầu hiện có từ Mỹ và Canada, sẽ đáp ứng phần lớn nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2024.
Lý do cuối cùng cũng chính là nhu cầu. Theo EIA, nhu cầu dầu thế giới sẽ còn cao hơn vào năm 2024, vượt qua cả mức tăng kỷ lục vào năm 2023. Đặc biệt là tại Ấn Độ, nơi nhập khẩu và tiêu thụ dầu đứng thứ 3 thế giớ, đã có mức nhập kỷ lục 5,24 triệu thùng vào tháng 1/2024, theo tờ Reuters đưa tin.
Mặc khác, Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, lại đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp. Ngoài ra, những thay đổi về cơ cấu đối với nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ càng giảm bớt nhu cầu về dầu tại nước này, ví dụ như chính sách tăng cường sản xuất xe điện trong năm tới.
Tờ Economist cũng dự đoán rằng sẽ có nhiều nước như Trung Quốc rời xa dầu mỏ trong nhiều năm tới. Tuy vậy, về lâu dài, điều này sẽ đảm bảo thị trường có khả năng phục hồi tốt hơn trước các cú sốc địa chính trị và cắt giảm sản lượng. “Giá dầu trong năm nay sẽ tăng khá khiêm tốn”, tờ báo Economist đưa ra nhận định.
Mặt khác, bà Carole Nakhle cũng cảnh báo về sự sụt giảm đáng kể nguồn cung dầu nếu căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là tại Trung Đông, tiếp tục leo thang. Tuy vậy, bà cũng đặt niềm tin vào những nhà cầm quyền thế giới trong việc điều chỉnh giá dầu. Đặc biệt, năm 2024 dự tính sẽ là năm bầu cử toàn cầu lớn nhất trong lịch sử, trong đó cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được dõi theo vô cùng sát sao. “Cú sốc từ nguồn cung, kéo theo đó là giá dầu tăng chắc chắn sẽ là cơn ác mộng với những người mong muốn được lòng đa số cử tri”, bà Carole Nakhle chia sẻ.