Xuất khẩu thịt để phát triển chăn nuôi bền vững

Từ sau đại dịch Covid-19, chăn nuôi không còn mang lại lợi nhuận “khủng” như trước, thậm chí nhiều thời điểm giá sản phẩm chăn nuôi giảm dưới giá thành sản xuất do nguồn cung lớn hơn cầu. Nguyên nhân, tổng đàn vật nuôi trong nước không ngừng tăng nhanh, cộng với nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt từ nước ngoài vào Việt Nam cũng tăng đột biến.

Trang trại chăn nuôi gà đạt chuẩn xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản tại huyện Long Thành. Ảnh: B.Nguyên

 

Đẩy mạnh xuất khẩu là một trong những giải pháp góp phần tạo đầu ra bền vững cho ngành chăn nuôi. Xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) theo chuẩn quốc tế là một trong những yêu cầu quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần phát triển ngành chăn nuôi bền vững trong giai đoạn hội nhập.

 

Áp lực cung vượt cầu

 

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), năm 2023, tổng đàn heo của cả nước đứng thứ 5 về đầu con và đứng thứ 6 thế giới về sản lượng thịt hơi. Việt Nam cũng là nước có tổng đàn gia cầm lớn của thế giới, trong đó đàn thủy cầm lớn thứ 2 thế giới với khoảng 100 triệu con/năm. Giai đoạn 2018-2023, tốc độ tăng trưởng chăn nuôi của nước ta đạt từ 4-6%/năm; sản lượng thịt hơi các loại tăng bình quân 3,5%/năm; sản lượng trứng tăng 6,9%/năm…

 

Các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư mạnh vào chăn nuôi theo hướng công nghiệp với quy mô lớn. Mặt khác, Việt Nam là nước nhập siêu sản phẩm chăn nuôi. Chỉ tính riêng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi vào Việt Nam là 3,53 tỷ USD (chưa kể một lượng lớn gia súc, gia cầm sống nhập lậu theo đường tiểu ngạch). Trong khi đó, xuất khẩu chỉ đạt 515 ngàn USD.

 

Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đang được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, Chính phủ đang rất quan tâm đến việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Để xuất khẩu, đầu tiên là ATDB, an toàn thực phẩm. Tồn tại lớn nhất trong nhiều năm qua là tỷ lệ tiêm vaccine còn chưa đạt nên các tỉnh, thành trong cả nước cần phải rà soát lại vấn đề này để tham mưu, tháo gỡ, có chính sách hỗ trợ.

 

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Trung Quốc đang cần nhập khoảng 25 triệu con heo/năm, nếu Việt Nam không xuất khẩu được thì đến khi họ đã có đối tác sẽ rất khó cạnh tranh. Doanh nghiệp phải đi tiên phong trong việc xây dựng vùng ATDB để xuất khẩu chứ đừng nghĩ sẽ chỉ bán mãi ở Việt Nam, gây ra “cái chết” của chăn nuôi nông hộ và các trang trại; phải tính lộ trình xuất khẩu, chứ không chỉ đổ đầu 100 triệu dân nội địa.

 

Cuối tháng 12-2023, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết “Bản ghi nhớ các yêu cầu đối với vùng ATDB lở mồm long móng có sử dụng vaccine”. Điều này được kỳ vọng là “đòn bẩy” giúp các sản phẩm thịt của Việt Nam có mặt ở thị trường tỷ dân này. Ngoài ra, Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước châu Âu… cũng là các thị trường nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi giàu tiềm năng của Việt Nam.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TRẦN LÂM SINH, muốn xuất khẩu phải hình thành được những chuỗi chăn nuôi khép kín quy mô lớn. Trong đó, việc giám sát, kiểm soát dịch bệnh phải chặt chẽ.

 

Xây dựng vùng chăn nuôi ATDB theo chuẩn quốc tế

 

Theo yêu cầu của Tổ chức Thú y thế giới, một trong những điều kiện tiên quyết để xuất khẩu thịt là phải xây dựng được vùng chăn nuôi ATDB. Đây cũng là chìa khóa để phát triển chăn nuôi bền vững. Người chăn nuôi thực hiện ATDB sẽ hạ được chi phí chăn nuôi xuống thấp vì giảm được đầu tư phòng, chữa bệnh cho vật nuôi, tiêu hủy khi vật nuôi gặp dịch bệnh; vấn đề tồn dư hóa chất, thuốc phải giám sát, cảnh báo…

 

Hiện cả nước đã có 18 huyện ATDB, chủ yếu tập trung vào các tỉnh Đông Nam Bộ với hàng ngàn cơ sở ATDB. Nhưng đến nay vẫn chưa có vùng, cơ sở nào đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới làm cơ sở trong đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

 

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – thú y Đồng Nai Nguyễn Trường Giang, Đồng Nai thuộc tốp đầu xây dựng vùng ATDB của cả nước. Hiện toàn tỉnh có 5 huyện được công nhận vùng ATDB; 11 xã được chứng nhận ATDB với bệnh cúm gia cầm và Newcastle; 657 trang trại chăn nuôi được chứng nhận ATDB. Ngành chăn nuôi Đồng Nai tiếp tục phát triển theo hướng trang trại công nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn sinh học theo chuỗi khép kín. Đây là những điều kiện thuận lợi để tỉnh nhân rộng vùng, cơ sở ATDB đáp ứng thị trường xuất khẩu.

 

Chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường khó tính, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (huyện Long Thành) Lê Văn Quyết cho biết, từ năm 2017, hợp tác xã đã xây dựng chuỗi chăn nuôi gà theo chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Hiện chuỗi liên kết nuôi gà trong chuồng lạnh của hợp tác xã cung cấp cho thị trường xuất khẩu với tổng đàn gà thịt lên đến 2 triệu con/năm. Thị trường xuất khẩu còn giàu tiềm năng vì không chỉ Nhật Bản, mà nhiều nước khác cũng có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam.

 

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Lâm Sinh cho biết, thời gian tới, Đồng Nai sẽ tập trung xây dựng chuỗi chăn nuôi gia cầm xuất khẩu gắn với hình thành các vùng chăn nuôi ATDB theo chuẩn quốc tế. Chuỗi này do một tập đoàn chăn nuôi đầu tư có quy mô lớn, liên kết nhiều tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ. Ngoài ra, theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng vùng ATDB xuất khẩu heo sống sang thị trường lớn Trung Quốc, năm 2024, tỉnh đã chọn 2 vùng chăn nuôi ATDB là huyện Vĩnh Cửu và huyện Trảng Bom đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

 

Bình Nguyên 

Nguồn: Báo Đồng Nai

 
Lượt xem: 4
Nguồn:nhachannuoi.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật