Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi: Vượt qua thách thức

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển rất nhanh, các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư vào nhiều gây nên tình trạng cung-cầu mất cân đối. Bên cạnh đó, Việt Nam tham gia vào sân chơi chung của thế giới, do đó, phải chịu cạnh tranh của các sản phẩm nhập khẩu, tạo thêm sức ép cho ngành chăn nuôi nội địa. Chính vì thế xuất khẩu trở thành một định hướng bắt buộc phải đẩy mạnh. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn, tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức với ngành chăn nuôi trong nước!

Xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đang là xu hướng tất yếu

Thị trường chăn nuôi trong nước: “Tà áo hẹp”!

Theo Cục Chăn nuôi, năm 2023, đàn lợn của Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về đầu con và thứ 6 thế giới về sản lượng thịt hơi; tiêu thụ thịt lợn xẻ đứng thứ 5 toàn cầu (khoảng 35-36 kg/người/năm). Việt Nam là một trong những nước có tổng đàn gia cầm lớn của thế giới, riêng đàn thuỷ cầm lớn thứ 2 thế giới (khoảng 100 triệu con/năm). Năm 2023, số lượng đàn bò đạt gần 6,4 triệu con, trong đó đàn bò sữa khoảng 325.000 con; đàn trâu cả nước có khoảng 2,21 triệu con.

Giai đoạn 2018-2023, tốc độ tăng trưởng chăn nuôi từ 4-6%/năm; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đóng góp từ 22,0-26,7% vào GDP nông nghiệp. Sản lượng thịt hơi các loại tăng bình quân 3,5%/năm; sản lượng trứng tăng 6,9%/năm và sản lượng sữa tươi nguyên liệu tăng 4,4%/năm.

Ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước như Dabaco, Masan, Xuân Thiện, Tân Long, Thiên Thuận Tường, Mavin, GREENFEED, Trường Hải, Hòa Phát… và các doanh nghiệp FDI như C.P, Japfa Comfeed, New Hope, CJ, Sunjin, Emivest… tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi theo hướng công nghiệp, hiện đại, tiếp cận theo hướng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm khép kín. Riêng năm 2022, có 81 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với số vốn hơn 2,2 tỷ USD (chiếm hơn 12% tổng số vốn FDI đầu tư vào Việt Nam).

Tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2023 đạt 3,53 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2023 chỉ đạt 515 triệu USD.

Ngành chăn nuôi trong nước sản xuất ra một lượng lớn thịt, trứng, sữa, cộng với khối lượng không hề nhỏ các sản phẩm nhập khẩu, trong khí đó xuất khẩu nhỏ giọt khiến cho thị trường trong nước ngày càng “chật hẹp”. Nhiều thời điểm, giá các sản phẩm chăn nuôi trong nước ở mức thấp, một phần vì sản lượng dư thừa, một phần vì sức tiêu thụ của người dân giảm mạnh. Chưa khi nào bài toán xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi được các cơ quan chức năng quan tâm như vậy.

Mở rộng các thị trường tiềm năng Theo Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản (NLTS) hai tháng đầu năm 2024 ước đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ đạt 1,18 tỷ USD (tăng 93,6%); châu Phi đạt 104 triệu USD (tăng 185,4%); châu Á đạt 2,52 tỷ USD (tăng 86,3%); châu Âu đạt 532 triệu USD (tăng 38,2%) và châu Đại Dương đạt 78 triệu USD (tăng 100,9%). Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 23%, tăng 106,9%; Hoa Kỳ chiếm 20,8%, tăng 95,9% và Nhật Bản chiếm 7,4%, tăng 47,5%.

Theo Cục Chăn nuôi, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất thịt lợn (thị phần thịt xẻ chiếm 49% tổng thịt lợn thế giới); thứ 3 thế giới về sản lượng thịt bò; thứ 3 thế giới về sản lượng thịt gia cầm. Nhưng với hơn 1,4 tỷ dân, đây vân là thị trường tiềm năng về thịt và sản phẩm chăn nuôi nói chung (đứng đầu tiêu thụ thịt lợn, thứ 2 về tiêu thụ thịt bò và thịt gia cầm của toàn cầu).

Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có sữa và tổ yến là các sản phẩm chăn nuôi được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc do đã ký được nghị định thư. Ngày 26/4/2019, Việt Nam chính thức ký kết với Trung Quốc “Nghị định thư về yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc”. Ước tính năm 2023, xuất khẩu sữa tươi của Viêt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 123 triệu USD tăng 2,5 lần so với năm 2022. Ngày 16/11/2023, Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch lô sản phẩm tổ yến đầu tiên sang thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư ký giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 9/11/2022.

Cuối tháng 12/2023, Bộ NN&PTNT nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Hải quan nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thông qua thảo luận trên tinh thần hữu nghị đã đồng ý ký kết “Bản ghi nhớ các yêu cầu đối với vùng an toàn dịch bệnh Lở mồm long móng có sử dụng vắc xin”. Điều này được kỳ vọng là “đòn bẩy” giúp các sản phẩm về thịt của Việt Nam có mặt ở thị trường tỷ dân này. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, phát triển thị trường tiêu thụ cần tập trung vào các thị trường như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU; mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi… Tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng NLTS chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dân địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài. Các cơ quan chuyên môn theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu; đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.

Việc các doanh nghiệp lớn đang ngày càng đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực chăn nuôi không chỉ nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chăn nuôi đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, mà còn mở ra cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm gia súc, gia cầm ra thị trường thế giới.

Cần vùng chăn nuôi sạch bệnh

Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, việc ký các bản ghi nhớ về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) với bệnh Lở mồm long móng là sự nỗ lực rất lớn của Việt Nam nói chung và Bộ NN&PTNT nói riêng với nước bạn Trung Quốc.

Các nhóm nội dung chính cần thực hiện đó là: Xác định rõ vùng dù to hay nhỏ để tổ chức xây dựng vùng ATDB, bao gồm cả vùng đệm xung quanh 3km; tổ chức quản lý chăn nuôi, bảo đảm tất cả các cơ sở, hộ chăn nuôi cần nhận thức và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh; tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho 100% đàn gia súc, để bảo đảm trên 95% gia súc có đáp ứng miễn dịch; giám sát chứng minh không có mầm bệnh; tiêm phòng vắc xin cho hiệu quả; tổ chức kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào vùng ATDB…

Rất nhiều cơ sở chăn nuôi lớn hoàn toàn có thể đáp ứng tiêu chuẩn của Việt Nam cũng như thế giới. Nhưng để hình thành vùng ATDB đòi hỏi vai trò quản lý của Nhà nước là kết nối những cơ sở ATDB với nhau vào trong một sân chơi, tuân thủ chung quy định. Khi ATDB rồi thì chi phí chăn nuôi là thấp nhất, hiệu quả cao nhất, thay vì tốn rất nhiều tiền của để phòng bệnh, chữa bệnh cho vật nuôi, tiêu hủy rồi tồn dư hóa chất, thuốc phải giám sát, cảnh báo… Tuy nhiên, ban đầu để hình thành nên vùng ATDB phải xác định sẽ khó khăn, vất vả, cần sự mạnh dạn vào cuộc của lãnh đạo địa phương chứ không chỉ là tròn vai.

Thứ nữa là sự vào cuộc của các doanh nghiệp đầu tàu. Vừa qua, chúng ta đã có nghị định thư về sữa, yến sau đó thì mới xuất khẩu được. Những sản phẩm chăn nuôi trong bản ghi nhớ lần này khó hơn sữa, yến rất nhiều nhưng khó không phải không làm mà vẫn phải làm, vấn đề có đi thì mới có đến được. Hiện, cả nước đã có 18 huyện ATDB nhưng chủ yếu tập trung vào 10 tỉnh Đông Nam Bộ, có mấy ngàn cơ sở ATDB nhưng chưa có vùng, cơ sở nào đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới nên sẽ phải nâng cấp để đạt thì mới đàm phán, xuất khẩu được.

Doanh nghiệp phải đi tiên phong

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT gợi mở hướng giải quyết bài toán khó của ngành gồm 3 mũi nhọn: Tập trung chống buôn lậu; Xiết chặt nhập khẩu và Đẩy mạnh xuất khẩu. Để tạo vùng ATDB cần tăng tỷ lệ tiêm phòng, xây dựng vùng ATDB theo chuỗi chứ không rời rạc. Cần lập lại hệ thống thú y các cấp mà Covid-19 trên người và Dịch tả lợn châu Phi trên lợn là những bài học vẫn còn nóng hổi.

Ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lào Cai cho biết, xây dựng vùngATDB trước tiên sẽ lựa chọn 3-5 xã của huyện Bảo Thắng để làm, sau đó tiến tới mở rộng vùng an toàn cấp huyện. Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn thông tin, dù chăn nuôi của tỉnh nhỏ lẻ, quy mô lợn mỗi hộ 2-4 con nhưng vẫn muốn xây dựng được một vùng ATDB để có thể xuất khẩu.

Ông Đặng Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y Nghệ An khẳng định, bệnh Lở mồm long móng không xảy ra gần đây vì tỉnh có chính sách hỗ trợ kinh phí tiêm vắc xin, có chương trình giám sát chủ động. Năm 2023, tỉnh đã lấy trên 2.400 mẫu, trên 610 mẫu sau tiêm phòng. Tỉnh quyết tâm chỉ đạo, xây dựng thành công vùng ATDB Lở mồm long móng tại các huyện chăn nuôi bò sữa trọng điểm như Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa; vùng chăn nuôi lợn ATDB tại huyện Quỳ Hợp (Masan); vùng chăn nuôi gia cầm ATDB tại huyện Nghi Lộc và Diễn Châu. Để có thể thực hiện, tỉnh xin tách Trạm thú y ra khỏi Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện.

Đại diện của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, công ty đã tiêm vắc xin Lở mồm long đạt hiệu lực trên 90% (trong khi đó Trung Quốc yêu cầu đạt trên 70%) nên hoàn toàn ủng hộ việc triển khai vùng ATDB của Cục Thú y.

Đại diện của Công ty GREENFEED đề nghị các địa phương, sở, ban, ngành có kế hoạch cụ thể khi xây dựng vùng ATDB; có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp trong cách thức đăng ký tham gia; hỗ trợ công tác đào tạo…

Đại diện của Công ty Japfa khẳng định, nhờ tiêm vắc xin mà đơn vị chưa xuất hiện ca bệnh Lở mồm long móng; đề nghị khi các địa phương xây dựng xong vùng ATDB thì cung cấp thông tin công khai để doanh nghiệp cùng đồng hành.

Theo tìm hiểu của phóng viên, lý do các doanh nghiệp chăn nuôi trong và ngoài nước không mặn mà với việc xuất khẩu do: Thứ nhất là chi phí sản xuất cao, cạnh tranh khó; Thứ hai là giá bán tại nội địa đang cao nên không xuất khẩu (Ví dụ: giá bán thịt lợn tại Thái Lan khoảng 38.000-40.000 đồng/kg, trong khi bán ở Việt Nam là hơn 50.000 đồng/kg thì không cần xuất khẩu). Vì vậy, Cục Thú y đã tham mưu với lãnh đạo Bộ NN&PTNT về chiến lược cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư chăn nuôi ở Việt Nam phải làm sao có xuất khẩu mới được cấp phép.

Tâm An – D. Tường – Thu Hằng

Phải tính lộ trình xuất khẩu, chứ không chỉ đổ đầu 100 triệu dân nội địa…

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Thủ tướng đang rất quan tâm đến việc xuất khẩu nông sản trong đó có sản phẩm chăn nuôi. Để xuất khẩu, đầu tiên là an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, nếu tất cả hệ thống chính trị, các nguồn lực không được vận dụng thì khó thành. Tồn tại lớn nhất trong nhiều năm qua là tỷ lệ tiêm vắc xin còn chưa đạt nên các tỉnh cần phải rà soát lại vấn đề này để tham mưu, tháo gỡ, có chính sách hỗ trợ. “Trung Quốc đang cần nhập khoảng 25 triệu con lợn mỗi năm mà Việt Nam không xuất khẩu được, đến lúc họ đã có đối tác là rất khó. Mọi thứ thuận lợi như thế mà không làm được là tại chúng ta. Bởi thế, các đại biểu cần tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về vấn đề này. Doanh nghiệp phải đi tiên phong trong việc xây dựng vùng ATDB để xuất khẩu chứ đừng nghĩ sẽ chỉ bán mãi ở Việt Nam gây ra cái “chết” của chăn nuôi nông hộ và các trang trại. Phải tính lộ trình xuất khẩu, chứ không chỉ đổ đầu 100 triệu dân nội địa…

P.V (ghi)

Lượt xem: 5
Nguồn:nhachannuoi.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật