Vỗ béo dê: Tạo thu nhập cao cho nông hộ và đáp ứng thị trường dê thịt ở Việt Nam

Trong những năm gần đây, chăn nuôi dê nước ta đã và đang phát triển nhanh về số lượng, quy mô và thay đổi phương thức chăn nuôi nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước. Cả nước hiện có khoảng 2,7 triệu con với tốc độ tăng đàn hàng năm giai đoạn 2010-2020 khoảng 14,72%/năm.  Sản lượng thịt dê cung ứng ra thị trường hàng năm khoảng 35-36 ngàn tấn.

Hệ thống chăn nuôi đang dịch chuyển từ chăn thả sang bán thâm canh và thâm canh. Đã có nhiều trang trại nuôi dê lai hướng thịt quy mô lớn, từ 100 con lên tới 10.000 con. Xuất hiện nhiều mô hình vỗ béo dê thịt và câu lạc bộ hoặc hợp tác xã sản xuất chăn nuôi dê theo chuỗi mang lại hiệu quả cao. Nhằm đánh giá tình hình thị trường thịt dê và hiệu quả của mô hình vỗ béo dê, một đợt khảo sát từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2022 được thực hiện tại 6 tỉnh thành phố từ Nghệ An đến Đà Nẵng bởi dự án ACIAR-LS/2017/034 “Các hệ thống chăn nuôi dê và thị trường ở Lào và Việt Nam”.

Thịt dê được tiêu thụ chủ yếu tại các nhà hàng và bữa tiệc

Kết quả khảo sát ở 54 nhà hàng thịt dê cho thấy, thịt dê được tiêu thụ chủ yếu tại các nhà hàng và phục vụ các bữa tiệc, vì vậy thị trường dê thịt chịu ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch Covid 19 do yêu cầu giãn cách xã hội. Sau khi dịch được kiểm soát, nhu cầu thị trường dê thịt đã tăng lên nhanh chóng. Có 60% chủ nhà hàng cho rằng số lượng nhà hàng thịt dê trong khu vực tăng lên và 95% cho biết số lượng thịt dê bán tại nhà hàng của họ tăng lên nhiều sau dịch được kiểm soát.

Giá  dê hơi năm 2022 dao động từ 125-143 ngàn đồng/kg và có xu hướng tăng nhẹ (khoảng 2-5%) so với năm 2021. Nhu cầu thị trường 6 tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Nghệ An ước tính hàng năm khoảng 160.000 con dê thịt tương đương với khoảng 4000 tấn dê hơi. Có sự khác nhau giữa các tỉnh về yêu cầu loại dê thịt. Thị trường các thành phố lớn như Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Vinh yêu cầu dê lai có khối lượng lớn (35-50kg), béo và dê cái được ưa thích hơn dê đực. Tại Quảng Bình, Quảng Trị và khoảng 50% ở Thừa Thiên Huế thì dê Cỏ, có khối lượng khoảng 25-30 kg và con đực khoảng 1,5 tuổi được ưa thích hơn và giá cao hơn con cái.

Nguồn cung dê thịt vào thị trường miền Trung chủ yếu là dê nhập (chiếm 84%) từ các tỉnh miền Nam (Đồng Nai, Long An, Bình Phước …) và dê nhập khẩu từ Lào. Dê nuôi tại địa phương chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 16%). Chưa có số liệu chính xác về tình hình nhập khẩu, song khảo sát các nhà buôn dê tại cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị cho biết mỗi tuần có khoảng 7000-8000 con dê sống nhập khẩu theo con đường tiểu ngạch vào Việt Nam, trong đó có khoảng 60% dê lai Boer có nguồn gốc từ Thái Lan và 40% dê Cỏ từ Lào.

Đối với dê Cỏ sau khi nhập từ Lào về, có khoảng 20% được các thương lái cung cấp cho các nhà hàng tiêu thụ tại thị trường Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, 73% dê Cỏ được cung cấp cho các thương lái lớn ở các tỉnh phía Bắc (Thanh Hóa, Bắc Giang, Tp.Hà Nội…) và khoảng 7% dê Cỏ nhập từ Lào được nuôi vỗ béo ở một số trang trại tại Hà Tĩnh, Nghệ An, sau đó xuất bán  ra các tỉnh phía Bắc.

Đối với dê Lai (bao gồm dê Boer nhập từ Thái Lan và dê lai Bách Thảo nuôi ở các tỉnh phía Nam) xuất bán ra các tỉnh miền Trung, kết quả khảo sát ước tính số lượng dê Lai được tiêu thụ 6 tỉnh bắc miền Trung từ Đà Nẵng đến Nghệ An khoảng 105.000 con/năm chiếm khoảng 64% nguồn cung dê cho thị trường ở khu vực này. Trong đó, có khoảng gần 10.000 con (chiếm khoảng 9% số dê Lại nhập về các tỉnh này được nuôi vỗ béo ở Nghệ An để cung cấp cho thị trường địa phương. Phần lớn (91%) số dê Lai sau khi nhập về được các thương lái địa phương cung cấp cho các nhà hàng thịt dê ở khu vực các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Tp.Đà Nẵng và một phần của TP.Huế tiêu thụ. Sơ đồ chuỗi cung dê được trình bày qua hình 1.

Hình 1: Sơ đồ chuỗi cung dê thịt vào các tỉnh bắc miền Trung

Nhu cầu thị trường tăng nhanh đã tạo cơ hội cho các nhà chăn nuôi thay đổi hệ thống sản xuất. Mô hình vỗ béo dê và tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết đã được hình thành và phát triển trong mấy năm gần đây tại một số địa phương. Mô hình sản xuất này đã mang lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi và đáp ứng nhu cầu thị trường thịt dê trong nước.

Vỗ béo dê là hoạt động nhằm nâng cao chất lượng và tăng sản lượng thịt. Đối với dê Cỏ (chủ yếu là dê Lào), khối lượng đưa vào vỗ béo khoảng 13-15 kg, kết thúc vỗ béo đạt khối lượng 25-30kg, tăng khối lượng bình quân đạt 4-5kg/con/tháng. Đối với dê lai Boer (chủ yếu từ các tỉnh phía Nam và một số dê nhập qua Lào, có nguồn gốc Thái Lan), khối lượng dê đưa vào vỗ béo khoảng 15-20kg, kết thúc vỗ béo đạt 35-45kg, tăng khối lượng đạt 6-7kg/con/tháng. Bên cạnh đó người chăn nuôi còn vỗ béo cả dê sinh sản loại thải. Dê vỗ béo được nuôi nhốt hoàn toàn với khẩu phần gồm thức ăn tinh chiếm khoảng 50%, thức ăn xanh ủ chua và các nguồn sẵn có khác chiếm 50% (tính theo vật chất khô). Thời gian vỗ béo kéo dài khoảng 3 tháng. Khảo sát, các hộ vỗ béo dê tại huyện Nam Đàn, Nghệ An cho biết mỗi con dê vỗ béo nông dân đã thu được 700.000-1.000.000 đồng/con/3 tháng nuôi (bao gồm cả công lao động gia đình).

Anh Nguyễn Văn Nam, một thành viên câu lạc bộ vỗ béo dê tại xã Nam Nghĩa cho biết Câu lạc bộ nuôi dê Nam Nghĩa có trên 10 thành viên tham gia, quy mô từ 100-2000 con/hộ.Trong mỗi hộ sẽ nuôi nhiều lứa tuổi để đảm bảo nguồn cung liên tục ra thị trường. Giá dê mua vào khoảng 120.000đ/kg và bán ra 130.000đ/kg. Mô hình “Câu lạc bộ” đã mang lại lợi ích lớn cho người chăn nuôi thông qua liên kết rất tốt với nguồn cung dê từ các tỉnh phía Nam và cả dê nhập khẩu từ Lào, đồng thời liên kết tốt với các nhà hàng tại thành phố Vinh cũng như các tỉnh miền Bắc.

Về khía cạnh kỹ thuật và thức ăn tinh thì câu lạc bộ gắn kết tốt với các doanh nghiệp thức ăn và thuốc thú y trong khu vực. Chi phí nuôi dê vỗ béo bình quân khoảng 830.000 đồng/con/chu kỳ nuôi 3 tháng (bao gồm thức ăn tinh và thuốc thú y), thu nhập trung bình dao động khoảng 700.000 – 1.000.000 đồng/con sau 3 tháng vỗ béo. Ngoài ra, người chăn nuôi còn có thêm nguồn thu từ bán phân và thức ăn tận dụng trong gia đình cho dê. Hoạt động vỗ béo dê không chỉ tạo thu nhập cao, ổn định mà còn tạo việc làm cho bà con nông dân rất có ý nghĩa”, anh Nguyễn Văn Nam cho biết thêm.

 Chị Nguyễn Thị Vân, cán bộ phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An cho biết “Hiện nay ở Nghĩa Đàn, Nghệ An đang phát triển phong trào nuôi dê vỗ béo. Toàn huyện có khoảng 39.000 con, trong đó có khoảng 200 hộ áp dụng mô hình vỗ béo với quy mô 50-300 con/hộ. Đã hình thành Hợp tác xã vỗ béo dê, sản xuất theo chuỗi liên kết. Nguồn dê đưa vào vỗ béo là dê cỏ từ Lào và dê lai từ các tỉnh phía Nam, trong đó có cả dê có nguồn gốc từ Thái Lan. Với chi phí thức ăn và thuốc thú y khoảng 1 triệu đồng, bà con có lãi khoảng 1 triệu đồng (kể cả công lao động) trong 3 tháng nuôi. Thức ăn cho dê vỗ béo là thức ăn tinh công nghiệp,thức ăn xanh ủ chua và các nguồn sẵn có trong gia đình. Sau khi nuôi vỗ béo đủ tiêu chuẩn sẽ xuất bán với giá khoảng 140.000 – 150.000đ/ kg. Vỗ béo dê là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao. Vì vậy, huyện Nghĩa Đàn đang có chủ trương nhân rộng mô hình trên địa bàn”.

Từ những kết quả trên có thể khẳng định, nhu cầu thị trường dê thịt đang tăng cao ở các tỉnh miền Trung và cả nước. Vỗ béo dê thịt là hoạt động tạo thu nhập cao, bền vững, ít rủi ro cho người chăn nuôi, đồng thời đáp ứng nhu cầu thịt dê chất lượng cao cho thị trường trong nước.

Hình 2. Mô hình vỗ béo dê Cỏ/dê Lào tại Nghệ An

Hình 3: Mô hình vỗ béo dê lai Boer trong nông hộ tại Nghệ An

Nguyễn Xuân Bả1, Nguyễn Hữu Văn1,

Nguyễn Thị Mùi1, Lê Văn Nam1 và Nam Hoàng2

  • Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, 102 Phùng Hưng, thành phố Huế
  • UNE Business School, Faculty of Science, Agriculture, Business and Law University of New England, Armidale, Australia
 
Lượt xem: 16
Nguồn:nhachannuoi.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật