Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi nội địa

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ không ổn định. Điều này đang đòi hỏi ngành chăn nuôi cần có những giải pháp phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập quốc tế.

Khó khăn vây bủa

Việt Nam là một trong những nước có quy mô chăn nuôi lớn, trong đó có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, với trên 557 triệu con; thuộc top 10 nước đứng đầu thế giới về quy mô chăn nuôi heo, với tổng đàn trên 23,3 triệu con.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), mặc dù ngành chăn nuôi đã đạt mức tăng trưởng khá, nhưng tỷ suất lợi nhuận trong sản xuất đang giảm dần. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự tăng trưởng quá nhanh của ngành chăn nuôi trong thời gian qua dẫn đến cung vượt cầu, khiến giá sản phẩm không ngừng giảm sâu. Cùng với đó là giá thức ăn tăng cao, lợi nhuận mang lại thấp hơn và có thời điểm người chăn nuôi lỗ nặng… Chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi là hơn 1,4 tỷ USD, trong khi tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi chỉ đạt 190 triệu USD, cán cân thương mại sản phẩm chăn nuôi thâm hụt trên 1,2 tỷ USD. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, sản lượng thịt gà nhập khẩu hằng năm tăng liên tục (trên 15%/năm), chiếm 20 – 25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ trong nước. Điều này đã gây áp lực lớn lên thị trường tiêu thụ trong nước.

Chăn nuôi lợn quy mô trang trại trên địa bàn huyện Cư Kuin.

Đáng nói hơn, giá bán sản phẩm tại chuồng (trang trại) thì giảm, nhưng đến tay người tiêu dùng thì giá vẫn cao hoặc giảm ít. Điều này rõ ràng không có lợi cho cả hoạt động thúc đẩy sản xuất và kích thích tiêu dùng thực phẩm, bởi đã vô tình đẩy người tiêu dùng tìm đến những sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại, nhưng có giá bán rẻ hơn, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Sự thiếu điều tiết lợi nhuận một cách hài hòa giữa các tác nhân trong chuỗi cung ứng thực phẩm cũng là nguyên nhân khiến sản phẩm chăn nuôi trong nước tiêu thụ chậm, giá đầu ra không ổn định.

Ngành chăn nuôi của Đắk Lắk cũng không nằm ngoài vòng khó khăn đó. Đắk Lắk hiện là tỉnh đứng thứ 10 trên cả nước và đứng đầu vùng Tây Nguyên về quy mô đàn vật nuôi truyền thống như: bò, lợn, gia cầm và ong mật. Tại Đắk Lắk, tổng đàn gia súc, gia cầm có trên 15,3 triệu con; sản lượng thịt hơi các loại ước 240.000 tấn. Hiện chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn khi mức tiêu thụ chậm, giá bán sản phẩm lại thấp, hầu như chỉ lấy công làm lãi để duy trì chăn nuôi. Bên cạnh đó, các hộ liên kết với doanh nghiệp để nuôi gia công đều cho rằng, mặc dù không lo lắng về đầu ra nhưng lợi nhuận thấp hơn rất nhiều so với trước đây do phải chi phí nhiều cho công tác phòng dịch bệnh.

Giải pháp tăng sức cạnh tranh

Việt Nam hiện tham gia 17 hiệp định thương mại tự do với các nước, khu vực và vùng lãnh thổ (trong đó có hai hiệp định thế hệ mới như CPTTP và EVFTA), nhiều quốc gia có thế mạnh chăn nuôi như Mỹ, Brazil, Úc… tăng xuất khẩu vào Việt Nam càng làm cho giá bán sản phẩm lợn và gia cầm trong nước giảm mạnh.

Tại Hội nghị “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới” mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, hội nhập ngày càng sâu rộng, chúng ta không thể cứ ngồi chờ. Trong bối cảnh khó khăn bủa vây, cần nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng. Thứ trưởng Tiến cũng chỉ ra ba vấn đề ngành chăn nuôi cần giải quyết là giống, thức ăn và đất đai. Với các doanh nghiệp chăn nuôi, trong thời điểm này cần tập trung nâng cao năng lực, công nghệ, xúc tiến thương mại. Đồng thời, yêu cầu Cục Chăn nuôi phối hợp với Văn phòng Chính phủ sớm ban hành quyết định hỗ trợ chăn nuôi, với các cơ chế hỗ trợ giống, thức ăn chăn nuôi, chi phí sản xuất để giảm áp lực cho các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, giám sát để thúc đẩy hình thành liên kết chuỗi giá trị, đặc biệt là hợp tác theo chuỗi giữa doanh nghiệp với nông dân; bảo đảm chia sẻ lợi ích hài hòa giữa các tác nhân tham gia chuỗi…

Chăn nuôi lợn quy mô gia trại trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Theo ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, hiện nay Đắk Lắk đang đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi và thú y theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế hội nhập. Trong đó, chú trọng đến các giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nội tỉnh, ngoại tỉnh và tiến tới xuất khẩu. Đặc biệt là cơ cấu lại theo nhóm sản phẩm chăn nuôi chủ lực (heo, bò, gia cầm); khuyến khích ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất chăn nuôi; tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi theo chuỗi giá trị… Đến nay tỉnh đã có một số dự án đi vào hoạt động như: Nhà máy ấp nở trứng gia cầm của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (huyện Krông Búk), với công suất 2,2 triệu con giống một ngày tuổi/tháng; Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN DakLak (huyện Cư M’gar), với quy mô 1.300 lợn nái phẩm cấp cụ kỵ, ông bà. Bên cạnh đó, Tập đoàn Xuân Thiện đã đề xuất thực hiện đầu tư chuỗi các dự án chăn nuôi, chế biến, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, logistics trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí ước tính khoảng 22.000 tỷ đồng… Đây là những tiền đề để góp phần tăng sức mạnh nội lực cho các sản phẩm chăn nuôi của tỉnh đủ sức cạnh tranh trên “sân nhà” với các sản phẩm nhập khẩu.

Minh Thuận

Nguồn: Báo Đắk Lắk

 
Lượt xem: 2
Nguồn:nhachannuoi.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật