Người chăn nuôi trâu, bò gặp khó
Từ năm 2022 đến nay giá trâu, bò hơi giảm và chưa có dấu hiệu tăng mạnh trở lại, có thời điểm giảm đến 50% so với trước đây, trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi tăng, đầu ra sản phẩm không ổn định… khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.
Hộ chăn nuôi gia súc tại xã Thượng Ninh (Như Xuân).
Mặc dù có nhiều kinh nghiệm trong nuôi bò nhưng thời gian gần đây gia đình chị Lê Thị Trâm, xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) đã phải giảm số lượng đàn vật nuôi. Theo chị, giá bò thịt những năm trước dao động khoảng 90.000 – 95.000 đồng/kg, cao điểm lên đến 130.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay giá giảm dần và hiện nay chỉ còn khoảng 80.000 – 83.000 đồng/kg. Không những vậy, người chăn nuôi còn “cõng” thêm chi phí thức ăn, vắc-xin, thuốc thú y… Với mức giá như vậy, những hộ chăn nuôi theo phương thức vỗ béo cầm chắc lỗ. Mặt khác, nhiều hộ còn gặp khó trong khâu tiêu thụ sản phẩm bởi nguồn cung dư thừa, các thương lái cũng khắt khe hơn trong việc lựa chọn loại bò có chất lượng.
Là một trong những địa phương có truyền thống chăn nuôi gia súc, xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa) trước đây có khoảng 1.000 hộ chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, đến nay, chỉ còn 200 hộ duy trì đàn do chuyển đổi công việc và chăn nuôi không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Mai Văn Kỳ, trưởng thôn Nguyên Lý cho biết, trên địa bàn thôn chỉ còn 30 hộ phát triển chăn nuôi bò BBB và bò lai Sind với số lượng đàn ít. Hiện nay, một con bò chỉ bán giá từ 30 đến 35 triệu đồng thay vì khoảng 40 đến 45 triệu đồng như trước kia. Vì giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định nên người dân không còn mặn mà với chăn nuôi gia súc.
Tương tự, với thịt trâu hơi, so với cùng kỳ năm trước, giá cũng đã giảm từ 90.000 đồng/kg xuống khoảng 82.000 đồng/kg. Tuy giá ở thời điểm hiện nay đã có dấu hiệu tăng nhẹ nhưng người chăn nuôi vẫn chưa thể có lãi. Mặc dù giá thịt trâu, bò hơi giảm trong thời gian dài nhưng giá thịt thương phẩm tại chợ dân sinh, siêu thị trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức cao do các chi phí như tiền vận chuyển, nhân công, chi phí giết mổ không giảm, thậm chí tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Những năm trước đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc tiêu thụ trâu, bò chững lại. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, dù dịch bệnh đã được khống chế, nhưng đầu ra của sản phẩm phần lớn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ trong nước chậm nên khiến người dân gặp không ít khó khăn, họ lựa chọn giảm đàn hoặc “treo chuồng” chờ giá ổn định.
Trước thực trạng trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo người chăn nuôi bò cần tiếp tục theo dõi thị trường để có kế hoạch chăn nuôi phù hợp, thực hiện các biện pháp để ổn định sản xuất, tiết kiệm chi phí, không giảm đàn ồ ạt khiến nguồn cung bị đứt gãy. Bên cạnh đó, các địa phương cần chú trọng hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, khuyến khích và hỗ trợ người dân thay đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang nuôi theo mô hình trang trại, gia trại, thay đổi và lai tạo nâng cao tầm vóc đàn bò; chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời, cắt giảm nguồn thức ăn công nghiệp và tận dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp như rơm rạ, thân các loại cây ngô, đậu, lạc… để ủ lên men; mở rộng diện tích trồng cỏ thức ăn chăn nuôi để hạn chế chi phí thức ăn.
Để phát triển chăn nuôi trâu, bò bền vững phát triển ổn định, các địa phương cần thành lập các tổ hợp tác, liên kết trong sản xuất; khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, thực hiện liên kết với người dân nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, giúp người dân phát triển chăn nuôi một cách bền vững.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
Nguồn: Báo Thanh Hóa